Hoại tử môi vì làm đẹp

07/07/2016 - 10:02
Sau 2 tháng tiêm chất làm đầy vào môi tại Spa số 2B Vạn Kiếp (Hoàn Kiếm, Hà Nội), môi của chị N.T.H., 23 tuổi ở Quảng Ninh có dấu hiệu sưng tấy, hoại tử.
Ngày 2/7, chị H. vào BV Việt Nam-Cu Ba, Hà Nội trong tình trạng môi sưng, chảy mủ, biến dạng, người sốt cao, co giật. Các bác sĩ xác định, nguyên nhân khiến môi chị H. bị như trên do biến chứng nặng sau khi tiêm chất làm đầy filler.
moi.jpg
 Môi chị H. có dấu hiệu hoại tử
Chị H. cho biết, trước đó ngày 28/4, chị đến spa tại số 2B Vạn Kiếp (Hoàn Kiếm, Hà Nội) do chị Nguyễn Thị Nga làm chủ để tiêm filler môi dưới.
 
Do chị Nga giới thiệu làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nguồn filler cũng từ bệnh viện nên chị H. tin tưởng. Sau khi tiêm, môi chưa có dấu hiệu gì nhưng cách đây 3 tuần, môi dưới của chị H. bắt đầu nổi những nốt sùi trắng. Khi gọi điện cho chủ spa thì được lý giải do ăn nhiều đồ nóng và khuyên chị H. nên ăn các thực phẩm làm mát cơ thể. Chị H. tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của spa nhưng môi ngày càng sưng phồng, có dấu hiệu vỡ loét.
 
Các bác sĩ BV Việt Nam – Cu Ba phải phẫu thuật lấy toàn bộ dịch mủ và cho dùng kháng sinh. Tuy nhiên do bệnh nhân kháng kháng sinh nên việc điều trị tiến triển chậm, không loại trừ phải cắt gần hết môi dưới.

Sau khi chị H. gặp sự cố trên, phía cơ sở làm đẹp đã cam kết nhận toàn bộ trách nhiệm và sẽ thanh toán toàn bộ chi phía điều trị trong khoảng thời gian từ 1 - 6 tháng cho bệnh nhân.

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 6/7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở spa số 2B Vạn Kiếp. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến nơi thì cơ sở đã khóa cửa. Đơn vị này sẽ tiếp tục liên hệ để làm việc với cơ sở làm đẹp.

GS.BS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn, Hà Nội cho hay: Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính là mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm). Những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Những cơ sở “chui” như trên nếu xảy ra tai biến không đủ khả năng cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng.

“Trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, khách hàng phải xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng; nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt; người tiêm filler phải là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được đào tạo bài bản”, GS.BS Trần Thiết Sơn khuyến cáo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm