pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoàng kỳ có tác dụng gì?
- 1. Hoàng kỳ là gì?
- 2. Tác dụng của hoàng kỳ
- 2.1. Có thể tăng cường hệ thống miễn dịch
- 2.2. Tác dụng cải thiện chức năng tim
- 2.3. Làm giảm bớt các tác dụng phụ của hóa trị liệu
- 2.4. Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
- 2.5. Tác dụng cải thiện chức năng thận
- 2.6. Các tác dụng khác
- 3. Một số lưu ý khi sử dụng hoàng kỳ
1. Hoàng kỳ là gì?
Hoàng kỳ có tên khoa học là Astragalus membranaceus (thuộc họ nhà đậu, cánh bướm) hay còn được gọi là Xương cựa, Hoàng kỳ mạc giáp, Miên hoàng kỳ, Khẩu kỳ, Bắc kỳ… Hiện nay, có rất nhiều loại hoàng kỳ nhưng chủ yếu được sử dụng phổ biến chỉ có hai loại đó là hoàng kỳ Astragalus membranaceus và hoàng kỳ Mông Cổ (Astragalus mongholicus Bunge).
Đây được coi là vị thuốc quý dạng thân thảo, sống lâu năm được trồng ở những vùng đất cát pha như Tứ Xuyên, Diên An, Hoa Bắc… (Trung Quốc). Còn tại Việt Nam, loài này được trồng chủ yếu ở Sa Pa, Đà Lạt. Tuy nhiên, khả năng sinh trưởng của cây kém và số lượng trồng không nhiều.
Thông thường, người ta thường sử dụng rễ cây hoàng kỳ là chủ yếu. Cụ thể, rễ cây được bào chế thành nhiều dạng chất bổ sung khác nhau. Trong rễ có chứa nhiều hợp chất thực vật hoạt động, được cho là có những lợi ích rất tiềm năng. Ví dụ như các hợp chất hoạt tính của nó có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nghiên cứu về cây hoàng kỳ nhưng nó có những công dụng rất tuyệt vời trong điều trị cảm lạnh thông thường, dị ứng theo mùa, bệnh tim, bệnh thận…
2. Tác dụng của hoàng kỳ
Có thể nói, những đặc tính có trong hoàng kỳ mang lại rất tốt cho sức khỏe. Nó không chỉ là loại dược liệu chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho con người mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý một cách có hiệu quả như:
2.1. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Hoàng kỳ có chứa các hợp chất thực vật có lợi giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Vai trò chính của hệ thống miễn dịch là bảo vệ cơ thể chống lại những kẻ tấn công có hại như vi khuẩn, vi trùng, vi rút có thể gây bệnh…
Một số bằng chứng cho thấy hoàng kỳ có thể làm tăng sản xuất tế bào bạch cầu của cơ thể, là những tế bào của hệ thống miễn dịch chịu trách nhiệm ngăn ngừa bệnh tật.
Trong nghiên cứu trên động vật đã cho thấy: Rễ cây hoàng kỳ giúp tiêu diệt vi khuẩn, vi rút ở chuột bị nhiễm trùng. Mặc dù nghiên cứu vẫn còn những hạn chế nhưng nó cũng cho thấy hoàng kỳ có tác dụng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi rút gây ra ở người, bao gồm cảm cúm thông thường và nhiễm trùng gan.
2.2. Cải thiện chức năng tim
Hoàng kỳ có thể giúp cải thiện chức năng tim ở những người bị mắc các bệnh về tim. Nó có tác dụng làm mở rộng mạch máu và tăng lượng máu bơm từ tim.
Trong một nghiên cứu lâm sàng, bệnh nhân suy tim được cho dùng 2,25 gam hoàng kỳ hai lần trong hai tuần mỗi ngày, cùng với những điều trị thông thường. Kết quả cho thấy các bệnh nhân có cải thiện đáng kể hơn về chức năng tim so với những người chỉ được điều trị theo tiêu chuẩn. Cũng trong một nghiên cứu khác, những bệnh nhân bị suy tim cũng được sử dụng hoàng kỳ cùng với các phương pháp điều trị thông thường. Kết quả cũng chỉ ra hoàng kỳ có tác dụng cải thiện đáng kể hơn về triệu chứng với những người bị suy tim.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy hoàng kỳ có thể làm giảm các triệu chứng của viêm cơ tim (một tình trạng viêm của tim). Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để nghiên cứu thêm.
2.3. Giảm bớt các tác dụng phụ của hóa trị liệu
Hóa trị có nhiều tác dụng phụ tiêu cực. Theo một số nghiên cứu, hoàng kỳ có tác dụng làm giảm buồn nôn và nôn mửa ở những người đang hóa trị thông qua việc tiêm qua đường tĩnh mạch.
2.4. Kiểm soát lượng đường trong máu
Các hợp chất hoạt tính trong rễ cây hoàng kỳ có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường loại 2. Trên thực tế, nó đã được xác định là loại dược liệu được kê đơn thường xuyên giúp kiểm soát bệnh tiểu đường ở Trung Quốc.
Trong các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm, hoàng kỳ đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện chuyển hóa đường và giảm lượng đường trong máu. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy nó có tác dụng giảm cân.
2.5. Cải thiện chức năng thận
Hoàng kỳ hỗ trợ chức năng thận bằng cách cải thiện lưu lượng máu và các dấu hiệu nhận biết chức năng thận trong phòng thí nghiệm.
Chẳng hạn như đo lượng protein trong nước tiểu (protein niệu) - là tình trạng protein bất thường được tìm thấy trong nước tiểu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy thận đang bị tổn thương hoặc không hoạt động bình thường.
Hoàng kỳ đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện protein niệu trong một số nghiên cứu ở những người bị thận. Đồng thời, nó cũng có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người bị suy giảm chức năng thân.
2.6. Các tác dụng khác
Ngoài những tác dụng kể trên thì hoàng kỳ còn mang lại những lợi ích tiềm năng khác. Điển hình như:
- Cải thiện các triệu chứng mệt mỏi mãn tính.
- Tác dụng chống ung thư: Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy hoàng kỳ thúc đẩy quá trình apoptosis, quá trình chết tế bào theo chương trình ở nhiều loại tế bào ung thư khác nhau.
- Cải thiện các triệu chứng dị ứng theo mùa: Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy 160mg hoàng kỳ sử dụng 2 lần/ngày có thể làm giảm hắt hơi, sổ mũi ở những người bị dị ứng theo mùa.
- Tác dụng đối với cổ tử cung: Dược liệu này có tác dụng gây co bóp ở ruột và hưng phấn tử cung ở phụ nữ.
3. Một số lưu ý khi sử dụng hoàng kỳ
Mặc dù hoàng kỳ an toàn với hầu hết mọi người, nhưng nó cũng mang lại một số tác dụng phụ nên khi sử dụng cần lưu ý những điểm sau:
- Hoàng kỳ có thể gây ra tác dụng phụ như phát ban, ngứa, chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy…
- Khi tiêm qua đường tĩnh mạch, hoàng kỳ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, ví dụ như nhịp tim không đều. Vì vậy chỉ nên tiêm qua đường tĩnh mạch và có sự giám sát của y tế.
- Chưa có nghiên cứu nào chứng minh hoàng kỳ an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Hoàng kỳ có thể làm tăng hoạt động hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Cho nên, cần tránh sử dụng hoàng kỳ nếu bạn đang mắc một số bệnh như bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp…
- Nếu bạn đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thì không nên dùng hoàng kỳ vì nó có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
- Hoàng kỳ cũng có thể làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và huyết áp. Cho nên, phải sử dụng loại dược liệu này cẩn trọng nếu bạn đang gặp vấn để về tiểu đường và huyết áp.
- Trong quá trình sử dụng thuốc nếu phát hiện những bất thường trên cơ thể thì bạn nên ngừng thuốc và đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa bệnh kịp thời.
- Để hỗ trợ tốt hơn trong quá trình điều trị cũng như tăng tác dụng của thuốc, bạn nên rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày. Đồng thời, có một chế độ ăn uống hợp lý.
- Không tự ý sử dụng hoàng kỳ khi chưa có chỉ dẫn của thầy thuốc.