Học sinh dân tộc học tiếng Anh như "cưỡi ngựa xem hoa"

PV
12/05/2023 09:00

Những môn học cơ bản như Toán, Tiếng Việt đã là khó khăn với học sinh dân tộc thiểu số chưa nói sõi tiếng Kinh, nên tiếng Anh luôn là môn học "khó nhằn"...

Môn học "xa xỉ" 

Gắn bó với học sinh dân tộc Mông, dân tộc Thái ở trường Tiểu học xã Phúc Than (huyện Than Uyên, Lai Châu), cô giáo Lò Thị Quyên rất hiểu những thiệt thòi của những trẻ vùng cao. 

Cô Quyên cho biết, với những môn học cơ bản như Toán, Tiếng Việt đã là khó khăn với những trẻ dân tộc thiểu số chưa nói sõi tiếng Kinh, nói gì đến môn học "xa xỉ" như tiếng Anh. "Học sinh dân tộc thiểu số phát âm tiếng Việt cũng đã khó khăn. Thế nên, việc phát âm tiếng Anh càng gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, với các em dân tộc Mông thường nói ngọng các âm cuối thì không thể nói và phát âm chuẩn được".

Học sinh dân tộc miền núi chật vật khi học tiếng Anh - Ảnh 1.

Nhiều trẻ dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh chưa sõi nên gặp rất nhiều khó khăn khi học tiếng Anh. Ảnh minh hoạ: L.T.Q

Cô Quyên cho biết, ở trường Tiểu học xã Phúc Than, các em được học tiếng Anh khi bắt đầu lớp 3. Giờ mạng internet phát triển nên ngoài học tiếng Anh "chay" trên sách như trước đây, giờ các em được học tiếng Anh trên video. Tuy nhiên, với số tiết tiếng Anh ít ỏi chỉ 1-2 tiết/tuần, việc học tiếng Anh của các em không khác gì "cưỡi ngựa xem hoa". "Khi được xem video, các em rất thích. Dù không hiểu gì nhưng chỉ cần được xem phim cũng đủ khiến các em tò mò, thích thú", cô Quyên chia sẻ.

Theo cô Quyên, học sinh ở đồng bằng, thành thị, ngoài tiết học tiếng Anh ở trường, các em có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh ở nhà, ở khắp mọi nơi. Trẻ được xem phim, nghe nhạc bằng tiếng Anh. Từ đó tiếng Anh trở nên thân thuộc và khiến các em không còn sợ hãi. Ở miền núi, vùng cao thì ngược lại, ngoài 1-2 tiết tiếng Anh ở trường, các em không có cơ hội, điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh. Thế nên, với các em, mặt chữ cũng còn không nhận biết được, huống hồ là nghe, nói, viết, đọc. 

"Tiếng Anh, với học sinh dân tộc thiểu số, gọi là phổ cập còn chưa đạt, mơ làm sao đến việc giỏi tiếng Anh", cô giáo Quyên trăn trở.

Học sinh dân tộc miền núi chật vật khi học tiếng Anh - Ảnh 2.

Dạy tiếng Anh qua video để tiếng Anh trở nên gần gũi với học sinh miền núi. Ảnh: Thu Hằng

Không có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh qua… màn hình

Là giáo viên tiếng Anh ở miền núi (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) nên cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng hiểu rất rõ những thiệt thòi của học sinh dân tộc thiểu số. Cô Hằng cho biết, trong khi trẻ thành phố được học tiếng Anh ở các trung tâm có giáo viên bản ngữ thì học sinh miền núi còn không có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh qua… màn hình. Điều đó khiến tiếng Anh trở thành môn học xa lạ chứ không thể trở thành… ngôn ngữ để các em có thể hiểu và giao tiếp. 

"Học sinh dân tộc thiểu số có vốn từ vựng và ngữ pháp rất yếu. Do tiếng giao tiếp của học sinh vẫn là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, nên khi tiếp xúc với ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh thì việc đọc, hiểu các em gặp nhiều lúng túng" - cô giáo Hằng chia sẻ.

Cô Hằng cũng cho biết, học sinh miền núi rất sợ đọc sai và nhút nhát. Mỗi lần đọc, các em hay nhầm phát âm một số từ tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều em nhớ từ vựng cũng không tốt. Một số học sinh dù học từ cấp 1, đến khi lên cấp 2 vẫn không thể tự giới thiệu bản thân bằng những câu chào đơn giản bằng tiếng Anh.

Nhiều học sinh miền núi thú nhận rất chật vật, khó khăn khi học tiếng Anh. Với các em, chưa kịp nhớ từ mới ở trên lớp thì về nhà đã quên. Các em muốn ôn lại bài cũ nhưng không biết hỏi ai vì bố mẹ, người thân, hàng xóm đều không biết tiếng Anh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.