Hội An “biến" rác thành tiền giúp phụ nữ nghèo và bảo vệ môi trường

An Khê
05/04/2020 - 10:47
Hội An “biến" rác thành tiền giúp phụ nữ nghèo và bảo vệ môi trường
Nhiều năm qua, các cấp Hội ở thành phố Hội An (Quảng Nam) không ngừng sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, xây dựng nhiều mô hình hay, thiết thực thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, trong đó điển hình là mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác tái chế”.

Đây là mô hình được chị em thành lập với phương châm "biến rác thành tiền" để gây quỹ cho hoạt động Hội và giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh nan y.

Mô hình cũng giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn, tham gia bảo vệ môi trường sống.

(anh Phú) Phụ nữ Hội An: “Biến rác thành tiền” - Ảnh 1.

Mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác tái chế” được nhiều người hưởng ứng

Để mô hình hoạt động hiệu quả, thời gian qua Hội LHPN Hội An tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về công tác vệ sinh môi trường gắn với cuộc vận động xây dựng "gia đình 5 không 3 sạch". 

Tuy nhiên, để tác động trực tiếp đến ý thức của người dân nhanh, dễ hiểu, dễ thực hiện, Hội đã xây dựng kịch bản tuyền thông qua hình thức sân khấu hóa như tiểu phẩm "Phước – Lộc – Thọ thời nay", "Vua đầu rác", "Chuyện nhỏ- chuyện to" nhằm chuyển tải các nội dung xoay quanh các vấn đề về phân loại thu gom rác, nói không túi nilong, phòng chống rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, vệ sinh ATTP... để bảo vệ môi trường, tham gia  xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

(anh Phú) Phụ nữ Hội An: “Biến rác thành tiền” - Ảnh 2.

Số tiền quỹ của 54 tổ thu gom rác được 253 triệu đồng nhằm giúp đỡ 198 hội viên phụ nữ đau ốm, khó khăn và đỡ đầu các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi

Từ năm 2015, Chi hội phụ nữ Tân Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An có ý tưởng cho ra mắt mô hình "Bên sọt rác nhà ta" với mục đích vận động chị em thực hiện tốt việc phân  loại rác tại nguồn của mỗi gia đình và thu gom rác tái chế đến cuối tuần chị em gom lại bán gây quỹ. Số tiền thu được mỗi năm, chị em dùng để trao 11 suất quà cho phụ nữ nghèo, khó khăn trị giá 3 triệu đồng.

Đến năm 2017, mô hình "Tổ phụ nữ thu gom rác tái chế" bắt đầu nhân rộng ở các  xã, phường tại Hội An. Để hoạt động này có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư nhiều hơn và đem lại hiệu quả cao hơn, hàng năm, ngoài tuyên truyền theo từng chuyên đề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường về phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", tổ phụ nữ thu gom rác tái chế... Hội còn duy trì hoạt động ngày hội "Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu" hưởng ứng các hoạt động "Ngày không túi nilon", phong trào "Chống rác thải nhựa". 

Đồng thời, tổ chức gặp gỡ, giao lưu, biểu dương Chi hội phụ nữ Môi trường xanh và 13 Tổ thu gom ve chai; tổ chức "Phiên chợ sản phẩm tái chế", bán đấu giá các sản phẩm sáng tạo, sản phẩm tái chế gây quỹ "Môi trường xanh" được 73 triệu đồng, trao 95 suất học bổng cho 95 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Hội LHPN Hội An đã ra mắt mô hình "Chi hội phụ nữ thu mua rác tái chế" với 35 thành viên là các chị đi thu mua ve chai dạo hằng ngày. Đây là đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên đến từng hộ gia đình vừa thu mua vừa tuyên truyền, hướng dẫn cặn kẽ cho người dân trong việc phân loại rác theo từng loại, hạn chế dùng sản phẩm nhựa một lần… Nhờ vậy mà hiệu quả công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư cao hơn. 

Có thể nói đây là mô hình mang tính thiết thực, vừa huy động được lực lượng không chỉ là hội viên phụ nữ tham gia mà tất cả cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, vừa giúp các chị xây dựng được nguồn quỹ hoạt động, giúp được nhiều phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau.

Theo bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hội An, mô hình "Tổ phụ nữ thu gom rác tái chế" không chỉ dừng lại ở 13/13 xã phường mà lan tỏa đến 100% chi hội với 54 tổ của thành phố. Số tiền quỹ 54 tổ thu gom rác thu được 253 triệu đồng, giúp đỡ 198 hội viên phụ nữ đau ốm, khó khăn và đỡ đầu các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi... 

Điều này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, đã tạo được sự gắn kết yêu thương lá lành đùm lá rách trong cộng đồng và đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng Hội An là thành phố sinh thái, văn hóa du lịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm