pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
“Hô biến” rơm rạ thành phân hữu cơ, để những chuyến bay được an toàn trên bầu trời Nội Bài
Mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ của Hội LHPN huyện Sóc Sơn (Hà Nội) góp phần an toàn bay cho sân bay Nội Bài.
Trước những phản ánh của Cảng vụ Hàng không miền Bắc về việc người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn đốt rơm rạ, gây nhiều khói ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài; cộng với việc thực hiện Chương trình số 02 của huyện ủy Sóc Sơn về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân" và phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", ngày 3/6/2020, Hội LHPN huyện Sóc Sơn đã tổ chức Tập huấn mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ.
"Hội LHPN huyện Sóc Sơn đăng ký một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới là tiêu chí về môi trường. Nắm bắt tình hình địa phương, Hội nhận thấy rằng các hội viên sản xuất nông nghiệp sau khi thu hoạch xong thường đốt rơm rạ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, đặc biệt đối với những cánh đồng gần hệ thống giao thông sẽ gây ảnh hưởng tới giao thông. Chính vì vậy mà chúng tôi đã sử dụng biện pháp để tuyên truyền cho hội viên 'Nói không với đốt rơm rạ'. Tìm cách khắc phục thực trạng này, chúng tôi có nghiên cứu và thấy rằng mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ là một trong những mô hình rất tích cực trong việc thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ 'Nói không với việc đốt rơm rạ'", bà Trương Thị Nhàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết.
Chia sẻ về việc triển khai mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ trên địa bàn xã Đông Xuân, bà Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xuân cho biết, "Chúng tôi đã thực nghiệm ở 2 chi hội (Chi Hội Phụ nữ thôn Yêm và Chi Hội Phụ nữ thôn Phú Thọ). Kết quả sau khi nghiệm thu cho thấy, chất lượng phân rất tốt, được các chuyên gia đánh giá cao, có thể đảm bảo để thay thế các nguồn phân hóa học khác trong canh tác cây trồng như cây dưa lê, đu đủ, dưa chuột".
Cũng theo bà Lâm, khi Hội LHPN xã triển khai mô hình này, ban đầu hội viên cũng chưa tin tưởng tuyệt đối vào việc ủ và sử dụng phân xanh. Bởi vì từ xưa tới nay, bà con vẫn theo một lối mòn cũ đó là đốt rơm rạ lấy tro rồi trộn các loại phân hóa học khác để chăm bón cho cây trồng. Tuy nhiên, khi mà kết quả thực nghiệm ở một số chi hội đạt kết quả nhất định thì bà con dần trở nên tin tưởng.
Được biết, xã Đông Xuân là một xã thuần nông, do đó mà số hội viên phụ nữ làm nông nghiệp lên tới hơn 1.100 người. Trong cơ cấu cây trồng của xã, cây lúa chiếm vai trò chủ đạo, rồi đến trồng cây hoa nhài, sau đó là các loại cây ăn quả như dưa lê, dưa chuột.
Chị Nguyễn Thị Ki (49 tuổi, thôn Phú Thọ, xã Đông Xuân), một trong những hộ dân thực hiện thí điểm mô hình chia sẻ, "Trước đây, khi người ta chưa phổ biến về loại phân hữu cơ này, nên làm cỏ hoặc rơm rạ xong cũng chưa biết làm gì. Nhưng kể từ khi tham gia lớp tập huấn xong, tôi biết cách sử dụng để làm phân bón hữu cơ. Mình muốn cỏ, rơm nhanh mục, mình phải phơi tái đi, xong bắt đầu mình vẩy nước vào".
Ngoài ra, chị Ki cũng cho biết, trước khi chưa dùng loại phân hữu cơ này, chị thường phải mất tiền mua thêm nhiều loại phân khác như phân lân, phân gà về ủ với vôi. Nhưng từ khi chuyển sang mô hình này, chị và gia đình tận dụng được những nguồn nguyên liệu sẵn có rơm rạ, xác cây thực vật để làm phân, qua đó giảm chi phí, hơn nữa loại phân này còn có thể kháng trừ một số bệnh ở cây trồng.
Sau hơn một tháng triển khai, mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 11/25 xã với 100 hội viên đã thí điểm thành công mô hình.
"Chúng tôi thấy rằng có 2 kết quả đạt được rất đáng để khích lệ. Thứ nhất đã nâng cao được ý thức của hội viên phụ nữ trong việc tuyên truyền tới hội viên 'Nói không với đốt rơm rạ', bởi đốt sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường', gây ảnh hưởng đến giao thông – khói bay lên làm cho lái xe bị che khuất tầm nhìn, khói bay trên không cũng làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của đường bay. Thứ hai, giúp cho hội viên có được kiến thức về xử lý rơm rạ và rác thải của thực vật để thành phân hữu cơ, tận dụng được nguồn sẵn có tại ruộng để thành phân mà không mất tiền chi phí trong việc mua phân để bón ruộng", bà Trương Thị Nhàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn đánh giá.