pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội chứng rubella bẩm sinh: Sống chung cùng rubella bẩm sinh bằng cách nào?
Hội chứng rubella bẩm sinh được định nghĩa là các bất thường bẩm sinh xảy ra ở trẻ có người mẹ bị nhiễm rubella khi mang thai. Nếu rubella là bệnh truyền nhiễm lành tính thì hội chứng rubella bẩm sinh lại vô cùng nguy hại đối với trẻ.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh có thể thải ra một lượng lớn virusrubella từ dịch tiết cơ thể trong thời gian là một năm. Do đó, nhiều khả năng sẽ gây ra dịch bệnh lớn. Nguy hiểm hơn, đối với những trẻ sơ sinh sống sót qua thời kỳ nằm trong bụng mẹ, khi sinh ra có thể phải đối mặt với các nguy cơ khuyết tật như điếc, tăng nguy cơ chậm phát triển và các bệnh tự miễn.
1. Trẻ bị rubella bẩm sinh có chữa được không?
Các bác sĩ cho biết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh rubella cũng như hội chứng rubella bẩm sinh. Vì thế, các phương pháp điều trị bệnh chỉ tập trung xử trí những biến chứng của căn bệnh này gây ra.
Nếu trẻ bị biến chứng thần kinh do rubella bẩm sinh cần có sự can thiệp y học, hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Các biến chứng thần kinh trẻ có thể gặp phải là tự kỷ, giận dữ, tự gây thương tích, bốc đồng... Đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ mắcrubella bẩm sinh và nghi ngờ bị biến chứng cần được định kỳ kiểm tra các biểu hiện tâm thần và can thiệp sớm để cải thiện kết quả.
Đối với những trẻ có mẹ bị mắc rubella trong thời gian mang thai, cần phải đánh giá hành vi của trẻ vì trong một số trường hợp, trẻ không có những dấu hiệu rõ ràng khi bị biến chứng thần kinh do rubella bẩm sinh.
Tương tự, với những biến chứng về mắt và tim mạch, cần có sự can thiệp sớm và kịp thời của y học để ngăn ngừa các tình huống xấu xảy ra.
2. Sống chung cùng rubella bẩm sinh
Như vậy, hội chứng rubella bẩm sinh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm nhưng lại không có thuốc đặc trị. Vậy làm gì để sống chung cùng rubella bẩm sinh?
Các bác sĩ cho biết thời gian 3 tháng đầu thai kỳ là thời gian nguy hiểm nhất khi nhiễm rubella ở người mẹ, do virus rubella từ máu của mẹ chuyển qua nhau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của căn bệnh này. Đáng chú ý là loại virus này có khả năng phá hủy hay làm chậm sự phát triển của phôi thai và đây là nguyên nhân gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Theo các thống kê, với những bà mẹ mắc rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh lên tới 50%-80%. Vì thế, người mẹ cần chủ động theo dõi y tế và trao đổi với bác sĩ để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp bất khả kháng, các bác sĩ có thể chỉ định dừng thai kỳ để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Nếu bà mẹ mắc rubella trong 3 tháng giữa thai kỳ, nguy cơ bé bị các dị tật còn khoảng 10%-30%. Lúc này, người mẹ và thai nhi cần sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ qua hình ảnh siêu âm cũng như các xét nghiệm cần thiết để tránh những rủi ro khi sinh ra khi bị mắc rubella bẩm sinh.
Hội chứng rubella bẩm sinh rất nguy hại cho thai nhi mà không có thuốc đặc trị nên cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và phòng tránh hội chứng này là tiêm phòng rubella trước khi mang thai.
Theo đó, với những phụ nữ có dự định sinh con muốn tiêm ngừa sởi quai bị rubella trước khi mang thai cần các bác sĩ chuyên khoa tư vấn thực hiện xét nghiệm huyết thanh để kiểm tra miễn dịch trước khi tiêm chủng. Nếu đã có kháng thể đối với bệnh rubella thì sẽ không cần tiêm phòng vì đây là kháng thể có khả năng miễn dịch suốt đời.
Ngược lại, với những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch hoặc đã từng tiêm phòng nhưng miễn dịch không hiệu quả, sẽ được các bác sĩ tư vấn tiêm phòng vắc - xin với lịch chủng ngừa phù hợp.
Ngoài ra, mọi người cần báo cho cơ quan y tế địa phương các ca sốt phát ban nghi rubella và ca nghi Hội chứng rubella bẩm sinh. Thực hiện cách ly các ca nghi mắc tại cơ quan, trường học và bệnh viện. Những người phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc với những người nghi mắc và đã mắc rubella để đảm bảo an toàn cho thai nhi.