Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên

Từ một nhóm vài hộ dân người dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào, sau hơn 20 năm, họ đã phát triển thành hơn 600 nhân khẩu sống "chui" tại tiểu khu 179 - lõi rừng sản xuất thuộc huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) - kéo theo rất nhiều hệ luỵ cho chính bản thân và gánh nặng cho huyện nghèo chỉ vừa thoát khỏi "Danh sách 30A".

Nằm trên địa bàn xã Liêng S'Rônh, huyện Đam Rông, nhưng từ trung tâm huyện, con đường duy nhất đi vào tiểu khu 179 - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông di cư tự do - là con đường "đi nhờ" qua địa phận huyện Đăk Glong thuộc tỉnh Đăk Nông. Sau hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển quãng đường cỡ 60km, chúng tôi đến tiểu khu 179.

Bản "tự phát" hơn 600 nhân khẩu

Khu vực vốn là rừng sản xuất nay là một khu đất bằng phẳng, rộng rãi với những ruộng lúa nước, rẫy cà phê và những ngôi nhà xây dựng kiên cố… Nhiều phụ nữ mặc váy thổ cẩm cõng trên vai những gùi nặng trĩu. Có người vừa địu con, vừa dầm mình dưới cái nắng của mùa khô Tây Nguyên phơi những mẻ cà phê đã hái. Khoảng cuối giờ chiều, mấy chị em mang quần áo ra bờ sông để giặt. Muốn có nước sạch để uống, người ta phải mang những can nước lớn cỡ 5 lít đi lấy ở nơi khác về.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 1.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 2.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 3.

Từ trung tâm huyện Đam Rông, phải "đi nhờ" Đăk Nông 60km mới có thể vào được tiểu khu 179, trong đó còn nhiều đoạn không có đường

Trời xẩm tối, anh Giàng Văn Thào đưa chúng tôi về nhà. Căn nhà gỗ vốn chẳng có đồ đạc gì giờ đây tối thui vì không có điện. Vợ anh Thào từ dưới bếp bưng lên mâm cơm, trên trán chị đeo một chiếc đèn pin nhỏ giống như người thợ mỏ. Chị nói không thạo tiếng phổ thông, anh Thào bảo: "Cái đèn đó là "mặt trời" của bà ấy đấy. Cả nhà có mỗi cái bóng đèn thắp giữa nhà, vì vậy nấu bếp là phải đeo nó mới nhìn thấy rau thấy thịt mà nấu được".

Chỉ tay vào chiếc tivi đặt trong góc nhà, anh Thào bảo: "Hồi xưa mình mua mãi mới được cái vô tuyến mà về cắm vào ac-quy điện yếu quá không chạy được. Đành bỏ thôi". Không có điện, ac-quy và pin năng lượng mặt trời trở thành nguồn cung cấp ánh sáng duy nhất của gia đình anh Thào cũng như nhiều người khác. Tuy nhiên, một tấm pin nhỏ chỉ đủ để chiếu sáng vào đúng mâm cơm đạm bạc có ít thịt mỡ dành cho 6,7 người ăn đều đang trong độ tráng niên.

Màn đêm buông xuống, những đốm sáng leo lét như nhà anh Thào thoắt ẩn thoắt hiện, càng làm khu vực trở nên hoang vu. Bữa cơm vừa kết thúc, lũ trẻ và cả những cô cậu mới lớn í ới gọi nhau, dùng đèn pin soi đường, tập trung về khu vực trường học để vui chơi và giao lưu vì đó là nơi có sóng 3G tốt nhất để họ tương tác trên mạng xã hội.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 4.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 5.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 6.

Chiếc đèn pin và đèn năng lượng mặt trời trở thành công cụ chiếu sáng thiết yếu cho đời sống của bà con

Theo ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - những gia đình đang sống trong cảnh không đường, không điện tại tiểu khu 179 này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên. Họ đến đây từ khi huyện Đam Rông còn chưa thành lập (trước đây là huyện Lâm Hà), chủ yếu ở trong những khu vực vùng sâu, vùng xa, biệt lập với bên ngoài. 

"Tổng số dân di cư tự do từ các tỉnh phía bắc vào địa bàn huyện đến nay lên đến 1.070 hộ với 5.143 nhân khẩu. Họ sinh sống, canh tác tại các Tiểu khu 177, 178, 179, 180, 181, Tây Sơn..., chủ yếu thuộc địa bàn xã Liêng S'Rônh. Đây đều là khu vục đất rừng sản xuất hoặc đất rừng phòng hộ, người dân không được phép cư trú" - ông Trương Hữu Đồng cho biết.

Bản nhiều "không"

Tại tiểu khu 179, hầu hết bà con đều sử dụng điện thoại thông minh. Chưa kịp vui vì "4.0 đã về với thôn bản" thì anh Giàng Văn Thào than thở: "Trên internet người ta cho mua bán trả góp nhiều lắm, nhưng mà mình đi hỏi thì không có giấy tờ chỗ ở, không có căn cước, không báo cáo được tiền lương (chứng minh thu nhập - PV) nên mình không được mua. Phải đi hái 4 tấn cà phê mới đủ tiền mua cái này á". Câu chuyện nghe có vẻ khó tin của năm 2023 lại là thực trạng đang diễn ra tại chính khu vực này.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 7.

Vợ chồng anh Giàng Seo Sính nâng niu tấm ảnh của con gái trên tay mà lòng nặng trĩu vì nỗi lo không có tiền cho con ăn học

Nâng niu tấm ảnh của cô con gái 15 tuổi trong trang phục cử nhân, anh Giàng Seo Sính, hàng xóm của Thào - cho biết, đã nhiều năm nay, anh rất muốn làm căn cước. "Vì mình không có giấy tờ nên con gái cũng không làm được. Chính quyền cấp cho một cái giấy xác nhận chỗ ở thì được ra huyện đi học cấp 2, nhưng không vào được trường nội trú. Mình bảo học vậy tốn tiền quá thì về nhà đi làm đi, nhưng nó thích học lắm, không chịu về. Bây giờ phải đi thuê trọ ở gần trường THCS và THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Đam Rông)" - anh Sính thở dài. Cô con gái ham học vừa là niềm tự hào, song cũng là gánh nặng mà anh luôn trăn trở khi nghĩ về tương lai của cháu.

Cứ đến cuối tháng, anh Thào lại chạy hơn 60km mang theo ít rau và ít đồ ăn mặn ra tiếp tế cho con gái. Có lần đi vội nên vi phạm luật giao thông, anh Thào bị lực lượng chức năng kiểm tra nhưng không có một giấy tờ tuỳ thân nào trên người. Không căn cước, không bằng lái, cũng chẳng có giấy tờ xe. "Lúc ấy, mình cũng trình bày với cán bộ là tôi đi ra huyện xin làm giấy tờ nhiều lần rồi nhưng không làm được. Nói một hồi thì cán bộ cho đi, dặn về làm lại nhưng tôi đi hỏi cả công an rồi, họ cũng nói khó làm lắm" - anh Thào kể.

Hiện nay, tại tiểu khu 179 còn gần 90 người chưa có thẻ căn cước công dân. Do sinh sống ở khu vực xa xôi, hẻo lánh chưa được phép định canh, định cư, người dân chưa được đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, cũng chưa có tổ chức thôn được chính quyền công nhận mà chủ yếu là tự quản. Vì vậy, người dân sống tại các tiểu khu này chưa được hưởng bất kỳ chính sách nào của nhà nước như giáo dục, y tế an sinh xã hội.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 8.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 9.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 1: Bản làng không tên- Ảnh 10.

Tại tiểu khu 179 hiện nay có 108 hộ đang sinh sống, nhiều gia đình thậm chí đã có đến thế hệ thứ 3 tồn t

Cùng với đó, họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn thiếu thốn như: thiếu nhà ở, thiếu lương thực, không đất sản xuất. Từ tiểu khu 179, phải đi khoảng 60km mới ra đến trạm y tế xã hoặc sang Đăk Nông mới có bệnh viện. "Ốm thì chỉ có gọi thầy cúng thôi, còn con mình thì không có lớp mẫu giáo, vì vậy nên chúng nó tiếp thu chậm hơn nhiều vì lúc bé chỉ có ở nhà theo bố mẹ đi rẫy thôi" - anh Lý A Phừ, người có uy tín trong cộng đồng Mông ở tiểu khu 179, chia sẻ.

Lý A Phừ cũng cho biết hiện nay, điều người dân lo ngại nhất đó là đất đai thì không sinh sôi, nhà nước cũng vận động không chặt phá rừng, trong khi người trưởng thành thì tiếp tục lập gia đình, sinh con đẻ cái. Vì vậy, hơn bao giờ hết, họ rất mong có thể được sinh sống hợp pháp tại tiểu khu 179 để có thể được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, yên tâm tập trung phát triển kinh tế làm thay đổi cuộc sống.

Tiểu khu 179 là khu vực đất lâm nghiệp, không phải đất ở, các hộ dân sinh sống tại đây đều là tự phát. Vì vậy, họ cũng không đủ điều kiện để nhập khẩu. Tiểu khu 179 cũng chỉ là cái tên tự xưng của những người trong làng. "Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, người dân cũng không được hưởng các chính sách về phúc lợi xã hội" - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết.

Sau năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương ổn định cuộc sống cho đồng bào di dân tự do tại khu vực này. Năm 2020, tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, song còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nên việc hợp thức hoá vùng đất này còn rất nhiều hạn chế.

(Còn tiếp)

19/02/2024 07:28