Do trò nghịch dại của bạn ở trường, cậu bé Trương Mạnh Phúc (lớp 3, trường Tiểu học Minh Hòa, Kinh Môn, Hải Dương) đã bị mù 1 mắt. |
Căn nhà của mẹ con chị Trương Thị Sình (thôn Tam Đa Ngoại, xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) lụp xụp nằm nép bên cạnh ngôi nhà xây khang trang của anh trai chị Sình. Khoảng gần 5 giờ chiều, bé Trương Mạnh Phúc - con trai chị, đang học lớp 3, trường Tiểu học Minh Hòa - đi học về, ngoan ngoãn lấy nồi đi vo gạo, nấu cơm giúp mẹ. Vẻ mặt của Phúc buồn buồn. Hỏi chuyện về đôi mắt, Phúc nhỏ nhẹ bảo: “Giờ em mà che mắt trái thì chỉ thấy tối um thôi ạ”.
Một tai nạn thương tích hi hữu đã xảy ra với bé Phúc vào giữa tháng 8/2016. Phúc kể: "Hôm đó vào giờ ra chơi, em đang ngồi ở bàn thứ 2, bạn Dương (Trương Văn Dương cùng lớp với Phúc - PV) đang chơi bắn chun với que xiên chả, que xiên bay đúng vào mắt phải của em. Em thấy mắt nhức, nhưng vì sợ cô giáo mắng nên lúc cô hỏi có đau không thì em bảo không đau”.
Bà ngoại Phúc cho biết: “Hôm đó, tôi đang ở nhà thì cháu đi học về, nó kêu cháu mù mắt rồi bà ơi! Mẹ cháu thì đi làm thuê không có nhà, tôi thì ốm nằm một chỗ”.
Từ khi mổ mắt, Phúc học kém hơn và hay ốm hơn trước. |
Chị Sình rơm rớm nước mắt khi nhớ lại ngày đưa con đi mổ mắt. Chị kể: “Hôm đó, cháu vẫn học hết buổi sáng rồi tự đi xe đạp về nhà. Đến chiều thì anh cháu cho lên trạm xá, trạm xá cho chuyển lên bệnh viện huyện, bệnh viện huyện cho lên bệnh viện tỉnh. 6 giờ tối thì bệnh viện tỉnh cho lên Bệnh viện mắt Trung ương và vào cấp cứu lúc 8 giờ, mổ xong là 10 giờ đêm”.
Nói về sức khỏe của con trai, chị Sình cho biết, từ bé tới giờ, Phúc khỏe mạnh, học tập khá. Lớp 2 cháu vẫn được giấy khen. Sau khi mổ mắt về, giờ cháu được chuyển lên ngồi bàn đầu, nhưng có vẻ cháu học kém hơn, lại hay bị ốm hơn trước. Có hôm cháu đi học về kêu mắt bị mỏi, mắt trái còn lại nhìn cũng bị mờ.
Gia cảnh của mẹ con bé Phúc rất khó khăn. |
Sau lần mổ cấp cứu đầu tiên, Phúc còn trải qua 2 lần phẫu thuật nữa. May có bảo hiểm hỗ trợ, chi phí mổ mắt 3 lần của Phúc hết hơn 10 triệu đồng. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình bé Trương Văn Dương cũng đã hỗ trợ 3 triệu đồng để đưa Phúc đi viện. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều với 2 mẹ con chị. Bác sĩ yêu cầu 3 tháng lại lên bệnh viện kiểm tra mắt 1 lần. Mỗi lần đi khám ở bệnh viện mắt Trung ương (Hà Nội), chi phí đi lại và thuốc men hết 500.000 đồng.
Chị Sình thuộc diện hộ nghèo. Ngôi nhà chị đang ở nằm trên đất có sổ đỏ thuộc về anh trai. 3 sào ruộng chỉ cấy chỉ vừa đủ thóc ăn, để có thêm thu nhập, chị đi làm thuê, làm mướn nay việc này mai việc khác. Mỗi ngày đi cắt hành cho các điểm thu gom, chị được trả 50.000 đồng.
Chị Sình rất khổ tâm khi con trai đang khỏe mạnh bỗng dưng bị mù và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. |
3 mẹ con bà cháu ở chung trong căn nhà chưa đầy 30 mét vuông lợp ngói. Chiếc bàn nhựa "đa di năng", vừa là chỗ ăn cơm, vừa là bàn tiếp khách, đôi lúc còn làm bàn học cho Phúc. Ngôi nhà tồi tàn, đồ vật sơ sài với chiếc bếp gas, nồi cơm điện, bộ bàn ghế nhựa đã cũ.
Thu nhập của mẹ thì bấp bênh, thị lực của con thì kém dần, người mẹ chỉ lo lắng việc học của con trai về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng. Chị Sình bảo, sau khi anh họ đưa chuyện của cháu viết lên mạng, các thầy cô giáo cũng có đến thăm hỏi và ngày 28/2/2017, hiệu trưởng trường đã gửi giấy mời để lên làm việc để bàn về chấn thương mắt của bé Phúc.
Chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng của một người mẹ, chị Sình chỉ lặng lẽ thở dài: “Đi làm thì chớ, về nhà nhìn thấy con thì khổ tâm lắm. Thôi thì mình không may, rủi ro thì phải chịu. Bác sĩ đã nói là không hy vọng gì nữa, nhưng gia đình vẫn mong mắt cháu chữa được”.
Điều khiến gia đình học sinh này thêm buồn là vụ tai nạn xảy ra tại trường từ tháng 8 năm ngoái, nhưng hơn nửa năm sau (tháng 2/2017), Hiệu trưởng mới... "hỏi thăm" cháu. Thêm vào đó, việc giáo viên chủ quan không đưa học sinh đến phòng y tế thăm khám cũng là điều đáng trách. Bởi, nếu phát hiện và cấp cứu kịp thời, rất có thể bé Phúc đã không mất đi 1 mắt.
Vụ việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về an toàn trường học cho trẻ xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Chính giáo viên cũng là đối tượng cần phải trang bị kỹ năng để không thờ ơ, chủ quan trước những việc liên quan đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của học trò.