Hơn 83 triệu người có thẻ BHYT bị tác động thế nào khi giá dịch vụ y tế tăng?

08/02/2019 - 13:37
Giá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc được điều chỉnh tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, với khoảng trên 83 triệu người có thẻ BHYT có thể yên tâm vì sự tác động này không lớn.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, năm 2018, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới như quy định về giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, nhóm đối tượng tham gia BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT…

 

Kết quả nổi bật nhất trong năm qua, đối tượng tham gia BHYT có sự tăng trưởng. Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 12/2018, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: “Đặc biệt, việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT luôn được thực hiện tốt. Bằng việc ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong cả nước từ Trung ương đến địa phương, đã góp phần bảo đảm tốt việc khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT”.

 

Cụ thể, chỉ trong năm 2018, ngành đã thực hiện chi khám chữa bệnh BHYT cho trên 177,6 triệu lượt người với kinh phí 99.864 tỷ đồng. Hàng ngàn người được quỹ chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng, đặc biệt, có những bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

ong-pham-luong-son-ptgd-bhxh-viet-nam.jpg
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn

 

Đặc biệt, trong bối cảnh giá dịch vụ khám chữa bệnh có sự điều chỉnh, thì BHYT càng có ý nghĩa với người dân, đặc biệt với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 39 (có hiệu lực 15/1/2019) thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Sự điều chỉnh này do mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng từ tháng 7/2018, nên giá dịch vụ y tế có tính chi phí tiền lương nên các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như tiền khám bệnh, phẫu thuật, tiền giường bệnh... sẽ tăng thêm khoảng 10%.

 

Theo đó, tiền khám bệnh tại các tuyến tăng dao động từ 26.000 - 37.000 đồng/lượt khám. Giá ngày giường điều trị cũng tăng tương ứng, trong đó tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000đ/ngày (cao hơn gần 70.000đ/ngày so với hiện hành). Tại bệnh viện hạng 1, giá giường tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng.

 

Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên 441.000 đồng. Ở bệnh viện hạng 4, giá dịch vụ này là 242.000 đồng, tăng gần 21.000 đồng so với giá cũ.

 

Theo Bộ Y tế, trong khoảng 1.900 dịch vụ được tính giá mới, chỉ các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công mới tăng cao, còn lại các dịch vụ như siêu âm thông thường, chụp cộng hưởng từ... chỉ tăng khoảng 1%.

 

Giá dịch vụ khám chữa bệnh có sự điều chỉnh sẽ tác động tới đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), người nghèo, nhóm đối tượng chính sách được BHYT chi trả 100% sẽ không bị ảnh hưởng do BHYT chi trả 100%. Các đối tượng là người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 2% nên tác động không đáng kể.

 

Trong khi đó, cả nước hiện nay vẫn còn khoảng 11% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu sự tác động nhiều nhất từ đợt điều chỉnh giá dịch vụ lần này.

y-te.jpg
Người dân nên tham gia BHYT nhằm giảm áp lực về chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo cuộc sống bền vững. Ảnh minh họa

 

Quy định về giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc có nhiều thay đổi, tác động tới Quỹ BHYT, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: BHXH Việt Nam kịp thời hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện giao dự toán chi KCB BHYT năm 2018 ngay sau khi có Quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về tình hình quản lý thực hiện BHYT để phối hợp, hạn chế, khắc phục việc lạm dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

 

Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở KCB; hoàn thiện các quy tắc giám định trên Hệ thống thông tin Giám định BHYT; thực hiện giám định theo các chuyên đề đã được cảnh báo trên Hệ thống giám sát; phân tích đánh giá, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT; kiên quyết yêu cầu các cơ sở KCB phải kịp thời chuyển dữ liệu KCB về Cổng thông tin giám định.

 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. 

Ngành BHXH đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 06 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT.

Ngành thực hiện việc đẩy mạnh việc kết nối liên thông dữ liệu với 12.675 cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến tuyến Trung ương trên toàn quốc. Các trạm y tế xã không có kết nối internet thực hiện việc liên thông qua đơn vị ký hợp đồng KCB BHYT. Tỷ lệ liên thông dữ liệu đạt 98,02% (tăng 15,17%), dữ liệu điện tử gửi đúng ngày đạt 62,4% (tăng 26,3%) so với năm trước (riêng tháng 12/2018 đạt 82,06%).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm