Hệ thống cảnh báo RAPEX của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, kết quả kiểm tra các sản phẩm miếng dán hình nguồn gốc Trung Quốc được bày bán tại Na Uy cho thấy, sản phẩm này chứa DEHP, DINP vượt ngưỡng cho phép. Đây là những chất bị cấm đưa vào đồ dùng cho trẻ em, bởi chúng gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Những chất này có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng cách tiếp xúc qua da, miệng và cả đường hô hấp. Khi cơ thể trẻ tích lũy các chất đó đến một mức nhất định thì sẽ làm hỏng các cơ quan nội tạng, gây vô sinh, ung thư.
Ngoài ra, RAPEX cũng đề nghị thu hồi nhiều sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, gồm bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê nhựa (giống búp bê Barbie), bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi... Đây không phải lần đầu tiên đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc bị đề nghị cấm lưu hành tại châu Âu. Trước đó, nhiều sản phẩm đồ chơi khác đã được đưa vào danh sách cảnh báo thu hồi.
Tại Hà Nội và nhiều địa phương ở nước ta, miếng dán có đủ các loại hình búp bê, con vật, nhân vật hoạt hình, hoa... được bày bán ở các cửa hàng lưu niệm, siêu thị, nhà sách. Các hình dán có nhiều màu sắc bắt mắt, đa dạng, với giá chỉ từ 3.000 đồng đến 20.000 đồng, tùy loại. Sản phẩm hầu hết được ghi “Sản xuất tại Trung Quốc” bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Miếng dán hoạt hình hấp dẫn trẻ em
Một cửa hàng tạp hóa cạnh cổng trường Mầm non Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), có bán nhiều miếng dán hoạt hình. Chị Toán, nhân viên bán hàng, cho biết, miếng dán hoạt hình có 2 loại, là phủ nhựa và phủ keo. Loại phủ nhựa giá 10.000 đồng/miếng, mỗi miếng có khoảng 30 hình dán nhỏ các nhân vật hoạt hình, cây cỏ, vật dụng. Còn miếng dán phủ keo giá 8.000 đồng/miếng.
Độc chất ngấm từ từ
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TƯ, khi RAPEX đưa ra cảnh báo và sản phẩm trên bị thu hồi ở một số số nước châu Âu thì chắc chắn họ đã có nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể. Cũng theo PGS Thường, dẫn chất phtalat có trong DEHP, thường được dùng làm chất hóa dẻo cho các bao bì nhựa như bình sữa, can, lọ, đồ chơi trẻ em... nhằm tăng tính mềm dẻo của các sản phẩm nhựa và tăng khả năng chịu đựng va đập.
Trong quá trình sử dụng, nếu các dẫn chất phtalat trong sản phẩm vượt ngưỡng cho phép hay trong sản phẩm kém chất lượng, thì sẽ bị thôi ra và ngấm vào cơ thể người qua đường da, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Lâu ngày, phtalat sẽ làm xáo trộn nội tiết khiến bé gái dậy thì sớm trước tuổi, làm giảm sự bài tiết hormone tăng trưởng ở bé trai, có thể gây vô sinh. Ngoài những tác động trên, các chất độc hại này còn có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới chức năng gan và thận, gây thiếu máu...
PGS Thường cho rằng, để có thể gây bệnh, các chất này phải ngấm vào cơ thể một lượng vừa đủ, trong thời gian dài, chứ không có chuyện cầm chơi gây bệnh ngay được. Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, trước khi mua đồ chơi cho con, phụ huynh nên xem xét nguồn gốc, xuất xứ, thành phần. Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên cho trẻ ăn bằng bát nhựa khi đồ ăn đang nóng mà nên dùng bát, đĩa sứ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ), đồ chơi trẻ em khi nhập về phải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN3:2009/BKHCN). Theo đó, sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu về cơ lý, hóa học, cháy nổ. Trước khi bán ra thị trường phải được cơ quan quản lý Nhà nước chứng nhận chất lượng, dán tem hợp quy. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm nhập lậu nên không được kiểm tra chất lượng.
|