Nếu như tranh sơn mài về đề tài đạo Mẫu mang tên “Giá Thánh” của họa sĩ Trần Tuấn Long được đánh giá là một trong những sự kiện hội họa ấn tượng năm 2017, thì bộ ảnh lịch chuẩn bị ra mắt với chủ đề “Đạo Và Tâm” được xem là món quà ý nghĩa dành tặng cho đông đảo người yêu hội họa truyền thống trong dịp năm mới 2018.
Bất cứ ai, dù có ít hay nhiều kiến thức về hội hoạ nhưng khi đứng trước những tác phẩm tranh sơn mài về đề tài Hầu đồng của hoạ sĩ Trần Tuấn Long đều bị cuốn hút đến lạ kỳ. Không chỉ hấp dẫn về ý nghĩa lịch sử, hay thân thế của các Thánh mẫu, ông Hoàng, Thánh cô, Thánh cậu trong từng giá đồng, giá chầu ở mỗi bức tranh. Cái cách hoạ sĩ khắc hoạ nhân vật thăng hoa cùng sự biểu cảm sâu sắc màu thời gian qua chất liệu thể hiện sơn mài truyền thống đã giúp người xem đương đại hiểu thêm phần nào về một tín ngưỡng thuần Việt vừa được tổ chức Văn hóa Thế giới (UNESSCO) công nhận là một di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đúng như hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Ngọn bút sơn mài thuần thục của họa sĩ Trần Tuấn Long bay múa huyền hoặc theo các giá đồng ở những không gian thiêng nơi cửa đền, cửa phủ. Đĩa màu ảo diệu của sơn mài truyền thống Việt đã dẫn dắt, đan cài những hình hài bí ẩn đưa “người trần vào bóng thánh”. Các tác phẩm sơn mài độc đáo của họa sĩ Trần Tuấn Long đã mở tiếp một trang đẹp đẽ cho dòng tranh Thánh Mẫu trong nền hội họa đương đại Việt Nam thế kỷ XXI”.
Chia sẻ về sáng tác liên quan đến chủ đề văn hóa tín ngưỡng, cũng như việc chọn đề tài vẽ về đạo Mẫu, họa sĩ Trần Tuấn Long khẳng định: “Cái duyên đưa tôi đến với đạo Mẫu đã như mơ, thì cái cách tôi gắn bó với đạo Mẫu phải gọi là… siêu thực”. Cái siêu thực mà họa sĩ Trần Tuấn Long nói đến ý chỉ về cách anh đã âm thầm thực hiện đề tài này từ 20 năm trước khi Thờ Mẫu được UNESSCO vinh danh.
Lần đầu tiên được xem, tiếp xúc với đạo Mẫu (năm 1996) trong một lần dẫn một người bạn nước ngoài về thăm quê và vào tham quan đền Vua Bà (Quảng Ninh), họa sĩ Trần Tuấn Long đã bị loại hình nghệ thuật này cuốn hút. Những màn nhảy múa của các thanh đồng trong từng điệu nhạc rộn ràng, lôi cuốn trong không gian huyền bí, uy linh của nơi thờ cúng tâm linh… đã chạm tới cảm xúc, chất nghệ sĩ trong con người của họa sĩ. Sau buổi xem diễn xướng ấy, họa sĩ đã quyết định chọn vẽ đề tài này như một sự thỏa mãn cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, khoảng thời gian ấy, dù tín ngưỡng Đạo Mẫu đã và đang tồn tại trong đời sống nhân dân nhưng góc độ quản lý nhà nước thì nó chưa được chấp nhận. Điều này đã ảnh hưởng và tạo không ít khó khăn cho họa sĩ Trần Tuấn Long khi theo đuổi đề tài này. “Hai mươi năm đau đáu với một đề tài bị coi là nhạy cảm, tôi cũng từng chọn những bức tranh tốt nhất của mình tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (tổ chức 5 năm một lần), nhưng các tác phẩm đều bị loại ngay từ đầu với lý do "chủ đề tuyên truyền mê tín dị đoan” - họa sĩ Trần Tuấn Long tâm sự.
Chính vì thế, đã có lúc, tác phẩm được vẽ ra lại cất đi. Đời sống người nghệ sĩ đã có những lúc rơi vào khó khăn bởi cuộc sống mưu sinh sinh hàng ngày. Tuy nhiên, anh vẫn đam mê vẽ về đề tài này, mỗi năm vẽ vài bức. Chia sẻ về vấn đề này, họa sĩ Trần Đốc - nguyên giảng viên trường đại học Mỹ thuật cho hay: “Không chỉ riêng Trần Tuấn Long, đối với họa sĩ khi theo đuổi một đề tài, nhưng vì điều kiện xã hội mà bị cấm đoán thì buộc phải chấp nhận. Thế nhưng, cách Long tâm huyết với đạo Mẫu, với những giá đồng chính là điều khiến giới họa sĩ chúng tôi đánh giá cao”.
… đến sử dụng chất liệu truyền thống
Trong tranh của Trần Tuấn Long, đạo Mẫu mang màu sắc nguyên sơ như thuở ban đầu. Sử dụng sơn mài để diễn tả về thế giới tín ngưỡng biến ảo lung linh, Trần Tuấn Long đã tận dụng được lợi thế của các sắc độ ẩn sâu dưới tầng tầng lớp lớp sơn.Những mảng trầm sâu thẳm, hay những phết vàng son uyển chuyển đậm màu thời gian của sơn ta đã giúp họa sỹ thể hiện một cách tối đa các sắc thái của nghệ thuật diễn xướng hát văn. Song dường như chưa đủ, hoạ sĩ Trần Tuấn Long đã sáng tạo hơn khi biểu đạt nền của mỗi bức tranh là hình ảnh phảng phất của các tranh tượng thờ quen thuộc của người Việt với các tố nữ, tam phủ, tứ phủ, hộ pháp, thiện-ác, tiên nữ… của các đình, đền cổ. Cõi thiêng trong tranh như vậy đã có chỗ dựa vững chắc của những hình thức mỹ thuật cổ, làm nền cho các “đồng” đang múa nổi bật phía trước. Nếu các đồng cốt múa trong thế giới tâm linh của họ thì Tuấn Long cũng được dịp “múa” trong kỹ thuật sơn mài bằng việc dát vàng bạc, rắc trai hay vỏ trứng, tỉa tót điểm xuyết các hoa văn, vờn các mảng lửa khói…
Quả thực, để có được bộ sáng tác 26 bức tranh sơn mài về chủ đề thờ Mẫu đang được giới chuyên môn và công chúng yêu hội hoạ trong và ngoài nước đánh giá rất cao hiện nay, họa sĩ Trần Tuấn Long đã phải mất 20 năm kiên trì nuôi dưỡng tình yêu đối với đề tài này để từ đó có thể chuyển thể thành công sang hội họa với kỹ thuật sơn mài truyền thống. Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO đánh giá cao họa sĩ Trần Tuấn Long đã thành công khi thể hiện đề tài Hầu đồng. Những bức tranh rất đep, đẹp cả màu sắc, đẹp về cách thể hiện. Ở đây có sự tương phản, đẹp về độ sâu, đẹp về kỹ năng sử dụng nghệ thuật sơn mài. Sức nặng đó là câu chuyện nội dung về tín ngưỡng thờ mẫu, sức mạnh đó thể hiện sự phối màu tương phản, màu sắc rất đậm, rất sâu, không có màu nhạt.
Còn chia sẻ về lý do sáng tác bộ tranh này, hoạ sĩ Trần Tuấn Long cho biết: “Tôi muốn mang đến cảm xúc của một họa sĩ đang sống ở thời điểm hiện tại nhìn về Hầu đồng ở thời điểm hiện nay, những cảm nhận của một nghệ sĩ về tín ngưỡng dân gian này. Đây cũng là mảng đề tài mà tôi yêu và gắn bó từ rất lâu rồi. Tôi thực sự thấy hạnh phúc khi mình đang góp một phần trong việc gìn giữ nét văn hóa người Việt, truyền tải và đưa chúng vào hội họa”.