Hổ trong kiệt tác hội họa Đông Tây

Hà Nhi
01/02/2022 - 07:50
Hổ trong kiệt tác hội họa Đông Tây

"Hổ ngóng trăng" của Katsushika Hokusai

Từ thời xa xưa, hình ảnh chúa sơn lâm là một trong số những đề tài được người tiền sử “sáng tác” lên vách đá. Mỗi dân tộc và nền văn hóa đều coi hổ là loài mãnh thú và qua hội họa để khắc họa đậm nét hình tượng đầy oai dũng, bí ẩn của chúa sơn lâm trong tự nhiên.

Nếu kể về số lượng, người Trung Quốc vẽ hổ nhiều nhất. Nhưng xét về sự kỳ công phải nhắc tên các họa phẩm hổ của các họa sĩ người Nhật Bản. Một trong những bức tranh vẽ hổ nổi tiếng nhất của xứ sở hoa anh đào là bức "Hổ ngóng trăng" của danh họa Katsushika Hokusai (1760-1849). Bức tranh đặc tả hình ảnh chúa sơn lâm đang đứng trên một mỏm đá, ngoái nhìn vầng trăng tròn nổi lên trên nền trời lung linh, huyền ảo. 

Họa phẩm này tiêu biểu cho phong cách dụng bút bí ẩn của danh họa thời Edo - tác giả của loạt 36 bức tranh vẽ núi Phú Sĩ nổi tiếng thế giới hay kiệt tác bất hủ "Sóng lừng". Chất thiền thấm đẫm trong bức "Hổ ngóng trăng" của danh họa Katsushika Hokusai. Ở đó, công chúng không chỉ thấy sức mạnh, sinh lực của chúa sơn lâm mà còn thấy được vẻ đẹp lan tỏa của thiên nhiên, vạn vật trong một khung cảnh yên tĩnh, đầy lắng đọng.

Hai bức tranh vẽ hổ nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc đều miêu tả hình ảnh con hổ với dáng vẻ rón rén, thận trọng. Đó là bức "Hổ núi" của danh họa Hoa Nham (1682 - 1756) và bức "Hổ đồ" của danh họa Tề Bạch Thạch (1864 - 1957). Tranh Hoa Nham họa lại tư thế cụp tai, oằn mình, dựng lông, ánh mắt lo sợ đang nhìn ngang liếc dọc, chân bước đi vô cùng thận trọng của chúa sơn lâm. Ông vẽ "Hổ núi" khi đã ở tuổi 70. Bức tranh từng được xem là họa lại hình ảnh con lạc đà trong bức họa "Tuyết tụ trên núi Thiên Sơn" được Hoa Nham vẽ ở tuổi trung niên. Gần đây, với kỹ thuật phóng đại hình ảnh, các chuyên gia hội họa hiện đại phát hiện ra một vài đốm đen nhỏ ở góc trên cùng bên phải của họa phẩm. Đó chính là hình ảnh của một con ong. Con hổ trong tranh vì lo sợ bị ong đốt nên mới có dáng điệu rón rén kỳ lạ như thế. 

Tài năng của danh họa Hoa Nham thuở hàn vi không được coi trọng, ông còn là nạn nhân của nạn tranh chép, của những lời ong tiếng ve ác ý nhằm hạ bệ tài năng. Bức "Hổ núi" được xem như một tự họa về thân phận khốn đốn của một danh họa tài năng khi lạc lõng giữa thời cuộc, dẫu chất ngất chí khí nhưng cuối cùng vẫn phải cúi đầu trước xã hội.

Hổ trong kiệt tác hội họa Đông Tây - Ảnh 2.

Bức tranh "Hổ núi" của Hoa Nham

Tương tự, con hổ trong bức tranh "Hổ đồ" của danh họa Tề Bạch Thạch cũng như mang nỗi niềm tâm sự kín đáo. Trong "Hổ đồ", chúa sơn lâm quay mặt đi, chân sau quỳ xuống, đuôi vút lên. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, các chuyên gia hội họa cho rằng chi tiết "đắt" nhất của bức họa là "tư thế cong đuôi hình chữ U của chúa sơn lâm là biểu hiện khi con thú rình mồi, chuẩn bị lấy đà cho một cú bật đầy uy lực khi thời điểm chín muồi". Phần đuôi của con hổ được danh họa đặt ngang với phần đầu tạo nên sự cân xứng cho bức tranh. 

Hổ trong kiệt tác hội họa Đông Tây - Ảnh 2.

Bức họa "Hổ đồ" của Tề Bạch Thạch

Tương truyền, "Hổ đồ" là món quà được danh họa Tề Bạch Thạch vẽ tặng cho một người bạn của mình là Dương Hổ - một vị tướng lĩnh Quốc Dân Đảng. Việc khắc họa sức mạnh tiềm ẩn của con mãnh hổ trong dáng điệu đầy sức gợi đã cho thấy sáng tạo của danh họa Tề Bạch Thạch, vượt lên những lối mòn trong quy chuẩn về tranh hổ trong văn hóa Á Đông thường thể hiện thần sắc dữ dằn trong ánh mắt, gương mặt của chúa sơn lâm. Bức họa có giá trị 28,18 triệu NDT (gần 100 tỷ đồng), từng được bán cho một người mua ẩn danh trong buổi đấu giá Sotheby’s Hong Kong năm 2010.

Hổ trong kiệt tác hội họa Đông Tây - Ảnh 3.

Bức "Con hổ" của Franz Marc

Nhiều danh họa phương Tây cũng hứng thú và đưa hình tượng chúa sơn lâm vào sáng tác. Tiêu biểu là Franz Marc (1880- 1916) - họa sĩ theo trường phái Biểu hiện người Đức, người đã sáng lập ra nhóm Der Blaue Reiter. Bức sơn dầu trên vải - "Con hổ" được ông sáng tác cách đây đúng 110 năm tiêu biểu cho phong cách lập thể với môi trường mô phỏng các hình dạng hình học bao quanh con hổ.

Hổ trong kiệt tác hội họa Đông Tây - Ảnh 4.

"Hổ trong bão nhiệt đới" của Henri Rousseau

Peter Paul Rubens (1577 - 1670), một danh họa theo trường phái Baroque có ảnh hưởng lớn nhất tại Bắc Âu cũng có bức "Săn hổ, sư tử và báo" sáng tác cách đây 406 năm mô tả một trận hỗn chiến giữa muông thú với loài người. Trong đó, chúa sơn lâm nổi lên với hình ảnh dũng mãnh tối thượng. 

Henri Rousseau (1844 - 1910) là tên tuổi lớn của nghệ thuật Hậu Ấn tượng Pháp và trong số những bức tranh của ông, bức sơn dầu "Hổ trong bão nhiệt đới" vô cùng ấn tượng với sự kết hợp đa dạng các màu sắc nhằm thể hiện hình ảnh một con hổ bước đi trong khung cảnh mưa gió sấm sét dữ dội. Bức họa ra đời cách đây hơn 130 năm, là tác phẩm đầu tay của Rousseau với chủ đề rừng rậm và ngày nay được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm