Hệ tri thức Việt số hóa đã bắt đầu 'nảy mầm'

01/10/2019 - 19:47
Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ ra mắt Bản đồ số Việt Nam (Vmap) và hệ thống kết nối thông tin nhân đạo (iNhandao) - 2 dự án tiên phong của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và đã đạt được một số kết quả quan trọng trong giai đoạn 1.

Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.

Đến nay, Vmap thu thập được hơn 23,4 triệu địa chỉ trên cả nước với các lớp dữ liệu nền và trong từng lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nhà dân…

Kế thừa các địa chỉ số từ Vmap, hệ thống iNhandao do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với tập đoàn FPT phát triển nhằm tạo ra kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ ra mắt Vmap và iNhandao. Ảnh: VGP

 

Trong giai đoạn đầu iNhandao triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác. Từ đó các hoạt động của các nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm và mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Nhà tài trợ ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai tài trợ thuận tiện, cũng có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự vui mừng khi “hạt giống” chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo của Hệ tri thức Việt số hoá đã bắt đầu “nảy mầm” trong đó có dự án Bản đồ số Việt Nam (Vmap) và hệ thống kết nối thông tin nhân đạo (iNhandao). Mặc dù mới ra mắt ở giai đoạn một nhưng những nền tảng này đã được cộng đồng đón nhận, bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn.

“Rất nhiều bạn trẻ đến từ Viện Hàn lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam, tập đoàn FPT, nhiều đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tham gia hoàn toàn tự nguyện, hết lòng vì cộng đồng. “Cây” tri thức Việt số hoá đã bắt đầu “nảy mầm” và cần tiếp tục được “chăm bón” để “đơm hoa, kết trái”. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều bàn tay cùng góp sức để chăm sóc cho Vmap, iNhandao nói riêng, Hệ tri thức Việt số hoá nói chung”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Lấy ví dụ iNhandao hiện mới dừng ở mức đưa các thông tin địa chỉ nhân đạo cần được trợ giúp, Phó Thủ tướng cho rằng những bước tiếp theo hệ thống này phải kết nối được tất cả mọi người trong xã hội có mong muốn, khả năng trợ giúp về vật chất, tinh thần, kiến thức, thời gian…

“Một cháu học sinh nghèo muốn có một đôi dép hay chiếc cặp sách nhưng cụ thể hơn là đôi dép, cặp sách đó màu gì, kích cỡ ra sao hay những người cần trợ giúp về thời gian, kiến thức, tư vấn… thì đều được kết nối với những tấm lòng thiện nguyện. Và những trợ giúp từ người có tấm lòng đến người nhận sẽ được công khai, minh bạch hoàn toàn. Từ đó lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá cao sự cam kết đồng hành, đầu tư của các doanh nghiệp trong triển khai giai đoạn tiếp theo của iNhandao, Vmap, Phó Thủ tướng mong muốn các dự án thành phần khác của Hệ tri thức Việt số hoá tiếp tục được doanh nghiệp, cộng đồng, người dân ủng hộ, phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm