pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 vấn đề thực hiện bình đẳng giới xây dựng trong Nông thôn mới
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương (thứ 4 từ trái sang) trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh PVH
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương cho rằng: Khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ gần đây. Trong đó, với 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của Chương trình.
Tuy vậy, các tổ chức quốc tế đã chỉ ra những khoảng cách về giới ở nông thôn Việt Nam, nghiêm trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, và ở nhiều khía cạnh lao động, việc làm, sở hữu tài sản, và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Đáng quan ngại là nổi lên một số vấn đề cấp thiết, gây bức xúc trong dư luận xã hội liên quan đến các hình thức bạo lực giới, mua bán người, di cư lao động, môi trường sống không an toàn...
Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, Chương trình vẫn chưa có tác động rõ nét giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, đảm bảo sự tham gia chủ động và bình đẳng của phụ nữ trong các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do bình đẳng giới chưa được lồng ghép vào trong thiết kế và các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình. Vấn đề giới mới chỉ được đề cập đến ở một trong 49 chỉ tiêu xã nông thôn mới và do đó trở thành một vấn đề có tính chuyên đề hẹp (chỉ tiêu 18.6). Trong khi đó, giới là một vấn đề kinh tế-xã hội với nhiều khía cạnh, nhiều chiều.
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cũng bày tỏ băn khoăn với 3 vấn đề về bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể:
Thứ nhất, Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới vẫn chưa xác định thực hiện bình đẳng giới là một trong những mục tiêu của xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025, điều này dẫn đến việc bất bình đẳng giới ở khu vực nông thôn sẽ khó có thể được giải quyết.
Thứ 2, giới tiếp tục được tiếp cận dưới góc độ một vấn đề mang tính chuyên đề hẹp, giới hạn ở trong tiêu chí 18.6. Trong khi đó, vấn đề bất bình đẳng giới chỉ có thể giải quyết được một cách căn bản khi có các biện pháp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, lao động việc làm…
Thứ 3, cần có sự thay đổi trong cơ chế phân bổ ngân sách (ở tất cả các cấp) để đảm bảo thực hiện các nội dung mà Hội LHPNVN chủ trì, hướng dẫn.
Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra những cản trở đối với thực thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời cũng đưa ra các khuyến nghị, trong đó đề xuất Hội LHPNVN tăng cường sự tham gia trong chính sách, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; chủ động tổng hợp thông tin phản hồi từ cấp Hội phụ nữ các địa phương và chủ động trao đổi với các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách.
Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu do phụ nữ quản lý, cũng như các phong trào phụ nữ giúp nhau chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em; tăng liên kết các tổ chức khác để thu hút chị em phụ nữ tham gia phát triển kinh tế nông thôn; vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia đào tạo, tập huấn nghề, nâng cao trình độ sản xuất; hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, khởi nghiệp nông thôn, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường…
Tham gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của Hội LHPNVN, đã có hơn 15 ngàn hoạt động ở cấp xã; hơn 3.500 Chi hội phụ nữ thực hiện "5 không, 3 sạch" xây dựng Nông thôn mới tại 40 tỉnh thành. Đến nay, gần 11 triệu gia đình đạt "5 không, 3 sạch".
Trung bình hằng năm, các cấp Hội giúp trên 90 ngàn hộ thoát nghèo. Hỗ trợ vốn cho phụ nữ với tổng dư nợ gần 100 ngàn tỷ đồng; vận động hơn 11 triệu phụ nữ tham gia tiết kiệm; đào tạo, phối hợp đào tạo nghề cho hơn 1,4 triệu lao động nữ…