'Hơi thở của quỷ' có thể đã vào Việt Nam

13/12/2015 - 15:34
Scopolamine hay 'hơi thở của quỷ', được mệnh danh là 'loại thuốc đáng sợ nhất trên thế giới' bởi khi hít phải chúng, nạn nhân sẽ nhanh chóng bị thôi miên.
Năm 2013, một số người tại chùa Kỳ Quang (Đức Trọng, Lâm Đồng) vì thấy hoa đẹp nên một người có hái khoảng hai chục bông loa kèn nói trên nhúng ăn thử trong bữa lẩu chay tại chùa. Các nạn nhân ngộ độc lúc đó cho biết 5 người ngồi chung bàn ăn, một người không dùng món lẩu có hoa loa kèn thì không bị ngộ độc. Những người ăn lẩu sau 10 phút xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, nôn ói, mất kiểm soát, đều phải nhập viện điều trị.

Năm 2011, bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng mê sảng, xuất hiện ảo giác mạnh, không kiểm soát được hành vi. Sau khi được cấp cứu, người này cho biết do thấy hoa loa kèn mọc trong rẫy đẹp nên đã… ngửi thử xem có mùi thơm hay không.

Trên các trang xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi hoa loa kèn được trồng và cắm phổ biến ở Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra, loại cây độc như vậy, sao không phá bỏ mà lại để người dân trồng tràn lan như thế. 'Nếu các nhà khoa học trồng để nghiên cứu thì phải có cấp phép và được quản lý chặt chẽ - tài khoản Nguyễn Việt Hà viết.

Giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả cuốn "Từ điển cây thuốc Việt Nam", khẳng định Borrachero chính là cây cà độc dược cảnh ở Việt Nam, một số địa phương gọi là hoa loa kèn. Cây có tên khoa học Brumansia Suaveolens (Wild), thuộc họ cà Solanaceae. Cây này gốc ở Mexico và Peru, được nhập về trồng ở Đà Lạt, Nghệ An.

Năm 2014, dược sĩ Phan Minh Hiển, Đại học Y Dược TP HCM, từng thực hiện một công trình nghiên cứu để tìm hiểu về thành phần hóa học của hoa loa kèn. Kết quả phân tích, chiết xuất cho thấy trong hoa loa kèn có chứa chất gây ảo giác Scopolamine. Chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất Scopolamine của hoa loa kèn, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.

Tiến sĩ Võ Văn Năm, Phó trưởng Bộ môn Dược Liệu, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thêm hoa loa kèn độc có nhiều màu sắc khác nhau: Đỏ, cam, vàng, trắng. Loại cây này được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn... Nó được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram.

Hiện tại, ở Việt Nam, cơ quan chức năng cho biết, đã xảy ra một số vụ đánh thuốc mê để trộm, cướp tài sản. Nhưng cơ quan điều tra chưa thấy các đối tượng tội phạm sử dụng thuốc “hơi thở của quỷ” rồi sai khiến nạn nhân như báo chí nước ngoài từng mô tả. Tuy nhiên, khi gõ từ khóa "Scopolamine thôi miên" để tìm kiếm trên Google, người dùng có thể dễ dàng biết được nhiều địa chỉ rao bán loại dược chất này.
Các loại hoa loa kèn có độc

Chất Scopolamine, chiết xuất từ cây Borrachero (hay còn gọi là cây hơi thở của quỷ), xuất xứ từ Colombia, được bọn tội phạm dùng để vô hiệu hóa các nạn nhân cho mục đích hãm hiếp, cướp giật…
 
Theo các tài liệu, khi hít chúng hoặc uống phải độc chất từ cây này, nạn nhân sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái vô thức, bị thôi miên và làm theo sự sai khiến của người khác. Nguy hiểm nhất là chất này không có màu hay mùi vị nên rất khó đề phòng.

Trong y học, scopolamine cũng đã giúp nhiều phụ nữ vượt qua cơn đau giằng xé khi sinh đẻ. Những ca đỡ đẻ năm 1960, nhiều nơi bác sĩ đã sử dụng chất này để giúp sản phụ đỡ đau đớn hơn mà vượt cạn một cách dễ dàng. Nhưng từ năm 1970, chất này không được phép sử dụng vì nó được cho là gây mất trí nhớ cho bà mẹ và tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cho các em bé.

Tại Mỹ, Scopolamine được dùng làm thuốc chống nôn hoặc dùng như liều phụ trợ cho cai nghiện thuốc lá. Trước đó, nó được chỉ định để điều trị hàng loạt các loại bệnh, bao gồm chứng mất ngủ nhưng đến năm 1990, FDA cấm sử dụng nó trong toa thuốc ngủ.

Cô gái hoàn toàn mất ý thức sau khi hít 'hơi thở của quỷ'. Nguồn: Sputnik

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm