Hoàng Su Phì mùa nước đổ

03/09/2015 - 19:30
Những cơn mưa mùa hạ đổ xuống cũng là lúc bà con dân tộc Nùng, Dao, Mông… ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) nô nức xuống đồng cấy lúa mùa. Ruộng bậc thang ở khắp bản trên, bản dưới đồng loạt 'sống dậy'.
Cung đường bộ lên TP Hà Giang giờ không còn khó khăn như trước nữa. Duy chỉ có con đường từ ngã 3 Tân Quang ngược lên Hoàng Su Phì là vẫn vậy, nó là một “cửa ải” thử thách bất cứ một ai muốn vượt qua 60km đường rừng để đến với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên cung mây. Trời Hoàng Su Phì mùa này đỏng đảnh như thiếu nữ mới lớn, lúc nắng, lúc mưa. Cung đường ngoằn ngoèo bám vào triền núi khó đi gấp bội phần.
Những khúc cua tay áo rợn người khiến người lữ khách chạy xe phải cẩn thận từng giây, từng phút, bởi lẽ chỉ sơ suất nhỏ thôi là nguy hiểm khôn lường. Chẳng thế mà cung đường này luôn là lựa chọn số 1 cho những ai thích du lịch mạo hiểm. Bù lại những giây phút thót tim khi vào cua, thi thoảng trên đường, ta bắt gặp những thác nước tung bọt trắng xóa tựa như những dòng suối từ trên trời đổ xuống. Tiếng chim hót trong lành nơi rừng già xua tan cái tĩnh mịch, âm u của miền sơn cước. Đi được khoảng 20km, những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn bắt đầu hiện lên trong cái nắng chói chang của mùa hè.

Những thửa ruộng được dẫn nước đầy ăm ắp. Ảnh: Trần Anh Linh, Quốc Phương, ST

Ở các ngã 3 rẽ vào những nơi được công nhận là danh thắng, chính quyền nơi đây đã đặt biển chỉ đường cẩn thận. Tuyến đầu tiên mà tôi chọn là đường lên Sán Sả Hồ, Pờ Lỳ Ngài và Nàng Đôn - nơi có ruộng bậc thang đẹp tuyệt trần. Cung đường ngoằn ngoèo là “đặc sản” của vùng cao nên ở các xã này cũng vậy. Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống khiến cảnh vật nơi đây trở lên mờ ảo. Trên từng thửa ruộng bậc thang, bà con người Nùng đang tranh thủ cấy lúa mùa. Trên là trời, dưới là ruộng nước lấp lánh kéo dài lên tận đỉnh núi. Cả một vùng sơn cước rộng mênh mông, bên cạnh màu xanh đơn sắc của rừng già là màu nước đổ loáng loáng bên sườn núi. Nó giống như một bức tranh tả thực, chia núi thành 2 mảng màu trắng và xanh.
Những thửa ruộng uốn lượn, mềm mại đẹp tựa như đôi lông mày thiếu nữ. Đứng giữa vùng đất sơn thủy hữu tình đó, tôi như bị lạc vào mê cung của ruộng bậc thang. Bà con người Nùng thường làm nhà ngay chân ruộng. Xung quanh nhà là ruộng bao bọc. Khi tôi đang mải mê kiếm tìm những góc ảnh đẹp, một cụ già người Nùng lại gần bảo: “Nó là tác phẩm của bao đời nay bà con dân tộc nơi đây cùng góp sức tạo ra đấy”. Theo lời lão nông này, bao đời nay, bà con người Nùng bám lấy núi rừng để sinh sống. Sau mỗi năm, họ lại khai hoang thêm một bậc. Cứ như thế đời sau tiếp nối, đào núi, dẫn nước nhập điền mới tạo nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ như vậy.

Đợi một 'mùa vàng'. Ảnh: Trần Anh Linh, Quốc Phương, ST

Để làm nên những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn này, bà con nơi đây đều phải nhờ vào nguồn nước mưa. Khi mùa mưa đến, bà con phải tranh thủ từng ngày để cấy lúa mùa. Chẳng thế mà sau mỗi vụ mùa bội thu, bà con lại làm lễ để tạ ơn giời, ơn thần rừng đã ban cho họ cái ăn, cái mặc. Câu chuyện đầy nhân văn ấy đã ăn sâu vào tâm trí của bao thế hệ người dân nơi đây.
Những nét sinh hoạt văn hóa hay ăn uống, lễ hội cũng đều bắt nguồn từ trời và đất. Cái tính chất phóng khoáng, rộng lượng trong mỗi con người nơi đây cũng bao la như trời và cao như núi vậy. Đến bất cứ một gia đình nào, tôi cũng được mời ở lại ăn bữa cơm miền núi. Gia chủ không ngần ngại đãi khách những gì là tinh túy của đồng bào như rượu ngô, gạo nương, gà đồi, rau cải núi… Đã ăn với bà con là phải ăn cho no, uống cho say. Say thì ngủ lại nhà, thế mới thật cái bụng với nhau. Tấm lòng của đồng bào mộc mạc, chân chất làm cho những người lữ khách chẳng thể nào chối từ.  
Đến với miền núi là vậy, ta đâu chỉ để ngắm cảnh, thưởng thức những sản vật của địa phương mà còn cảm nhận được nhiều hơn về tình người nơi đây. Các công dân của núi là chất men say động viên cho những ai ưa xê dịch, khám phá lên đường. Đây cũng là nơi để hồn ta lắng lại những gì tinh túy của cuộc đời.
                                                                   
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 2012. Những thửa ruộng hùng vĩ này nằm trên các xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.
Đường lên Hoàng Su Phì: Từ Hà Nội theo quốc lộ 2, đến ngã 3 Đoan Hùng rẽ trái lên tới ngã 3 Tân Quang (Hà Giang) khoảng 260km. Từ ngã 3 Tân Quang theo tỉnh lộ 117, vượt 60km nữa là tới huyện Hoàng Su Phì.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm