Hơn 100 học trò gọi cô giáo khuyết tật là 'mẹ'

18/04/2019 - 11:37
Bị bệnh tim và có tới 4 quả thận, đôi chân chỉ lết mà không đi được nhưng chị Phạm Thị Lý (thôn Đỗ Xá, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã khiến cuộc sống của mình vui và ý nghĩa khi hơn 10 năm nay trở thành cô giáo tại gia, dạy miễn phí cho hơn 100 trẻ em trong làng.

Từ nhỏ, Lý đã học giỏi và có mơ ước trở thành cô giáo. Thế nhưng, chuẩn bị tốt nghiệp THPT, căn bệnh tim bẩm sinh của chị tái phát, phải nhập viện cấp cứu. Trải qua ca phẫu thuật, tim của chị được cứu nhưng biến chứng sau ca mổ là đôi chân bị teo tóp, không đi được. Đi lại trong nhà, chị dùng 2 tay thay đôi chân để lết người đi.

Bố mẹ mất trước khi bệnh tim của chị tái phát nên hầu như một mình chị phải xoay sở cho cuộc sống. Từ chỗ không tự chủ được vệ sinh cá nhân, chị chấp nhận, thích nghi với khuyết tật của mình và có thể làm mọi việc.

Với khó khăn trong việc đi lại, hơn nữa chị cũng chưa được đào tạo qua ngành sư phạm nên có nằm mơ chị cũng không nghĩ có ngày mình lại trở thành cô giáo, dù đó là cô giáo không đứng trên bục giảng. Thời điểm ấy, những ngày ở nhà rảnh rỗi, chị kèm cho 1 bé vừa vào lớp 1 của người quen. Sự tiến bộ của bé đã khiến nhiều người trong làng, trong xã dẫn con cháu đến nhờ chị Lý dạy hộ. Lớp học ban đầu chỉ 1-2 học sinh, vậy mà có những lúc đông lên đến 20 cháu.

 

co-ly.jpg
Cô giáo khuyết tật Phạm Thị Lý tìm niềm vui từ những đứa trẻ trong làng 

 

Học sinh của chị Lý học từ lớp 1 đến lớp 5. Ở trong lớp học, cô giáo khuyết tật “xoay như chong chóng” khi lết hết chỗ nọ đến chỗ kia để giảng toán cho nhóm này, bày tiếng Việt cho nhóm khác, sửa từng nét chữ cho các em lớp 1. Đến nay, sau hơn 10 năm uốn nắn các em, cô giáo Lý đã có hơn 100 học sinh. Chúng đều gọi cô giáo tại gia là bác Lý, mẹ Lý.

 

lop.jpg
Lớp học của cô giáo Phạm Thị Lý gồm các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5

 

Chia sẻ về công việc của mình, cô giáo Lý cho biết: “Nói là dạy học nhưng tôi chủ yếu kèm các cháu làm bài cô giáo về nhà và chuẩn bị cho bài hôm sau đến lớp. Khi gặp những bài khó, tôi thường hỏi chị gái, bạn bè cũng là giáo viên tiểu học hoặc tôi đọc lại trong sách”.

Dù không có công việc ổn định để có thu nhập, dù hàng tháng vẫn phải lên bệnh viện lấy thuốc uống duy trì huyết áp ở mức ổn định, thế nhưng khi các phụ huynh ngỏ ý gửi tiền học, chị Lý kiên quyết không lấy. Chị cho biết, chị có tiền trợ cấp cho người tàn tật hơn 1 triệu đồng, tiền thuốc không mất, với chị, thế là đủ. “Tôi phải cảm ơn các con nhiều hơn vì các con là người truyền động lực cho tôi để tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và vui hơn. Trước đây, khi chưa dạy học, cuộc sống của tôi buồn, ảm đạm, hay ốm đau hơn, thậm chí không ngủ được vì cả ngày không có việc gì làm. Từ khi có các em học sinh, tôi không có lúc nào một mình”, cô giáo khuyết tật chia sẻ.

 

co-giao-pham-thi-ly.jpg
Người phụ nữ dù không có đôi chân lành lặn, có 1 trái tim yếu và thừa tới 2 quả thận nhưng luôn lạc quan với cuộc sống của mình

 

Có 3 đứa con, chị Nguyễn Thị Sâm (thôn Đỗ Xá, thị trấn Yên Mỹ) đều gửi nhờ cô giáo Lý kèm cặp. Đứa thì gọi cô Lý bằng bác, đứa gọi bằng mẹ. “Bác Lý rất sát sao các cháu nên bố mẹ vô cùng yên tâm. Ở nhà bố mẹ mắng con nhưng không bằng bác nói một lời. Từ đứa lớn đến đứa bé cứ đi học về thì lại sang nhà bác Lý”, chị Sâm kể.

Cô giáo Lý sống một mình nhưng lúc nào cũng bận rộn với những đứa trẻ lỡ cỡ. Chị Nguyễn Thị Phàn, hàng xóm của chị Lý, có chồng đi làm ăn xa liền góp gạo thổi cơm chung với cô giáo làng đơn thân. Từ ngày có chị Lý, bữa cơm nhà chị xum vầy hơn, không thất thường bữa nấu bữa không như trước. Không chỉ có vậy, 3 con nhỏ của chị Phàn cũng được chị Lý chăm sóc, dạy học như con đẻ của mình.

Người phụ nữ không có đôi chân lành lặn, có một quả tim yếu và thừa tới 2 quả thận nhưng luôn lạc quan với cuộc sống của mình. “Mình phải biết đâu là đủ và đâu là bằng lòng. Nếu so với người bình thường mình cảm thấy bất hạnh nhưng so với những người cùng cảnh ngộ thì mình may mắn hơn nhiều người. Mình nhìn vậy để thấy những người khổ hơn mình, để luôn cố gắng và cố gắng hết mình. Ai trong bước đường cùng cũng sẽ tìm ra lối thoát cho cuộc đời của mình”, cô giáo khuyết tật Phạm Thị Lý chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm