Hồi phục ngoạn mục nhờ 'quy trình báo động đỏ' điều trị đột quỵ

18/09/2016 - 20:03
Đến bệnh viện khám trong tình trạng đau tai vào những ngày giữa tháng 9, ông Nguyễn Văn Liên* (59 tuổi) bỗng bị liệt nửa người, choáng váng, không nói được... Ngay lập tức, ông được chuyển đến khoa cấp cứu.
Ngày 18/9, ThS.BS Nguyễn Bá Thắng, Phó khoa Nội thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tình trạng của bệnh nhân Liên là triệu chứng điển hình của đột quỵ, vì vậy bệnh nhân đã được chuyển ngay đến khoa cấp cứu.

Quy trình báo động đỏ về đột quỵ được khởi động với sự tham gia tổng lực của các y, bác sĩ khoa cấp cứu, đơn vị đột quỵ khoa Thần kinh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, phòng DSA và ê kíp y, bác sĩ can thiệp mạch máu não. Bệnh nhân Liên đã được khám, chụp cắt lớp vi tính chỉ trong vòng 30 phút và được chích thuốc thông mạch ngay sau đó.

Cũng theo chia sẻ của BS Thắng, sau chích thuốc, tình trạng sức khoẻ của ông Liên tiến triển, hồi tỉnh, phục hồi một phần sức cơ tay, chân, nhưng qua hình ảnh chụp cắt lớp mạch máu, nhận thấy động mạch tắc rất lớn, khó để có thể thông lại hoàn toàn với thuốc chích tĩnh mạch, vì vậy ê kíp cấp cứu đột quỵ đã quyết định chuyển người bệnh vào phòng can thiệp để dùng dụng cụ thông mạch triệt để.

Toàn bộ quy trình cấp cứu được hoàn tất chưa tới 3 giờ kể từ lúc phát bệnh. "Bệnh nhân hồi phục ngoạn mục ngay sau đó và 24 giờ sau hoàn toàn trở lại bình thường. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ kiểm tra sau đó không còn thấy một dấu vết nào của cơn đột quỵ. Sức khoẻ của bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện”, BS Thắng chia sẻ.
14352139_1109258759123894_770691007262494158_o.jpg
 Quy trình báo động đỏ giúp ông Liên hồi phục ngoạn mục
BS Thắng cho biết, người bệnh đột quỵ cấp thường nhập viện muộn; tỉ lệ người bệnh nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát tại BV Đại học Y Dược TP.HCM chỉ chiếm khoảng 5%, vì vậy gây khó khăn lớn cho bác sĩ trong việc điều trị và để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân.

Để việc điều trị đột quỵ được hiệu quả, BS Thắng khuyến cáo, khi xảy ra đột quỵ, việc xử lý tại nhà chỉ cần đảm bảo người bệnh không bị ngã chấn thương, không bị nghẹt thở do đồ ăn hoặc đàm dãi ứ trong mũi miệng, sau đó đưa ngay tới BV gần nhất để được xử lý.

“Người bệnh đột quỵ thiếu máu não chỉ điều trị được tốt trong “thời gian vàng” là 3 giờ đầu tiên kể từ lúc phát bệnh, hoặc không được quá 6 giờ. Tuyệt đối không áp dụng các phương pháp “cấp cứu” truyền thống như cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay, đắp thuốc dưới chân… bởi điều này vừa làm mất thời gian và đôi khi còn làm hại người bệnh”, BS Thắng lưu ý.

*Tên bệnh nhân đã thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm