pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ước mơ trở thành luật sư của cô gái Mông bị "bắt vợ" 3 lần
Sùng Thị Sơ - cô gái 22 tuổi đã vượt qua nhiều khó khăn để đến cánh cửa trường Đại học Luật
"Bố ơi cứu con, con không muốn lấy chồng sớm, con muốn đi học!"
Lời cầu cứu của đứa con gái 17 tuổi khiến người cha chưa từng bước chân khỏi cảnh cổng bản như có thêm sức mạnh. Mặc cho mọi lời đàm tiếu của dân làng, vượt lên tất cả những định kiến đã hằn sâu trong văn hóa của người Mông, ông Sùng Sông Của (xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) kiên quyết bảo vệ con gái mình trước gia đình đã thực hiện "bắt" con ông về làm vợ trong dịp đi chơi xuân.
Cô gái may mắn ấy là Sùng Thị Sơ - tân Cử nhân của trường Đại học Luật Hà Nội. Nhớ lại ký ức không mấy vui vẻ ấy, Sơ cho biết đó không phải lần đầu tiên cô là nạn nhân của tục bắt vợ: "Lần đầu tiên là năm lớp 8, khi em du xuân cùng em gái, có mấy thanh niên vào lôi em đi. Lúc đó em gái em khóc lớn nên có bác hàng xóm vào giúp đỡ, em trốn thoát được. Lần thứ hai là trước khi em vào nhập học lớp 10 chỉ 1 ngày, một đám người xông vào kéo em đi. Nhưng lúc đó họ xảy ra xích mích với nhóm bạn ở bản của em, em đã tranh thủ chạy thật nhanh về nhà. Em từng nghĩ đó là cột mốc sống còn trong đời mình, vì chỉ cần chậm 1 ngày, em sẽ không được nhập học THPT".
Nhà nghèo, ngay từ lúc còn nhỏ, Sơ đã nhen nhóm suy nghĩ phải đi học để thay đổi cuộc đời. Mặc dù trường chỉ cách nhà khoảng 3km, nhưng con đường đến trường của Sơ lại bắt đầu từ 4 giờ sáng, chạy khoảng 10km đường rừng vào cho đàn lợn của nhà ăn rồi sau đó chạy ngược ra khoảng 13km nữa để kịp đến lớp vào lúc 7 rưỡi sáng. "Lúc đấy em không thấy mệt, em chỉ thấy bố mẹ đồng ý cho đi học là tốt lắm rồi" - Sơ kể. Cứ thế, với tất cả sự nỗ lực của mình, Sơ vào được THPT.
Song dường như ông trời vẫn tiếp tục thử thách cô gái nhỏ. Vào một ngày mùa xuân năm Sơ học lớp 12, cô tiếp tục bị "bắt vợ". Biết mình khó thoát khỏi sự kìm kẹp của 2 người đàn ông trưởng thành, Sơ lên kế hoạch để thoát. Dẫu vậy, mọi chuyện không đơn giản như cô tưởng tượng. Nhà họ cách nhà Sơ tới 60 km, họ thu giữ điện thoại khiến Sơ không thể liên lạc được với ai. Suốt một đêm dài, Sơ phải chống chọi với ý định đồi bại từ phía người nam kia (tạm gọi là L.), thậm chí còn bị đánh đập. "L. hơn em nhiều tuổi và to cao lắm, nhưng lúc đó em chỉ biết nếu mình để họ chiếm đoạt cơ thể, em sẽ không còn cơ hội khác. Vì vậy em chỉ biết chống trả và tìm mọi cách để bảo vệ bản thân mình" – Sơ xúc động kể lại.
Hôm sau, nhân cơ hội bố mẹ L. sai xuống xã để phun thuốc cho lúa, Sơ năn nỉ xin đi cùng và xin lại điện thoại với lý do gọi đến trường xin nghỉ học. Cô gọi điện cho bố cầu cứu và nhận được sự ủng hộ của bố mẹ mình.
Biết ý định chạy trốn của S, L. tiếp tục đánh em. Mang thân thể đầy vết bầm tím, Sơ lại thêm một đêm thức trắng để tự vệ. Rất may, ông Sùng Sông Của đã cầu cứu đến pháp luật để bảo vệ con gái. Cuối cùng, Sơ đã có thể về nhà trước cái hạn ăn hỏi theo tập tục 3 ngày (tính từ ngày bị bắt về) của người Mông, chính thức thoát khỏi một tương lai mà cô đã nhìn thấy trước sự bất hạnh.
Hành trình "tự chữa lành"
Sau sự cố đó, Sơ quyết tâm trở lại trường học, hoàn thành tốt kỳ thi THPT Quốc gia và đỗ trường Đại học Luật. Đến nay, cô đã xuất sắc bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và là một thành viên rất tích cực của nhiều tổ chức xã hội, góp tiếng nói không nhỏ vào việc nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em cũng như chống lại nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những gì Sơ đã và đang làm thực sự mang lại nguồn năng lượng tích cực, tạo cảm hứng cho nhiều phụ nữ. Nhưng ít ai biết rằng để có thể đứng vững, Sơ từng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng, để lại trong lòng em những vết sẹo khó lành. Rưng rưng nước mắt, Sơ kể lại: "Thời điểm quay lại trường, em không thể tập trung được cho việc học dù biết kỳ thi sắp đến gần. Nhiều đêm em vẫn mơ thấy cảnh bị đánh. Em tự hỏi tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy. Rồi còn bố mẹ em ở nhà phải nghe biết bao lời dèm pha của làng xóm. Em thấy rất tội lỗi vì để bố mẹ phải chịu đựng tất cả những điều đó".
Đến nay, câu chuyện đã đi vào dĩ vãng được 4 năm, Sơ cũng bình tĩnh kể lại từng chi tiết, nhưng trong ánh mắt và giọng nói của cô gái ấy vẫn hằn lên những cảm xúc nghẹn ngào. Sơ cũng phải đối mặt với cả áp lực về chuyện có kinh phí để học tập. Cô làm đủ mọi công việc từ chạy bàn, phụ bếp, đi giúp việc theo giờ… để có thể xoay sở cuộc sống giữa đất Hà Nội. Vừa học, vừa làm, nhiều đêm trở về căn phòng trọ khi đã quá nửa đêm, Sơ không tránh khỏi tủi thân, mệt mỏi. "Em tự động viên mình là chính sự bận rộn lại giúp em quên đi những cảm xúc tiêu cực, hoảng sợ. Em cũng không muốn bố mẹ lo lắng gì thêm nên buộc phải cố gắng! Cứ thế em cũng đã đi được đến hôm nay rồi" – Sơ tâm sự.
Trong thời gian học Đại học, Sùng Thị Sơ là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 15 thành viên Đông Nam Á của Quỹ Spark thuộc Quỹ Trẻ em Toàn cầu. Ngoài ra, Sơ còn là đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến thanh niên tiên phong của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc; bàn tròn thanh niên về phát triển của Liên Hợp Quốc. Thông qua những hoạt động đó, cô đã có cơ hội đến nhiều nước trên thế giới, được học hỏi, chia sẻ từ kinh nghiệm của mình và cũng chính thức bước ra khỏi nỗi sợ của bản thân, góp tiếng nói vào việc bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Ước mơ thành luật sư và trăn trở với việc giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chia sẻ về những dự định trong tương lai gần, Sùng Thị Sơ cho biết cô đang tích cực làm thêm để gom đủ tiền học phí cho khóa học Luật sư. "Từ nhỏ, em đã chứng kiến quá nhiều gia đình không hạnh phúc vì tảo hôn. Người ta lấy nhau khi còn quá trẻ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ luỵ không mong muốn. Hay như bản thân em đã trải qua cảm giác đau khổ và ám ảnh đến tột cùng khi chống trả việc bị xâm hại. Và trong những bất hạnh đó, phụ nữ thường chịu rất nhiều thiệt thòi mà không biết tìm ai giúp đỡ. Vì vậy, em muốn mình trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần và pháp lý cho họ" – Sơ nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sơ cho biết, trong nhiều bài thuyết trình của mình với bạn bè quốc tế, cô rất tự hào về văn hóa lâu đời của người Mông và bản chất tục "kéo vợ" của người Mông không hề xấu. Nhưng theo thời gian, với sự phát triển hai mặt của hiện đại hóa, người ta đã làm tục lệ này trở nên biến tướng. Vì vậy, việc giáo dục cho trẻ em là rất quan trọng. Không chỉ riêng trẻ em gái cần biết tự bảo vệ mình, mà ngay cả trẻ em trai cũng cần được giáo dục một cách nghiêm túc về luật pháp, bình đẳng trong hôn nhân và rộng hơn là giáo dục toàn diện để thay đổi tư duy của những người trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với hành trình mà mình trải qua, Sùng Thị Sơ cho rằng công tác tuyên truyền và giáo dục ngay từ trong nhà trường là rất quan trọng. Giống như năm xưa Sơ đi theo một tia sáng le lói từ lời kể của cô giáo về những gì mà trường đại học mang lại, cô đã vượt qua tất cả khó khăn để đến được nơi này. "Sơ mong rằng giới trẻ trong cộng đồng các dân tộc ít người nói chung ở Việt Nam sẽ trân trọng việc học và nỗ lực để viết nên tương lai của chính mình bằng tri thức" - Sùng Thị Sơ bày tỏ.
"Em đã thay đổi được gia đình em, các em của em đều đã quyết tâm đi học nên em sẽ vẫn tiếp tục cố gắng để hy vọng, cứ mỗi gia đình có 1 người thay đổi thì một ngày nào đó, vấn đề này sẽ được thay đổi tích cực", cô lạc quan khẳng định.