pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội phụ nữ các cấp phát huy vai trò trong xây dựng Nông thôn mới
Ông Phạm Thái Hưng, chuyên gia phản biện độc lập của UN Women, tham luận tại hội thảo. Ảnh PVH
Ngày 20/8, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương và bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, chủ trì Hội thảo tham vấn giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của Hội LHPNVN trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Hiện nay, Bộ NN và PTNT đã xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ. Trong đó có một số nội dung nổi bật liên quan tới bình đẳng giới như nội dung số 6: "Tăng cường các giải pháp bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội ". Dự thảo đề cập vấn đề "bạo lực trên cơ sở giới" - đây là cơ sở cho tiếp cận rộng hơn về phòng chống các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái mà không chỉ giới hạn ở phạm vi bạo lực trong gia đình.
Đặc biệt, giao Hội LHPNVN chủ trì và hướng dẫn thực hiện nội dung 06 về "Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội".
Tại hội thảo, ông Phạm Thái Hưng và nhóm nghiên cứu độc lập của UN Women nêu ra những cản trở đối với thực thực hiện bình đẳng giới trong Nông thôn mới. Cụ thể, lồng ghép giới còn chưa đầy đủ; chưa được quan tâm trong cơ cấu và nguồn nhân lực của bộ máy quản lý công tác xây dựng Nông thôn mới. Mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính "chuyên đề hép" chưa phải vấn đề xuyên sốt chính là hạn chế cho việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới.
Đặc biệt, theo ông Phạm Thái Hưng, phụ nữ tham gia hạn chế trong công tác xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nên chưa phát huy được tiếng nói; thiếu các tiêu chí hoặc chỉ tiêu khác có thể giải quyết được vấn đề giới cũng như thiếu ngân sách cho các hoạt động liên quan đến binh đẳng giới…
Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, khi xây dựng các hướng dẫn thực hiện Chương trình, cần làm rõ các nội dung về lồng ghép giới sẽ được triển khai như thế nào, ai chịu trách nhiệm, ngân sách cụ thể ra sao? Cùng với đó, tăng cường vai trò của Hội LHPNVN trong tổ chức thực hiện Nông thông mới.
Tăng cường sự tham gia trong chính sách, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, Hội LHPN Việt Nam cần chủ động tổng hợp thông tin phản hồi từ cấp Hội phụ nữ các địa phương và chủ động trao đổi với các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách.
Đồng thời chủ động kiến nghị các chính sách, đề xuất kinh phí, ngân sách thực hiện Chương trình. Khi chính sách được ban hành, cần tăng cường tuyên truyền đến hội viên để hiểu rõ các nội dung của chính sách và tích cực thực hiện.
Ông Trần Anh Dũng, đại diện Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đề xuất nội dung bình đẳng giới trong xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn 2021 – 2025, ông Trần Nhật Lam, đại diện Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết: Tại dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã đề xuất các chỉ tiêu bắt buộc liên quan đến bình đẳng giới như: Chỉ tiêu "Tỷ lệ lao động quà đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ", áp dụng đạt cho cả nam và nữ chuẩn chung là từ 20% trở lên.
Chỉ tiêu "18.6. Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội"…
Cùng với đó, ông Trần Nhật Lam cũng đề xuất Hội phụ nữ các cấp phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới; trong đó tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu do phụ nữ quản lý, cũng như các phong trào phụ nữ giúp nhau chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em; tăng liên kết các tổ chức khác để thu hút chị em phụ nữ tham gia phát triển kinh tế nông thôn; vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia đào tạo, tập huấn nghề, nâng cao trình độ sản xuất; hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, khởi nghiệp nông thôn, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường…