pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hệ miễn dịch suy giảm, bà bầu cần làm gì để phòng tránh cúm khi giao mùa hè - thu?
Bước vào giao mùa hè - thu, vi sinh vật có điều kiện phát triển thuận lợi và cũng dễ lây lan hơn. Nếu như không phòng tránh cúm hiệu quả thì các mẹ bầu có thể phải đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm. Dưới đây là lời khuyên của các bác sĩ giúp bà bầu có một thai kì khoẻ mạnh khi giao mùa.
1. Bà bầu không nên "thờ ơ" với cúm giao mùa!
Cảm cúm là một dạng bệnh do nhiễm trùng đường hô hấp gây ra và có tác động vô cùng nguy hiểm tới thai nhi.
Bà bầu bị cúm thường có các biểu hiện sau:
- Nhức đầu, sốt
- Sổ mũi, ngạt mũi
- Đau họng, rát họng
- Ho
- Đau nhức người, mỏi các khớp, cơ.
Mặc dù các triệu chứng kể trên ít nhiều không mấy nguy hiểm tới thai nhi nhưng nếu cứ liên tục sốt cao trên 39 độ C thì thai nhi lại có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, sinh non, sảy thai, bị nhẹ cân; thậm chí là thai chết lưu hoặc tử vong!
Nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ bị cảm cúm
Theo các chuyên gia thì vào thời kì mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ bị suy giảm hơn nên rất dễ bị các bệnh liên quan tới nhiễm trùng, ho, cảm lạnh và trong đó có cảm cúm.
Cũng bởi vì hệ miễn dịch yếu mà khi mắc bệnh việc điều trị cũng sẽ khó khăn hơn. Chưa kể đến việc các thai phụ hay lo lắng dùng thuốc khi đang mang thai sẽ có ảnh hưởng xấu tới thai nhi dẫn tới bệnh nặng hơn, lại càng nguy hiểm!
2. Phòng tránh cúm cho mẹ bầu khi giao mùa hè - thu
- Quan sát các dấu hiệu bất thường của cơ thể
Bác sĩ sản khoa Kim Thị Phúc có chia sẻ, trong quá trình mang thai, nếu như thai phụ gặp phải bất kì một dấu hiệu bất thường nào, kể cả là bệnh cảm cúm thì đều cần tới gặp bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp, giảm tác động nguy hiểm tới cả mẹ và con. Đặc biệt, bác sĩ cũng nhấn mạnh, không được tự ý sử dụng bất kì một loại thuốc nào nếu như không có chỉ định của bác sĩ cho phụ nữ mang thai.
- Không được tự ý mua và uống thuốc điều trị cảm cúm thông thường khi không có chỉ dẫn của bác sĩ
Bác sĩ Phúc cũng nói thêm, có rất nhiều trường hợp tự ý mua thuốc về điều trị khiến bệnh trở nên nặng hơn do dùng thuốc sai cách, chưa tính tới việc có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi trong bụng.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Vệ sinh cá nhân bao gồm tắm rửa, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tới những nơi đông người, tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng có nguy cơ dính virus hay vi khuẩn.
Nếu chưa biết rửa tay đúng cách thì bà bầu có thể đọc bài viết: Các bước rửa tay đúng cách trong mùa dịch để nắm rõ hơn.
Bà bầu cũng đừng quên súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%.
- Có chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bà bầu khoẻ mạnh hơn, củng cố hệ miễn dịch và có sức chống chọi với sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
- Luôn giữ ấm cơ thể
Giao mùa hè - thu, để phòng tránh cúm mẹ bầu cần giữ ấm cơ thể, nhất là họng, đầu và lòng bàn chân. Hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết có sự chênh lệch cao.
- Bổ sung kẽm trong thai kì
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mẹ bầu có một hệ hô hấp khoẻ mạnh. Một khi thiếu kẽm, hệ hô hấp bị suy giảm chức năng khiến mẹ bầu đối mặt với nguy cơ dễ nhiễm trùng hệ hô hấp hơn.
Các thực phẩm giàu kẽm mẹ bầu có thể ăn để phòng tránh cúm có thể kể đến như hải sản, thịt nạc, các loại đỗ,... Nếu cần chắc chắn hơn bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Tiêm vaccine phòng cúm trước khi mang thai
Nếu như bạn đang có ý định mang thai thì nên tiêm phòng cúm đầy đủ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Nếu bà bầu chưa tiêm phòng vaccine phòng tránh cúm mà muốn tiêm thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ.