pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoại tử vô mạch gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh
- 1. Hoại tử vô mạch là gì?
- 2. Nguyên nhân gây hoại tử vô mạch là gì?
- 3. Triệu chứng hoại tử vô mạch là gì?
- 4. Các mức độ của hoại tử vô mạch
- 5. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác
- 6. Điều trị hoại tử vô mạch
- 7. Những biến chứng thường gặp của hoại tử vô mạch là gì?
- 8. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hoại tử vô mạch
- 9. Phòng tránh hoại tử vô mạch như thế nào?
- 10. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh hoại tử vô mạch
1. Hoại tử vô mạch là gì?
Hoại tử vô mạch là tên bệnh lý dùng để chỉ tình trạng các tế bào xương của cơ thể bị chế đi do mất nguồn cung cấp máu làm thay đổi cấu trúc của xương, gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng của hệ xương khớp. Hoại tử vô mạch còn được biết đến với một số tên gọi khác như hoại tử xương, hoại tử thiếu máu cục bộ hay hoại tử vô khuẩn.
Hoại tử vô mạch thường hay xuất hiện hơn ở các vị trí nghèo mạch máu nuôi, ít vòng nối mạch máu, đầu của các xương dài như đầu xương đùi, nhưng đôi khi nó cũng có thể xuất hiện ở các xương nhỏ hơn của cơ thể.
Bệnh hoại tử vô mạch thường hay xuất hiện hơn ở các vị trí nghèo mạch máu nuôi (Ảnh Internet)
2. Nguyên nhân gây hoại tử vô mạch là gì?
Trong một số trường hợp, hoại tử vô mạch là một bệnh lý vô căn. Nhưng, trong một số trường hợp khác thì nó lại là hậu quả của một số nguyên nhân khác nhau gây nên. Những nguyên nhân gây hoại tử vô mạch thường gặp trên thực tế bao gồm:
- Rượu: Những người thường xuyên sử dụng rượu, bia, hoặc các đồ uống có cồn sẽ khiến gia tăng hàm lượng chất béo trong máu, những chất béo này có khả năng lắng đọng ở thành mạch gây cản trở sự lưu thông máu đến xương gây hoại tử vô mạch.
- Tác dụng phụ của điều trị: Một số phương pháp được sử dụng trong điều trị các bệnh khác nhau có thể gây tác dụng phụ là hoại tử vô mạch. Hay gặp nhất trên các bệnh nhân hóa trị, xạ trị, ghép tạng, sử dụng thuốc tăng mật độ xương biphosphanate,...
- Sử dụng Corticoid kéo dài: Sử dụng Corticoid kéo dài được cho là nguyên nhân chịu trách nhiệm cho khoản 35% số ca bệnh hoại tử vô mạch. Cơ chế gây hoại tử vô mạch khi sử dụng Corticoid kéo dài vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng, nhưng người ta cho rằng có thể việc sử dụng Corticoid kéo dài khiến hàm lượng lipid máu của bệnh nhân tăng cao gây cản trở lưu thông máu.
- Chấn thương: Chấn thương làm thay đổi cấu trúc bao quanh mạch máu, hoặc phá vỡ mạch máu khiến sự cung cấp máu cho xương bị gián đoạn và gây nên hoại tử vô mạch. Đây cũng là nguyên nhân chịu trách nhiệm cho khoảng 20% số ca bệnh hoại tử vô mạch trên lâm sàng.
- Cục máu đông, bọt khí: Cục máu đông do nhiều nguyên nhân khác nhau chẳng hạn do chấn thương, đông máu rải rác,... hoặc bọt khí do thực hiện thủ thuật sai kỹ thuật có thể đi theo dòng máu đến vị trí hẹp, bị mắc kẹt và gây gián đoạn cung cấp máu.
- Viêm động mạch: Viêm ở động mạch khiến thành mạch bị phù nề, làm giảm tiết diện lòng mạch khiến máu lưu thông trong mạch máu khó khăn hơn, thậm chí không thể lưu thông được gây nên hoại tử vô mạch.
Một số nguyên nhân gây hoại tử vô mạch hiếm gặp hơn trên thực tế có thể kể đến đến như bệnh tiểu đường, bệnh lupus, bệnh hồng cầu hình liềm, HIV, viêm tụy,...
* Đối tượng nào dễ mắc hoại tử vô mạch?
Theo lý thuyết, hoại tử vô mạch có thể xảy ra ở tất cả mọi người, ở cả hai giới. Nhưng trên thực tế người ta thấy rằng, hoại tử vô mạch thường hay xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 50, và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ.
