Hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì? Cách phát hiện và điều trị bệnh sớm tránh nguy cơ tử vong

Phương Nguyễn
07/03/2020 - 14:53
Hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì? Cách phát hiện và điều trị bệnh sớm tránh nguy cơ tử vong
Nếu bạn thường xuyên ngáy to hoặc cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi có một giấc ngủ trọn vẹn, rất có thể bạn mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Vậy hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì, làm thế nào để phát hiện và điều trị kịp thời? Cùng tìm hiểu chi tiết qua các thông tin sau đây.

Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể xảy ra với bất cứ ai ngay cả trẻ em và ngày càng có nhiều người gặp phải. Hội chứng này có thể tăng nguy cơ cao huyết áp, các bệnh tim mạch và bệnh lý về mạch máu não thậm chí đột tử nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ hay ngừng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ khi một người bị thở nông hoặc ngừng thở trong khi ngủ. Mỗi lần ngưng thở có thể kéo dài từ vài giây thậm chí đến vài phút và lặp lại nhiều lần trong một đêm. Việc ngưng thở thường xảy ra sau một tiếng ngáy lớn, khi thở trở lại thường có âm thanh khịt mũi hoặc nghẹt thở. 

Hội chứng ngừng thở khi ngủ thường gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi trong ngày. Ở trẻ em, nó có thể gây ra chứng hiếu động. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-1

Ngưng thở khi ngủ tạo ra tiếng ngáy lớn

2. Phân loại

Có 3 loại hội chứng ngừng thở khi ngủ:

- Ngưng thở do ngủ tắc nghẽn (OSA): đây là loại phổ biến nhất với tỉ lệ lên đến 84%. Gây ra bởi vấn đề cơ học khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ trong khi ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các đường thở bị tắc nghẽn, không đủ không khí đi vào phổi ban đêm, người bệnh có thể bắt đầu ngáy. Khi não cảm thấy không nhận đủ oxy nó sẽ tiến hành báo hiệu cho cơ thể thức dậy để mở lại đường hô hấp. 

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-2

Đường hô hấp trên bị tắc nghẽn gây ra chứng ngưng thở khi ngủ

- Ngưng thở khi ngủ trung tâm (CSA) chỉ chiếm tỷ lệ 0,4 - 1%. Đây là loại hội chứng ngừng thở khi ngủ ít phổ biến và phức tạp hơn chứng OSA. Nguyên nhân này không gây ra bởi vấn đề cơ học làm tắc nghẽn đường hô hấp mà CSA xả ra khi não không gửi được thông điệp đến các cơ quan kiểm soát hơi thở. Ngưng thở khi ngủ trung tâm do thần kinh gây ra với nhiều triệu chứng hơn như ngừng thở, thức giấc liên tục ban đêm và buồn ngủ cực độ ban ngày.

- Hội chứng ngưng thở phức tạp còn được gọi là hội chứng ngưng thở hỗn hợp chiếm 15% xảy ra khi người nào đó bị cả hai trường hợp ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung tâm.

3. Dấu hiệu hội chứng ngừng thở khi ngủ

Các dấu hiệu phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

- Ngáy to và xảy ra hầu như mọi đêm.

- Khịt mũi, nghẹt thở hoặc thở hổn hển trong khi ngủ.

- Tạm dừng thở trong khi ngủ.

- Thường xuyên thức dậy vào ban đêm và cảm thấy khó thở.

- Buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày cho dù bạn đã ngủ nhiều vào ban đêm.

- Thức dậy cảm thấy miệng khô hoặc đau họng.

- Mất ngủ hoặc thức giấc vào ban đêm, ngủ không ngon giấc.

- Đi vệ sinh thường xuyên vào ban đêm.

- Quên và khó tập trung khi làm việc.

- Bất ổn tâm trạng, thường xuyên khó chịu, hoặc trầm cảm.

- Đau đầu buổi sáng.

- Dễ cáu gắt.

- Suy giảm vấn đề thị lực.

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-3

Ngưng thở khi ngủ khiến người bệnh ngáy, cảm thấy khó chịu, thiếu ngủ vào ban ngày

4. Nguyên nhân

hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào thậm chí cả trẻ em. Chưa có kết luận chính xác nào về nguyên nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

- Nam giới: Nam giới thường có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao gấp hai đến ba lần so với nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ tăng nguy cơ mắc bệnh nếu họ thừa cân hoặc xuất hiện sau khi tiền mãn kinh.

- Người thừa cân, béo phì: Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Việc chất béo tích tụ xung quanh đường hô hấp có thể cản trở hơi thở của bạn.

- Người trên 40 tuổi.

- Chu vi cổ lớn: Những người có cổ dày hơn có thể có đường dẫn khí hẹp hơn. Theo các nghiên cứu khoa học người có chu vi cổ lớn có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn.

- Cổ họng hẹp: Nếu bạn có một cổ họng hẹp thì có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như hội chứng ngừng thở khi ngủ

- Vấn đề về xoang như nghẹt mũi: Nếu bạn mắc các vấn đề về xoang hoặc mũi thường ảnh hưởng đến quá trình thở gây chứng ngưng thở khi ngủ.

- Rối loạn tim. Bị suy tim hoặc sung huyết làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.

- Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao gấp ba lần so với những người không hút thuốc. Bởi khói thuốc lá có thể gây viêm, giữ nước ở đường hô hấp.

- Rượu và các loại thuốc an thần: ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp.

- Tiền sử mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản.

- Tiền sử gia đình bị ngưng thở khi ngủ.

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-4

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của hội chứng ngừng thở khi ngủ

5. Chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ:

Để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ chính xác. Bạn cần đến các trung tâm y tế uy tín, các bác sĩ thực hiện điện não đồ để đo và ghi lại hoạt động của sóng não. Gồm:

- EMG (điện cơ đồ) giúp ghi lại hoạt động của cơ như nghiến răng, co giật mặt và cử động chân để xác định hoạt động của não trong khi ngủ.

- EOG (điện nhãn đồ) giúp ghi lại chuyển động của mắt xác định các giai đoạn ngủ khác nhau.

- ECG (điện tâm đồ) để ghi lại nhịp tim trong quá trình ngủ.

- Cảm biến luồng khí mũi để ghi lại luồng khí thở bằng mũi.

- Snore micro để ghi lại hoạt động ngáy.

Các phương pháp chẩn đoán này giúp xác định tình trạng giấc ngủ và các bệnh lý có thể gặp khi ngủ.

6. Phương pháp điều trị

Sử dụng mặt nạ thở CPAP:

Đối với chứng ngưng thở khi ngủ từ trung bình đến nặng, phương pháp điều trị phổ biến nhất là sử dụng mặt nạ thở CPAP. Người bệnh sử dụng mặt nạ nhựa có ống linh hoạt với máy CPAP nhỏ cạnh giường.

Với việc sử dụng CPAP đúng cách giúp người bệnh cải thiện đáng kể hội chứng ngừng thở khi ngủ. Các bằng chứng y học cho thấy người sử dụng CPAP cải thiện giấc ngủ đáng kể so với những người không sử dụng.

Mặc dù liệu pháp CPAP có hiệu quả trong việc giảm ngưng thở khi ngủ và ít tốn kém hơn so với các phương pháp điều trị khác tuy nhiên phương pháp này có thể gây ra khó chịu với một số người. Có những người phàn nàn về cảm giác khó chịu ở ngực, mắc kẹt, kích ứng mũi hoặc da. Đôi khi, sử dụng CPAP còn tạo cảm giác khô mũi, khô miệng, chảy máu cam, đau môi, nướu.

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-5

Mặt nạ thở khi ngủ CPAP giúp hỗ trợ người bệnh có giấc ngủ ngon hơn

Giảm cân:

Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, nếu người bệnh thừa cân sẽ được các bác sĩ chỉ định giảm cân. Việc giảm cân cho thấy người bệnh giảm tần suất ngưng thở khi ngủ đáng kể.

Phẫu thuật:

Một số thủ tục phẫu thuật được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Điều trị phẫu thuật cho ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn gồm phẫu thuật tắc nghẽn mũi, hầu họng, tắc nghẽn lưỡi…

- Phẫu thuật mũi: Chỉnh sửa vách ngăn bị lệch.

- Uvulopalatopharyngoplasty (UPPP): Một thủ thuật y học nhằm loại bỏ mô mềm ở phía sau cổ họng và vòm miệng, làm tăng chiều rộng của đường thở khi mở họng.

- Phẫu thuật nâng cao hàm tối đa xương hàm: Giúp khắc phục một số vấn đề trên khuôn mặt hoặc tắc nghẽn cổ họng.

Sử dụng thuốc:

Hiện tại chưa có kết luận về bất kỳ loại thuốc nào chữa trị dứt điểm chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên,  acetazolamide có thể được xem xét để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trung tâm; người ta cũng thấy rằng zolpidem và triazolam có thể được xem xét để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trung tâm. Các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giảm triệu chứng, điều trị bệnh theo tình trạng sức khỏe.

7. Biến chứng hội chứng ngừng thở khi ngủ

hội chứng ngừng thở khi ngủ không gây ra hậu quả nghiêm trọng tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng:

- Nóng tính, ủ rũ, chán nản, hội chứng khiến trẻ em và trẻ vị thành niên có vấn đề về hành vi.

- Làm tăng tình trạng bệnh huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim.

- Tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, nhịp tim bất thường. Nếu bạn bị bệnh tim, ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy trong máu dẫn đến tử vong đột ngột do nhịp tim không đều

- Bệnh tiểu đường tuýp 2: hội chứng ngừng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ phát triển kháng insulin và tiểu đường tuýp 2. 

- Biến chứng với thuốc và phẫu thuật. Những người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ khi dùng thuốc hoặc phẫu thuật bệnh khác có thể dễ bị biến chứng sau phẩu thuật hơn.

- Bất thường trong chức năng gan: những người bị chứng ngưng thở khi ngủ lâu ngày thường có kết quả xét nghiệm bất thường về chức năng gan và gan có nguy cơ bị sẹo, bị gan nhiễm mỡ cao hơn. 

8. Phòng tránh hội chứng ngừng thở khi ngủ

Cách tốt nhất phòng tránh hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì? Hãy hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bạn nên:

- Giảm cân.

- Bỏ hút thuốc lá.

- Hạn chế rượu và các loại thuốc an thần.

- Tập thể dục thường xuyên. Có thể lựa chọn đi bộ, yoga, bơi lộ, chạy bộ là những môn thể thao cải thiện nhịp thở, tăng cường cơ bắp và sức đề kháng tốt.

- Tránh chất caffeine và ăn quá no trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ.

- Hạn chế căng thẳng, áp lực, tập thư giãn trước khi đi ngủ, ngủ đúng giờ để có giấc ngủ ngon

- Tầm soát và khám sức khỏe tổng quát khi có các triệu chứng như: Ngáy to, thường xuyên thức giấc ban đêm, mệt vào hôm sau, đau đầu buổi sáng,thở gián đoạn khi ngủ, tiểu đêm, buồn ngủ ngày nhiều, giảm trí nhớ…

Mẹo khi ngủ giúp ngăn ngừa ngưng thở khi ngủ:

- Ngủ nghiêng một bên: Tránh việc nằm ngửa khi ngủ có thể khiến cho lưỡi và các mô hô hấp của bạn bị tắc nghẽn. Một số người chỉ bị ngưng thở khi ngủ khi nằm ngửa vì thế tập nằm nghiêng có thể giúp bạn hạn chế hội chứng này.

- Nâng đầu giường cao hơn: Việc nâng đầu giường của bạn cao hơn giúp nâng cơ thể hơn, dễ dàng trong hô hấp khi ngủ.

- Thường xuyên vệ sinh mũi, xịt nước mũi, rửa mũi để mũi dễ thở hơn.

- Tập nhai kẹo cao su hoặc giữ bút giữa răng trong khoảng 10 phút trước khi ngủ cho đến khi hàm của bạn bắt đầu đau để giữ miệng kín hơn. 

9. Cách ăn uống cho người hội chứng ngừng thở khi ngủ

Người bị ngưng thở khi ngủ nên ăn gì?

Đối với người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm tốt cho đường hô hấp và tim mạch. Dưới đây là một số thực phẩm gợi ý dành cho bạn:

- Mật ong: khi bạn bị rát họng, sưng họng gây ngáy có thể khắc phục bằng cách dùng mật ong bởi mật ong có tính kháng viêm tốt. Ngậm mật ong với gừng hoặc uống trà nóng cho thêm mật ong trước khi ngủ sẽ cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.

- Cá và dầu cá: hỗ trợ giấc ngủ, hạn chế triệu chứng ngáy. Trong dầu cá chứa omega 3 và omega 6 giúp sản sinh cholesterol tốt, giảm tích tụ chất béo đường hô hấp và làm sạch đường hô hấp.

- Sữa đậu nành thay cho sữa bò: protein trong sữa bò có thể gây ra các phản ứng dị ứng tăng thêm tình trạng tắc nghẽn mũi dẫn đến ngáy nhiều hơn. Vì thế, bạn có thể thay bằng sữa đậu nành để bổ sung dinh dưỡng và hạn chế khó thở khi ngủ.

- Củ nghệ giúp kháng viêm, kháng khuẩn, sát trùng tốt vì thế nó phù hợp với hội chứng ngừng thở khi ngủ.

- Rau xanh, chất xơ: giảm chứng béo phì - nguy cơ tăng hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ nên kiêng ăn gì?

- Chế độ ăn ít carbohydrate: các loại thực phẩm ngọt...giảm chứng ngáy khi ngủ hiệu quả.

- Hạn chế đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.

- Nói không với chất béo, đồ ăn chiên rán nhiều lần.

10. Các câu hỏi thường gặp

Tại sao phải chữa trị hội chứng ngừng thở khi ngủ sớm? 

Ngưng thở khi ngủ nếu không chữa trị, bệnh sẽ đưa đến các biến chứng như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Vì thế người bệnh nên thực hiện chữa trị sớm để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Nên làm gì khi có thể bị ngưng thở khi ngủ?

Cách xác định duy nhất để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ là đến thăm khám và thực hiện các phương pháp chẩn đoán chính xác về bệnh. Từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên phù hợp.

Người thường xuyên ngáy khi ngủ có phải đang bị ngưng thở khi ngủ không?

Điều đó có thể, nhưng không thể khẳng định hoàn toàn. Một số người ngáy nhưng không có chứng ngưng thở khi ngủ. Có một số trường hợp hiếm gặp người bị chứng ngưng thở khi ngủ không có triệu chứng ngáy. Bạn hãy chú ý đến âm thanh và kiểu ngáy xem đó là tiếng ngáy đều đặn hay tiếng ồn lớn, thường xuyên hay thỉnh thoảng. Sau khi ngáy hơi thở bình thường hay hổn hển...

Có thể điều trị dứt điểm chứng ngưng thở khi ngủ không?

Không có phương pháp chữa trị dứt điểm hoàn toàn, người bệnh cần chú ý chế độ dinh dưỡng, luyện tập thường xuyên để tránh bệnh tái phát. 

Ngưng thở khi ngủ là tạm thời hay vĩnh viễn?

Khó có thể khẳng định chứng ngưng thở khi ngủ là tạm thời hay vĩnh viễn. Hội chứng này có thể tái phát bất cứ lúc nào. Tuy nhiên việc điều trị, hạn chế các yếu tố nguy cơ đều đặn có thể giúp bạn không phải đối mặt với bệnh.

Muốn cải thiện triệu chứng ngưng thở cần phải thay đổi điều gì trong cuộc sống?

Bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, giảm cân khi thừa cân. Ngoài ra, chú ý hơn vào giấc ngủ như đi ngủ đúng giờ, hạn chế căng thẳng hay ăn no trước khi ngủ.

Chu vi cổ có liên quan như thế nào đến chứng ngưng thở khi ngủ?

Một chu vi cổ lớn có liên quan đến tăng nguy cơ mắc OSA. Chu vi cổ có thể tương quan với OSA tốt hơn BMI. Trong một nghiên cứu, các đối tượng mắc OSA có chu vi cổ lớn hơn 4 cm so với các đối tượng không có OSA. Ngoài ra, chu vi cổ từ 40cm trở lên có độ nhạy 61% và độ đặc hiệu 93% đối với OSA, bất kể giới tính của người đó.

11. Các hình ảnh về hội chứng ngừng thở khi ngủ 

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-6

Ngủ ngáy là dấu hiệu của hội chứng ngừng thở khi ngủ

hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-la-gi-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-som-tranh-nguy-co-tu-vong-7

Hình ảnh hội chứng ngừng thở khi ngủ

Trên đây là những thông tin tổng quát về hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì và những vấn đề liên quan. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm