pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ trẻ em mồ côi từ mô hình phân loại rác thải và thu gom phế liệu
Đại diện quỹ rác thải tái chế thôn Cổ Vài tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi
Mô hình thu gom phế liệu bán lấy tiền hỗ trợ trẻ mồ côi là một trong những mô hình hiệu quả của Chi hội. Bà Vi Thị Thiện, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Cổ Vài đã chia sẻ về mô hình này:
Nhiều năm về trước, người dân còn chưa ý thức được về môi trường sống. Do địa hình của thôn nằm ở xã Sơn Hải thuộc một huyện miền núi nên dân cư không tập trung, chính vì vậy mọi sinh hoạt đều rất tự phát. Người dân thấy chỗ nào có thể vứt rác là mang ra đổ, gây ô nhiễm môi trường.
Thời điểm hiện tại môi trường sống đã được cải thiện hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi Chi hội phụ nữ thôn thành lập mô hình "Phân loại rác thải, thu gom phế liệu để bán lấy tiền mua xe đạp và đóng học phí cho trẻ em mồ côi". Mô hình không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn giúp các em nhỏ khó khăn có cơ hội được học tập.
- Như bà vừa chia sẻ, Cổ Vài là một thôn khó khăn của xã, phân bổ dân cư cũng không tập trung. Vậy chi hội đã tuyên truyền, vận động bà con như thế nào để thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải?
Xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, phế liệu như vỏ lon, chai nhựa sau khi sử dụng thường được vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường. Chi hội đã triển khai xây dựng mô hình và tuyên truyền, vận động hội viên chia sẻ mục đích, ý nghĩa của mô hình tới gia đình và những người xung quanh.
Chi hội cũng tận tình hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải, tích góp rác thải tái chế được như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy để ủng hộ mô hình. Đồng thời, gắn các nội dung tuyên truyền chống rác thải nhựa với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", giúp hội viên có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.
Lúc mới thành lập mô hình các chị em chưa hiểu nên khó vận động vì chưa có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt nhưng khi được cán bộ hội nhiệt tình tuyên truyền vận động về mục đích, ý nghĩa của mô hình, các chị hiểu và rất tích cực tham gia.
Mô hình có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức của chị em và người dân trong việc bảo vệ môi trường xung quanh và đặc biệt kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chị em hội viên, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
- Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình sau một thời gian hoạt động?
Hiện tại, xã Sơn Hải đã có 5/5 thôn thực hiện mô hình này, trong đó có thôn Cổ Vài. Mô hình đã trở thành phong trào, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia. Tiền thu được từ bán phế liệu chi hội dùng để hỗ trợ trẻ em mồ côi và tặng những xuất quà ý nghĩa cho phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn vào dịp Tết.
Mô hình thực tế đã giải quyết được 3 vấn đề quan trọng: Thứ nhất là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ thói quen phân loại rác thải tại nguồn; Thứ hai là hỗ trợ được một số đối tượng khó khăn; Thứ ba là qua các hành động hỗ trợ sẽ khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
- Trong thời gian tới, Chi hội có thêm sáng kiến gì để nâng cao hiệu quả của mô hình?
Chúng tôi sẽ lan tỏa nhiều hơn những hình ảnh của mô hình trên mạng xã hội, nhất là các nhóm mạng của phụ nữ để nhiều người hiểu hơn nữa ý nghĩa của mô hình. Chi hội cũng sẽ rà soát các đối tượng khó khăn để tập trung giúp đỡ, nhất là việc hỗ trợ định kỳ cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn khó khăn và học sinh nghèo.
- Xin cảm ơn bà!