Hemoglobin là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm Hemoglobin

Ngọc Điệp
08/11/2021 - 13:55
Hemoglobin là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm Hemoglobin
Bệnh hemoglobin là một trong những bệnh di truyền thường gặp trên thế giới. Vậy hemoglobin là gì? Kết quả xét nghiệm hemoglobin chứng tỏ gì? Cùng tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Theo các con số thống kê, trên thế giới có khoảng 7% dân số mang gen bệnh dị hợp tử và mỗi năm có khoảng 300.000 – 500.000 trẻ em sinh ra với bệnh hemoglobin thể nặng. Nếu không điều trị kịp thời, nhiều rối loạn hemoglobin gây tử vong cho trẻ em trong vòng vài năm đầu đời. Trên thực tế, châu Phi và Đông Nam Á được xem là vùng dịch tễ của bệnh hemoglobin.

Ở nước ta, tần suất bệnh thalassemia và hemoglobin chiếm tỉ lệ cao và đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu tán huyết thường gặp nhất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tùy theo nhóm dân tộc, tỉ lệ dân số Việt Nam mang gen bệnh thay đổi từ 1,5 - 25%. Điều này làm cho bệnh hemoglobin trở thành một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm, không chỉ ở quy mô bệnh lý huyết học mà còn ở quy mô sức khỏe cộng đồng.

1. Hemoglobin là gì?

Hemoglobin, hay còn gọi là huyết sắc tố, viết tắt là Hb hay Hgb, là một protein màu (chromoprotein) gồm 2 thành phần là nhân hem và globin.

Vì hemoglobin ở trong hồng cầu, có chứa Fe2 có thể oxy hóa nên nó có vai trò vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và vận chuyển CO2 từ các cơ quan đến phổi. Bên cạnh đó, hemoglobin còn đóng vai trò làm đệm để trung hòa các H do các cơ quan giải phóng ra. Ngoài ra, hemoglobin có tác dụng giúp các tế bào hồng cầu có được hình dạng như chiếc đĩa, giúp chúng di chuyển dễ dàng qua các mạch máu.

Tuỳ theo sự kết hợp các loại chuỗi globin, hemoglobin có các loại phổ biến sau:

- Hemoglobin A (HbA) : Hemoglobin A là loại thường gặp ở những người trưởng thành. Cụ thể, một vài bệnh như hội chứng thalassemia làm nồng độ hemoglobin A giảm và nồng độ hemoglobin F tăng.

- Hemoglobin A2 (HbA2): Đây là loại hemoglobin được tìm thấy ở những đối tượng là người trưởng thành với một lượng nhỏ.

- Hemoglobin F (Fetal hemoglobin, HbF hay còn gọi là huyết sắc tố bào thai): Đây là loại hemoglobin chiếm tỷ lệ rất cao ở giai đoạn cuối của thai nhi và sơ sinh. Nó thường được tìm thấy ở các đối tượng là thai nhi và trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, trong những trường hợp người bệnh mắc hồng cầu hình liềm, thiếu máu bất sản, bệnh bạch cầu… bệnh nhân sẽ có nhiều loại hemoglobin bất thường và lượng hemoglobin F cao.

Hemoglobin là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm Hemoglobin - Ảnh 1.

Hemoglobin hay còn gọi là huyết sắc tố là một chất nằm trong tế bào hồng cầu - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Vai trò của các chất dinh dưỡng đa lượng đối với cơ thể

2. Định lượng hemoglobin huyết thanh

Thông thường, hemoglobin cần phải được chứa trong hồng cầu. Tuy nhiên, với những trường hợp mắc một số bệnh lý có thể khiến hemoglobin xuất hiện trong huyết thanh, gọi là huyết sắc tố tự do. Nếu ở dạng tự do, nó sẽ thấm dần qua các mao mạch và bị thất thoát qua con đường nước tiểu. Định lượng hemoglobin huyết thanh là biện pháp đo số lượng các huyết sắc tố tự do này.

Theo đó, các bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm hemoglobin để chẩn đoán hoặc theo dõi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ bất thường. Trong trường hợp bệnh nhân đã được truyền máu gần đây, xét nghiệm này có thể theo dõi phản ứng truyền máu của người bệnh.

2.1. Khi nào cần thực hiện định lượng hemoglobin huyết thanh?

Trên thực tế, các bác sĩ thường chỉ định định lượng hemoglobin huyết thanh nếu bệnh nhân có các triệu chứng thiếu máu tán huyết. Thiếu máu tán huyết xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhanh chóng và tủy xương sản xuất không đủ lượng hồng cầu thất thoát.

