pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những câu chuyện ám ảnh từ điểm nóng một thời Quế Phong (Bài 2)
Đã có thời điểm bà Lô Thị Dụng tưởng như sắp mất con
Trở về từ cửa tử
Bà Lô Thị Dụng (bản Tục Pang, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) dường như vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại ngày đón con trai là Lương Văn Tằm làm công nhận ở Khu công nghiệp trong Đồng Nai về.
"Trước đó, Tằm đã gọi điện thều thào nói ‘con mệt quá!’, tôi lo lắng, sốt ruột nên nói con trai đầu vào đón Tằm về"- bà Dụng nhớ lại- "Hôm con về, lúc xuống xe, tôi ra đón mà chỉ biết khóc thôi, không còn nhận ra con mình nữa. Mấy ngày đầu, tôi khóc suốt, không sao dừng được, cứ nghĩ mất con tới nơi rồi. Về nhà, Tằm yếu đến nỗi không mở nổi mắt. Suốt 8 ngày không ăn nổi một hạt cơm".
Hôm gặp Lương Văn Tằm (SN 1993) sức khỏe cậu đã khá hơn rất nhiều, vẻ ngoài ốm yếu nhưng Tằm đã có thể ngồi nói chuyện. Tằm kể, trước khi về nhà cậu bị ho, sốt dài ngày, cộng với tiêu chảy trong gần 1 tháng làm cậu kiệt sức. Khám tại phòng khám tư ở TPHCM thì bác sĩ nói cậu bị phổi nhưng uống thuốc hoài không đỡ nên Tằm gọi điện về cầu cứu mẹ.
Biết tin, Lục Văn Hai thành viên nhóm Sao Va đến thăm và vận động Tằm đi làm xét nghiệm lao, HIV bởi thấy Tằm có đủ triệu chứng điển hình của những bệnh này. "Nhìn Tằm ngồi co ro ở phòng chờ kết quả xét nghiệm, thấy thương lắm!"- Lục Văn Hai chia sẻ.
Lúc nhận kết quả khẳng định đồng nhiễm cả lao và HIV, Tằm lặng người. Cậu nói, từ nhỏ đến giờ mới bị như thế này, không biết gì về lao và HIV cả. "Hồi học xong lớp 12, một lần đi đám cưới em được mời hút heroin. Hồi đó, thi thoảng em dùng chứ không nghiện. Em vào Đồng Nai làm từ năm 2017, lương 5 triệu đồng/tháng. Bạn bè hay rủ đi nhậu, lúc say thì ngủ với gái chòi, có thể do không dùng bao nên bị nhiễm mà không biết"- Tằm ngập ngừng kể.
Nhìn mẹ gầy gò, mắt thất thần vì thương con, Tằm nhỏ giọng: "Nếu cho chọn lại, em sẽ không làm thế nữa. Giờ mệt thế này, khổ mình, khổ mẹ và cả nhà! Nhưng em sẽ cố gắng uống thuốc đều đặn, nếu sức khỏe ổn hơn em sẽ đi làm lại!".
Lục Văn Hai cũng nói, Tằm may mắn khi về kịp, sau khi làm xét nghiệm đã điều trị ngay nên sức khỏe khá dần. Hai chia sẻ: Quãng thời gian hơn chục năm về trước, thanh niên ở đây hầu như ai cũng hút và coi đó như một cách thể hiện mình. Hiện tại, vẫn còn tình trạng chơi ma túy nhưng không còn rầm rộ như trước. Người nghiện trung bình chơi 2-3 lần/ngày, tương đương với 200-300 nghìn/ngày. Hồng phiến được bán với giá 100 nghìn 3 viên (liều tùy theo cữ dùng của từng người và sẽ tăng dần). Theo thời gian, có những người phải chơi 5-6 viên/lần mới có cảm giác phê.
Nhà Lô Văn Giáp (SN 1987, khối Thái Phong, thị trấn Kim Sơn) nằm cheo leo trên một quả đồi, cũng nghèo xác xơ, trong nhà không có đồ vật nào giá trị, ngoài vài con gà nhép, mèo con, chó cún quẩn quanh bên chân Giáp.
Lô Văn Giáp trong căn nhà tuềnh toàng, 1 tháng đan 01 chiếc lưới, kiếm được 500 nghìn đồng
Giáp cũng nhiễm cả HIV và lao. Trước khi được Lô Văn Nhất, thành viên nhóm Sao Va vận động điều trị vào năm 2021, Giáp vẫn "chơi hàng" mỗi ngày. Hỏi tiền đâu để hút, Giáp nói đi làm thuê để có tiền hút, không có thì lấy tiền của vợ đi hút.
Mọi người kể, trước đó vợ chồng Giáp có nhà bê tông kiên cố ở phía dưới đồi nhưng vì nợ nần nên phải bán đất, bán nhà để trả nợ, số tiền ít ỏi còn lại mua nhà trên đồi, gọi là nhà cho sang vì thực ra chỉ quây tôn, nền đất tạm bợ. Hiện tại, Giáp quanh quẩn ở nhà đan lưới (1 tháng đan 1 cái được 500 nghìn đồng), đi lấy củi, lấy thuốc. "Giờ sức yếu nên ở nhà như đàn bà!"- Giáp nói.
Những trường hợp mà chúng tôi gặp đều có hoàn cảnh rất khó khăn, là người dân tộc thiểu số nên nhận thức có phần hạn chế. Nếu không có các tổ chức cộng đồng như Sao Va hỗ trợ, họ sẽ khó có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị một cách toàn diện.
Nỗ lực của Sao Va
Trong số 9 thành viên của nhóm Sao Va, chỉ có trưởng nhóm Lang Chung Hiền không phải là người nghiện và nhiễm HIV; 8 thành viên còn lại đều đang uống Methadone và thuốc ARV để điều trị bệnh AIDS. Với lợi thế là những người cùng cảnh ngộ nên họ dễ dàng tiếp cận nhóm có nguy cơ tại địa bàn hơn các cán bộ y tế.
Anh Lang Chung Hiền cho biết, vì địa bàn huyện rộng, hầu hết các xã đều có người nghiện và nhiễm HIV, nhiều nhất là bản Tạng, bản Ná Sành của xã Tiền Phong- đây đều là những bản xa, đi lại rất khó khăn, nếu để từng người đi tiếp cận đối tượng thì không xuể nên nhóm phân theo vùng và chia các nhóm khách hàng để dễ dàng triển khai các hoạt động.
"Có 2 nhóm khách hàng, với nhóm khách hàng tích cực, mỗi tháng thành viên của nhóm gặp 1 lần để truyền thông, cai nghiện mà chưa uống Methadone thì giải thích cho họ hiểu để đưa vào chương trình điều trị, ai bỏ thuốc ARV thì vận động họ tiếp tục uống ARV. Với khách hàng truyền thống thì 3 tháng tiếp cận 1 lần để test và cung cấp vật phẩm như bao cao su, bơm kim tiêm và truyền thông để họ nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh"- anh Lang Chung Hiền chia sẻ.
Tiếp cận, vận động những người có nguy cơ cao đi xét nghiệm không khó, nhưng để đưa họ vào chương trình can thiệp dự phòng bằng Methadone hay điều trị ARV lại không đơn giản, bởi đa phần họ đều không có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của chương trình. Có nhiều người không có căn cước công dân vì mang đi "cắm" để lấy tiền chơi ma túy…; có người vì nhà xa nên không thể theo uống đều đặn mỗi ngày…
Các thành viên của Sao Va thường phải kiên trì thuyết phục để những khách hàng này đồng ý đi xét nghiệm, đồng ý tiếp nhận điều trị. Có những trường hợp, họ phải trực tiếp chở khách hàng đến uống. Tính đến hết tháng 10/2023, Quế Phong phát hiện 32 bệnh nhân nhiễm mới HIV, trong đó nhóm Sao Va phát hiện được 18 ca (chiếm 56%), đưa vào chương trình điều trị Methadone gần 50 ca trên tổng số 66 bệnh nhân khởi liều tại điểm điều trị Methadone ở Trung tâm y tế huyện.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc TTYT huyện Quế Phong cho biết: Thành viên Sao Va có thể đi đến tất cả các ngõ ngách, các vùng cán bộ y tế không đến được để tìm được những ca mới, những bệnh nhân chưa có điều kiện đến với các cơ sở điều trị, động viên họ đến làm xét nghiệm rồi đưa vào điều trị. Với lợi thế là những người trong cuộc, cùng cách đa dạng hóa các phương thức tiếp cận, các tổ chức cộng đồng như Sao Va là cầu nối cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho các nhóm nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới. Đây là nhóm mà hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận để cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV.
Câu chuyện từ điểm nóng ma túy một thời càn quét qua các bản làng khiến bao gia đình liêu xiêu vẫn còn tàn dư đến hiện tại, khiến những người đến Quế Phong bị ám ảnh. Tương lai của những đứa trẻ (có bố mẹ tù tội, nghiện ngập) vẫn vô tư cười đùa trong những mái nhà không ra nhà ấy rồi sẽ ra sao? Câu hỏi đặt ra và kể cả những người lạc quan nhất, chắc chắn cũng không thể dễ dàng đưa ra câu trả lời…
Ngoài các nội dung liên quan đến HIV, nhóm sẽ tư vấn và có can thiệp kịp thời với các vấn đề đa dạng mà khách hàng gặp phải như vấn đề sức khỏe tâm thần, quan hệ tình dục không an toàn, các vướng mắc trong tham gia và trong quá trình điều trị Methadone, nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, bệnh lao… Nhóm còn quan tâm đến các nhu cầu về hỗ trợ xã hội - pháp lý của khách hàng như hỗ trợ bảo hiểm y tế, dinh dưỡng, làm giấy tờ tùy thân.