3. Triệu chứng hoại tử vô mạch là gì?
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Thông thường, các triệu chứng của bệnh hoại tử vô mạch trong giai đoạn đầu biểu hiện khá mờ nhạt nên đôi khi có thể không được phát hiện sớm. Khi đến giai đoạn muộn các triệu chứng của bệnh có thể biểu hiện rõ ràng hơn và dễ nhận thấy hơn. Những triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau tại vị trí khớp hoặc quanh khớp có hiện tượng hoại tử, mức độ đau có thể từ đau nhẹ cho đến đau dữ dội.
- Đau lan từ háng lan xuống gối cùng bên (nếu là hoại tử chỏm xương đùi).
- Đau tăng lên khi vận động, hoặc gia tăng áp lực lên khớp có hoại tử xương xảy ra.
- Sự vận động của bệnh nhân tại vị trí có hoại tử vô mạch bị hạn chế, giảm tầm vận động.
Thời gian biểu hiện của các triệu chứng kể từ khi có biểu hiện đầu tiên của bệnh có thể dao động từ vài tháng cho đến một năm. Hoại tử vô mạch có tính chất khu trú, không có sự lây lan phát triển sang các bộ phận khác, nhưng đôi khi người ta cũng có thể bắt gặp hoại tử vô mạch tại nhiều vị trí cùng lúc.
3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
Những thay đổi trên kết quả của các xét nghiệm khác nhau có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán hoại tử vô mạch, đánh giá tình trạng bệnh và dự đoán tiến triển cũng như biến chứng của bệnh. Các xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán hoại tử vô mạch bao gồm:
- X- Quang: Trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch, hình ảnh trên phim chụp X- Quang thường không có biến đổi bất thường. Do đó, kết quả X- Quang bình thường không đồng nghĩa với việc chúng ta được loại trừ hoại tử vô mạch, do có thể bệnh đang còn trong giai đoạn mới bắt đầu. Tuy nhiên, kết quả X-Quang lại rất có giá trị trong theo dõi sự tiến triển của bệnh.
Trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch, hình ảnh trên phim chụp X-quang thường không có biến đổi bất thường. (Ảnh: Internet)
- CT và MRI: CT và MRI là hai xét nghiệm hình ảnh học có giá trị lớn trong chẩn đoán hoại tử vô mạch, nó cho thấy được hình ảnh tổn thương xương từ rất sớm ngay trong giai đoạn bắt đầu của bệnh, số lượng các xương bị tổn thương. MRI có độ nhạy tốt hơn so với chụp CT.
- Chụp xạ hình xương: Chụp xạ hình xương cũng có thể được thực hiện để đánh giá các tổn thương tại xương thông qua sự tập trung tại xương của các đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể. Người ta ghi nhận sự tập trung của các đồng vị phóng xạ này thông qua một cỗ máy đặc biệt và phân tích hình ảnh để đưa ra kết luận.
- Đánh giá chức năng xương: Các bác sĩ có thể đánh giá chức năng xương của bệnh nhân thông qua đo áp lực trong xương của người bệnh. Tuy nhiên, đánh giá chức năng xương cần được tiến hành dưới phẫu thuật, nên kỹ thuật này được thực hiện rất hạn chế.
4. Các mức độ của hoại tử vô mạch
Để tiện cho việc tiên lượng và định hướng điều trị bệnh nhân hoại tử vô mạch, nhiều hệ thống phân chia mức độ khác nhau cho bệnh hoại tử vô mạch đã được đưa ra. Tuy nhiên, hay được áp dung nhiều trên lâm sàng hiện nay là phân độ hoại tử vô mạch theo triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của người bệnh.
Độ 0: Người bệnh không có biểu hiện bất thường nào cả về lâm sàng và kết quả xét nghiệm.
Độ 1: Bệnh nhân có thể có hoặc không có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh. Có thể thấy các biến đổi nhỏ trên X-Quang hoặc CT. MRI và xạ hình xương là hai cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán cho giai đoạn này.
Độ 2: Bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Có thấy thấy hình ảnh mất chất khoáng ở xương trên phim X-Quang. MRI là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cho giai đoạn này.
Độ 3: Bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Có hình ảnh khuyết dưới màng xương (có dạng hình liềm) và tình trạng hủy xương tại khu vực này.
Độ 4: Bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Trên phim chụp có thể thấy sự biến dạng đầu xương (trở nên phẳng, mất xương), mật độ xương không đều. CT-Scaner có giá trị chẩn đoán tốt hơn so với sử dụng X-Quang.
Độ 5: Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng nề, rầm rộ. Thấy được hình ảnh hẹp khe khớp và loãng xương trên phim chụp.
Độ 6: Mức độ nặng nề nhất của bệnh. Biểu hiện bằng sự phá hủy và tổn thương rộng rãi tại các đầu xương do hiện tượng hoại tử gây nên.
5. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác
Đôi khi tình trạng hoại tử vô mạch ở người bệnh có biểu hiện không quá điển hình mà lại biểu hiện tương tự với một số bệnh lý xương khớp khác thì việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý này là điều vô cùng cần thiết. Những bệnh lý dễ gây nhầm lẫn khi chẩn đoán hoại tử vô mạch bao gồm:
- Viêm màng hoạt dịch.
- Viêm khớp.
- Tổn thương phần mềm quanh khớp.
- Viêm tủy xương.
- U xương.
- Loãng xương.
6. Điều trị hoại tử vô mạch
6.1. Mục tiêu điều trị hoại tử vô mạch
Về cơ bản, hoại tử vô mạch cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để có thể hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh gây nên, việc điêu trị có thể được tiến hành ở các cấp độ khác nhau từ điều trị bảo tồn bệnh nhân bằng thuốc cho đến điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào thì cũng cần đạt được một số mục đích sau đây:
- Điều trị nguyên nhân cho người bệnh (mỡ máu, cục máu đông).
- Điều trị triệu chứng.
- Cải thiện khả năng vận động.
- Ngăn ngừa bệnh tiến triển.
- Ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
6.2. Các loại thuốc điều trị hoại tử vô mạch
Nếu hoại tử vô mạch được tiến hành điều trị ngay từ giai đoạn sớm của bệnh thì việc dùng thuốc đem lại hiệu quả rất khả quan và tiên lượng tốt. Những loại thuốc thường dùng trong điều trị hoại tử vô mạch bao gồm:
- Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng đông máu trong nội mạch của bệnh nhân, ngăn ngừa hình thành cục máu đông vì vậy làm ngăn chặn tiến triển của bệnh.
- Thuốc tan cục máu đông: Các thuốc tan cục máu đông cũng có thể được sử dụng để hòa tan các cục máu đông đã hình thành, giải phóng các mạch máu bị cục máu đông che lấp.
Nhưng việc sử dụng thuốc chống đông và thuốc tan cục máu đông có thể làm gia tăng nguy cơ xuất huyết ở bệnh nhân (xuất huyết não, xuất huyết nội tạng,...) vì vậy cần được chỉ định thận trọng.
- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid: Các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroids có thể được sử dụng để giảm đi các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là triệu chứng đau và tình trạng viêm (nếu có). Viêm loét dạ dày, tổn thương gan thận, nguy cơ tim mạch là những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid.
- Thuốc giảm mỡ máu: Các loại thuốc giảm mỡ máu có thể được sử dụng để giảm hàm lượng mỡ trong máu của bệnh nhân hoại tử vô mạch, từ đó giảm sự che lấp lòng mạch do mỡ máu lắng đọng.
6.3. Phẫu thuật điều trị hoại tử vô mạch
Nếu bệnh nhân hoại tử vô mạch đã được điều trị bảo tồn bằng các loại thuốc khác nhau nhưng không có hiệu quả hoặc đáp ứng rất kém với điều trị thì phẫu thuật có thể được xem xét để điều trị cho bệnh nhân.
- Ghép xương: Loại bỏ phần xương tổn thương do hoại tử vô mạch và thay thế vào đó là một phần xương khỏe mạnh lấy từ vị trí khác trong cơ thể.
- Cắt bỏ xương: Phần xương bị tổn thương do hoại tử vô mạch có thể được cắt bỏ để điều trị bệnh.
- Thay thế khớp: Nếu hoại tử vô mạch xảy ra ở đầu xương, gây ảnh hưởng đến khớp làm tổn thương khớp khiến bệnh nhân mất vận động thì người ta có thể loại bỏ khớp bị tổn thương và thay thế nó bằng một khớp giả nhân tạo.
- Giải áp xương: Bác sĩ phẫu thuật có thể lấy đi một phần trong cấu trúc của xương, tạo thành khoảng trống trong xương nhằm làm giảm áp lực tác động lên mạch máu khiến máu được lưu thông bình thường và không bị chèn ép.
- Kích thích điện: Người ta có thể sử dụng một dòng điện với điện áp và hiệu điện thế thích hợp tác động và xương để kích thích xương hoạt động, phân chia các tế bào xương mới.
7. Những biến chứng thường gặp của hoại tử vô mạch là gì?
Hoại tử vô mạch nếu không được điều trị sớm và kịp thời bằng những phương pháp thích hợp thì có khả năng gây nên rất nhiều biến chứng nghiêm trọng khác nhau cho sức khỏe người bệnh, đặc biệt là các biến chứng lên hệ vận động của bệnh nhân.
Những biến chứng thường gặp do hoại tử vô mạch bao gồm:
- Viêm khớp, biến dạng khớp, hẹp khớp.
- Cứng khớp, hủy khớp.
- Loãng xương, gãy xương, teo cơ.
8. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hoại tử vô mạch
Để hỗ trợ tốt hơn cho bệnh nhân hoại tử vô mạch, ngoài việc điều trị đúng và sớm cho bệnh nhân thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự bình phục của người bệnh.
Một số lưu ý cần nhớ trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hoại tử vô mạch:
- Calci và vitamin D: Để duy trì sức khỏe xương ở trạng thái tốt nhất thì việc bổ sung calci và vitamin D là thực sự cần thiết. Bệnh nhân nên được bổ sung calci nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày với các loại thực phẩm như tôm, cua,... Sử dụng viên uống bổ sung vitamin D hoặc phơi nắng để cơ thể tự tổng hợp vitamin D là những cách bổ sung vitamin D hiệu quả.
- Vitamin và khoáng chất: Mặc dù không sản sinh năng lượng, nhưng các vitamin và khoáng chất lại vô cùng quan trọng cho sự hoạt động bình thường của các hệ cơ quan trong cơ thể. Vì vậy người bệnh nên được sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất như rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt.
- Protein: Sử dụng quá nhiều hay quá ít protein đều gây nên những hậu quả ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe của người bệnh hoại tử vô mạch. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng protein nên sử dụng mỗi ngày dựa trên cân nặng, thể trạng, mức độ bệnh và các bệnh lý kèm theo,... để sử dụng protein một cách hợp lý nhất.
- Rượu bia: Những bệnh nhân bị hoại tử vô mạch nên loại bỏ hoàn toàn rượu, bia, các thức uống có cồn ra khỏi thực đơn của mình để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.
9. Phòng tránh hoại tử vô mạch như thế nào?
Không có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh hoại tử vô mạch, tất cả các biện pháp dự phòng bệnh nhân có thể thực hiện đều là những biện pháp không đặc hiệu do đó không thể đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn có tác dụng rất tích cực trong phòng ngừa hoại tử vô mạch xảy ra.
Một số biện pháp hoại tử vô mạch:
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, các loại đồ uống có cồn trong sinh hoạt hằng ngày.
- Không hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá nếu đang có sử dụng.
- Duy trì tốt cân nặng cơ thể, tránh béo phì.
- Thận trọng khi sử dụng Corticoid trong thời gian kéo dài, dùng Corticoid để kiểm soát các bệnh mãn tính (hen phế quản,...), chỉ nên dùng thuốc với liều nhỏ nhất trong thời gian ngắn nhất để tránh tác dụng phụ tiêu cực từ thuốc.
- Chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên để giữ gìn sức khỏe xương hàm và các xương vùng khoang miệng, hàm mặt. Nếu yêu cầu sử dụng biphosphanate thì cần thận trọng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
10. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh hoại tử vô mạch
10.1. Bệnh hoại tử vô mạch có nguy hiểm không?
Bệnh hoại tử vô mạch và một bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của tiên lượng trên bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào giai đoạn phát hiện và điều trị bệnh. Hơn một nửa số bệnh nhân hoại tử vô mạch cần được phẫu thuật trong vòng 3 năm để kiểm soát bệnh. Những yếu tố có thể khiến bệnh trầm trọng hơn như lớn tuổi, tổn thương từ độ 3 trở lên, tổn thương diện tích rộng,..
10.2. Hoại tử vô mạch dễ xảy ra ở vị trí nào nhất?
Trong các vị trí có thể bị hoại tử vô mạch trên cơ thể, chỏm xương đùi là vị trí dễ xuất hiện bệnh nhất bởi mạch máu cung cấp cho vùng chỏm xương đùi nghèo nàn, và không có các vòng nối mạch mách máu tại đây nên khi có yếu tố cản trở lưu thông máu xảy ra đồng nghĩa với việc chỏm không còn nguồn cung cấp máu khác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp hoại tử vô mạch tại các vị trí khác như vai, cổ tay, mắt cá, tay,...
10.3. Người bị hoại tử vô mạch có nên tập thể dục không?
Nhìn chung, khi bệnh nhân được chẩn đoán có hoại tử vô mạch xảy ra thì bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân nên dừng lại các hoạt động thể dục thể thao. Xương bị hoại tử vô mạch có thể không còn đủ chắc chắn để chịu đựng áp lực khi luyện tập của bệnh nhân và khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.