Với những người bệnh đã được chẩn đoán thiếu máu tán huyết, xét nghiệm hemoglobin giúp bác sĩ theo dõi diễn tiến tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, với những người có dự định kết hôn với nhau và có mắc một số bệnh lý về hemoglobin, xét nghiệm này giúp họ xác định nguy cơ họ di truyền lại căn bệnh này cho con cao hay không.

2.2. Quy trình thực hiện định lượng hemoglobin

- Trước khi tiến hành làm xét nghiệm hemoglobin:

Trừ khi có các chỉ định riêng của bác sĩ, trước khi thực hiện định lượng hemoglobin, bệnh nhân không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Thông thường, người bệnh cần nhịn ăn uống hay tránh sử dụng một số loại thuốc trước khi xét nghiệm, chẳng hạn như thuốc làm loãng máu.

- Trong khi tiến hành xét nghiệm hemoglobin:

Để làm xét nghiệm hemoglobin, các bác sĩ, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu máu của người bệnh để xét nghiệm. Theo đó, vị trí phổ biến nhất để trích máu là từ tĩnh mạch ở khuỷu tay trong hoặc trên mu bàn tay của bệnh nhân.

- Sau khi thực hiện xét nghiệm:

Thông thường, quy trình này tương tự lấy mẫu máu thông thường và chỉ mất vài phút. Người bệnh có thể quay về trong ngày nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Mẫu máu của bệnh nhân sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

2.3. Hàm lượng hemoglobin cao có ý nghĩa gì?

Hàm lượng hemoglobin cao, cụ thể là trên 16,5g/dL có thể là dấu hiệu của bệnh đa hồng cầu. Căn bệnh này rất nguy hiểm vì khi cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu sẽ dễ dẫn tới hình thành các cục máu đông, đau tim và đột quỵ. Lúc này, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, hàm lượng hemoglobin cao cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân cơ thể bị mất nước, hút thuốc lá, sống ở môi trường vùng cao hoặc có thể mắc bệnh phổi hoặc bệnh tim.

Hemoglobin là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm Hemoglobin - Ảnh 2.

Chỉ số hemoglobin cao có thể là dấu hiệu của bệnh đa hồng cầu - Ảnh Internet.

2.4. Hàm lượng hemoglobin thấp có ý nghĩa gì?

Mức hemoglobin thấp, cụ thể là dưới 12 g/dL, thường chứng tỏ người bệnh đang bị thiếu máu. Nguyên nhân là vì cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu hoặc những tế bào không hoạt động bình thường.

Trong trường hợp này, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán tình trạng thiếu máu để định hướng điều trị hiệu quả.

2.5. Định lượng hemoglobin bao nhiêu là bình thường?

Hemoglobin được đo bằng đơn vị miligam huyết sắc tố trên mỗi decilit máu, kí hiệu là mg/dL. Theo đó, huyết tương hoặc huyết thanh ở người không bị thiếu máu tán huyết có thể chứa tới 5 mg/dL hemoglobin.

Các bác sĩ cho biết giá trị tham chiếu sẽ tùy thuộc vào điều kiện khác nhau của phòng thí nghiệm. Vì vậy, để biết kết quả thế nào là bình thường, tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có các chẩn đoán xác định.

Nếu kết quả xét nghiệm hemoglobin là bất thường, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhiều xét nghiệm bổ sung khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, sinh thiết tủy xương để xác định chính xác nguyên nhân gây thiếu máu tán huyết.

2.6. Định lượng hemoglobin huyết thanh có nguy hiểm không?

Định lượng hemoglobin huyết thanh có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều người bệnh. Theo các bác sĩ, định lượng này được thực hiện thông qua việc trích mẫu máu xét nghiệm, do đó những rủi ro nếu có chỉ xoay quanh thủ thuật lấy máu.

Vì thế, định lượng hemoglobin nhìn chung là một xét nghiệm an toàn. Bệnh nhân khi làm xét nghiệm có thể cảm thấy hơi đau hoặc chảy máu và bầm tím tại vị trí lấy mẫu máu. Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, một số rủi ro có thể xảy ra như bị ngất xỉu, mất nhiều máu, tụ máu, nhiễm trùng da...Tuy nhiên, đây là những trường hợp rất ít xảy ra.

Như vậy, hemoglobin là một trong những chỉ định cần thiết để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của người bệnh. Những chỉ số hemoglobin biểu hiện nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Do đó, bệnh nhân khi được chỉ định xét nghiệm hemoglin cần lưu ý tới các chỉ định của bác sĩ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm