Học cách người Nhật truyền cảm hứng cho con

19/07/2016 - 17:25
Từ việc quan sát, tiếp xúc với hơn 2.000 đứa trẻ, tác giả Nishimura Hajime đã ra những 'bí kíp' giúp trẻ nhỏ phát triển tích cực một cách sinh động, đơn giản thông qua cuốn sách 'Cách người Nhật truyền cảm hứng cho con'.
 

“Nuôi con kiểu Nhật” dường như đã trở thành một “hiện tượng” khi rất nhiều ông bố, bà mẹ Việt lựa chọn áp dụng phương pháp khoa học kiểu Nhật Bản để nuôi dạy con khôn lớn. Quãng thời gian đầu đời là giai đoạn mang tính “lặp lại”, nghĩa là mẹ bảo gì con sẽ nghe nấy, một cách thụ động. Tuy nhiên, khi bắt đầu tới trường, trẻ sẽ đưa ra chính kiến và thể hiện ý chí của bản thân. Giai đoạn này, bố mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khiến con trở nên ham học hỏi. Nhưng nếu thay đổi tư duy theo cuốn sách Cách người Nhật truyền cảm hứng cho con của tác giả Nishimura Hajime (Nguyễn Hoàng Ngân dịch, NXB Thế giới phát hành), bỏ qua những áp đặt bản thân mà để ý tới cảm xúc của trẻ thì tinh thần ham học hỏi của trẻ cũng thay đổi.

Đúng như tên gọi của nó, Cách người Nhật truyền cảm hứng cho con mở đường cho cha mẹ biết cách quan tâm tới sở thích, coi trọng cảm xúc, giá trị quan của trẻ. Tác giả quan niệm rằng, khi trẻ được “quan sát” và “tiếp xúc”, bố mẹ sẽ nhận thấy ở con mình những hứng thú tiềm ẩn. Cái khó nhất, nằm ở chỗ, xây dựng mối quan hệ vui vẻ và tích cực giữa cha mẹ và con cái như thế nào, đã được trình bày mạch lạc, khoa học qua 4 chương của cuốn sách.

Nguyên tắc đầu tiên trong hành trình nuôi dưỡng hứng thú học là kích thích sự “tò mò”, rộng rãi lời khen ngợi. Có tới 90% ông bố, bà mẹ Việt Nam bày tỏ sự hài lòng của mình với con bằng những câu nói – có thể - vô tình làm tổn thương trẻ: “Con giỏi quá!”, “con làm tốt lắm”… Bởi cách khen ở đây không ghi nhận những nỗ lực của con mà mặc nhiên xem như đó là kết quả dành cho bố mẹ. Thay vì như vậy, người Nhật sẽ khen trước khi trẻ làm xong, khen những điều nhỏ nhất mà trẻ không để ý, thể hiện bằng hành động và truyền đạt lại lời khen từ người khác… Sự tự tin của trẻ sẽ nảy mầm từ những động viên, khen ngợi này.

Tuyệt chiêu thứ 2 được thiết lập mà bạn tuyệt đối không nên bỏ qua: Nguyên tắc “5 ngón tay”: Thực hiện mọi hành động để trở thành tấm gương của trẻ, đồng thời không so sánh với người khác mà nên so sánh với quá khứ; bên cạnh đó động viên con thiết lập mục tiêu và hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, nếu thất bại thì khoan đổ lỗi cho trẻ thiếu năng lực mà hãy nghĩ nguyên nhân là do cách thiết lập kế hoạch của cả gia đình không tốt. Nên giúp con hiểu rằng, “thất bại là mẹ thành công”.

 

Những câu nói “kinh điển” mà bố mẹ hay nói với con liệu có phải “Bố mẹ nói là vì con mà thôi”; “Bố mẹ nghiêm khắc cũng chỉ vì con mà thôi”… Nhưng có khi nào bạn để ý rằng, chúng thực sự không nằm trong sự quan tâm của con bạn. Bởi khi nào trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức và tri thức; được nuôi dưỡng hứng thú và đam mê với việc học, trẻ sẽ hiểu tự thân phải làm điều gì cho những người thương yêu. 20 phương pháp mà tác giả rút ra trong cuốn sách không phải là thứ chỉ để học, mà là để áp dụng vào cuộc sống. Kết quả, như tất cả những việc khác, sẽ đạt được khi ba mẹ kiên trì.  

Xuất phát từ một giáo viên dạy trẻ đến chức danh Hiệu trưởng ở độ tuổi chỉ ngoài 20, sau này nhận được bằng khen của Kawai Juku Wings – một trong những tập đoàn giáo dục uy tín nhất ở Nhật Bản, tác giả Nishimura Hajime đã quan sát, tiếp xúc với hơn 2.000 trẻ. Bằng những ví dụ thực tiễn sinh động, lối viết đơn giản như những bài giảng lên lớp cho trẻ nhỏ, tác giả đã tổng hợp các bí kíp giúp con bạn trở thành một đứa trẻ “nghiện học” một cách tích cực.

Cách người Nhật truyền cảm hứng cho con cũng không chỉ dừng lại ở việc thiết lập các nguyên tắc chăm sóc, rèn luyện cho bố mẹ mà còn đề đạt các giải pháp chuyên nghiệp dành cho giáo viên nhằm thay đổi trẻ. Từ đó, hoàn toàn có thể áp dụng cho người lớn, trên các lập trường khác nhau trong việc khơi dậy hứng thú làm việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm