Tại nhiều trường THCS ở Quận 3, TP.HCM (sử dụng đề thi chung do Sở GD&Đ ra đề), đề thi môn Giáo dục công dân lớp 7 được nhiều học sinh và phụ huynh thích thú. Đề đưa ra hình ảnh về mẩu giấy ghi lời nhắn xin lỗi và kèm số điện thoại của một nam sinh lớp 11 ở Hải Phòng sau khi đâm vỡ gương ô tô.
Đề thi Giáo dục công dân khối 7 hấp dẫn học sinh làm bài. Ảnh: P.A |
Cụ thể lời nhắn là “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ, liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do không biết chủ ô tô là ai) 0949....”. Chủ xe không bắt đền mà còn lấy đó làm tấm gương cho con mình. Đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn (7-10 câu) nêu suy nghĩ về bạn học sinh trên, từ đó liên hệ với việc rèn luyện của bản thân về lòng trung thực.
Cùng môn Giáo dục công dân, thuộc khối 9, đề có nói về nạn “hôi của”. Cụ thể, đề đưa ra sự kiện: Tại Bình Định, ngày 1-1-2016, trên quốc lộ 1D, đoạn qua đường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn), ô tô tải đang chở hàng gặp nạn bị cháy, nhiều mặt hàng trên thùng xe hư hỏng. Hàng chục người chạy vào hôi của, họ cầm bao và túi nilon chạy đến lục xới và lấy những vật dụng còn sót lại như bột giặt, bột ngọt, sữa... Tài xế phụ của xe đứng khóc, bất lực nhìn đám đông vơ vét hàng hóa.
Đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn dài (7-10 câu) khuyên những người dân không nên hôi của khi người khác gặp nạn nên sống tình nghĩa, yêu thương nhau.
Đề các khối 6, 8 môn Giáo dục công dân cũng rất nóng hổi thời sự khi đề cập nhiều tình huống đậm hơi thở cuộc sống. Đó là trường hợp một HS làm lớp trưởng nhận tiền của những bạn vi phạm nội quy để giấu tội cho bạn, không ghi vào sổ kỷ luật; con cái làm việc nhà nhưng tính toán tiền bạc với cha mẹ mà “quên” công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ....
Theo nhận định của các giáo viên dạy Giáo dục công dân ở Quận 3, TP.HCM, nội dung đề ở các khối lớp rất hay, sinh động, khiến học sinh hào hứng. Học sinh không chỉ nắm kiến thức đơn thuần mà còn được vận dụng kiến thức thực tế đó vào bài học hoặc ứng dụng bài học vào trải nghiệm sống thực tế. Theo các giáo viên, một đề thi khiến học sinh hào hứng, thích thú, chắc chắn bài làm sẽ đạt chất lượng tốt hơn.
Một đề thi học kỳ khác cũng đang khiến học sinh khối 12 “điên đảo” là bài hát “Ông bà anh” được đưa vào đề thi rất sinh động. Đó là đề thi của trường THPT Trường Chinh, TP.HCM trích dẫn toàn bộ lời bài hát với câu hỏi liên quan phong cách ngôn ngữ của văn bản, tình yêu của hai thế hệ có gì khác nhau, tâm sự tác giả muốn bộc lộ, tình yêu của ông bà ngày xưa được tái hiện qua hình ảnh, ký ức nào?...
Đề thi Ngữ văn lớp 12 với "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu. Ảnh: Diễn đàn văn học - học văn. |
Ở phần làm văn, đề nêu: "Ông bà anh" đang rất được nhiều bạn trẻ yêu thích. Có người cho rằng "Đừng ai bận lòng so sánh tình yêu xưa - tình yêu nay làm gì. Dù ngày xưa hay ngày nay thì tình yêu vẫn đẹp như nó vốn thế mà thôi". Đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn suy nghĩ về câu nói trên.
Việt Bách, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ: “Em đọc các đề thi mà thấy hứng thú vô cùng, điều này rất quan trọng vì tâm lý làm bài sẽ rất tốt. Từ mai chúng em cũng bắt đầu thi học kỳ và rất chờ đợi vào những sáng tạo mới của đề thi như ở TP.HCM”.
Còn cô giáo Lê Hồng Hạnh (giáo viên THCS ở Diễn Châu, Nghệ An) thì cho rằng, đây là xu hướng ra đề mà bản thân cô cùng nhiều thầy cô giáo khác đang áp dụng nhiều hơn vào đề thi các kỳ thi học kỳ. “Điều mà học sinh cần chính là thông điệp đằng sau mỗi câu chuyện thực tế, thay vì trước đây chỉ đơn thuần thông qua các nhân vật trong sách vở. Càng gần gũi với thực tế, môn học sẽ càng thu hút học sinh, tạo hứng khởi trong dạy và học”.