Hơn chục năm không Tết và những ngày tháng lay lắt của 2 mẹ con nghèo đi tìm công lý

23/01/2019 - 10:19
“Bao nhiêu năm nay mẹ con cô đâu có khái niệm Tết. Mọi năm thì cô cứ đi quét rác đến 3h sáng thì về, Tết năm nay đau chân nên đi làm thêm ở tiệm phở đầu phố Đội Cấn. Cũng may, ngày Tết họ trả tiền công gấp đôi ngày thường nên còn có cái dành dụm cho em nó đi học”, bà Nguyễn Thị Oanh kể.

Khi mùa xuân đã len lỏi đến từng con phố, Tết đang dần gõ cửa từng nhà thì với mẹ con bà Nguyễn Thị Oanh đó dường như lại là một điều xa lạ. Hơn 10 năm rời bỏ quê nhà để tìm công lý, bà và cô con gái nhỏ chưa một lần được về quê đón Tết.

anh-8.jpg
Căn phòng trọ tồi tàn cuối ngõ của mẹ con bà Oanh.

 

Căn phòng trọ chừng 10 mét vuông của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1962, quê ở Gành Hào, Đông Hải, Bạc Liêu) nằm sâu hun hút trong một con ngõ nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Mới đến đầu ngõ, hỏi nhà bà Oanh thì hầu như người nào cũng biết. Bởi câu chuyện và hoàn cảnh của hai mẹ con người phụ nữ này đã quá đỗi quen thuộc với người dân sinh sống ở con ngõ này. “Sau nhiều năm lang bạt, sống nhờ ở đậu, dặt dẹo khắp các con phố thì mẹ con cô tìm được chỗ này”, cô Oanh mở đầu câu chuyện.

anh-7.jpg
Trong căn phòng chưa đầy 10 mét vuông của 2 mẹ con, bà Oanh kể về những ngày tháng cơ cực.

 Câu chuyện và hành trình hơn 10 năm đi tìm công lý của bà Nguyễn Thị Oanh đã khá quen thuộc trên báo Phụ nữ Việt Nam, dẫu vậy khi nghe bà kể về những ngày tháng lay lắt đến cùng cực trong hành trình đó đã khiến nhiều người xúc động.

Bà Oanh kể, từ năm 2006, sau khi bị cưỡng chế ra khỏi nhà sau bản án ly hôn thiếu thuyết phục của TAND huyện Đông Hải và TAND tỉnh Bạc Liêu bà Oanh và con nhỏ là bé Tô Như Ý (SN 2001) phải sống lang bạt khắp nơi, nay đây mai đó. Hơn chục năm, những lá đơn kêu cứu, đòi lại công lý của bà Oanh được gửi đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Riêng bé Như Ý, đã phải liên tục chuyển trường học vì không có chỗ ở ổn định. “Cháu học lớp 1, 2 ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng lên lớp 3 thì đã phải chuyển ra Hà Nội để học”, bà Oanh kể.

anh-6.jpg
Căn phòng không có thứ gì đáng giá ngoài một tập hồ sơ lên tới hàng trăm trang. Đó là hành trình hơn 10 năm đi kêu cứu của hai mẹ con bà.

 Những năm tháng vất vưởng ở Hà Nội, 2 mẹ con bà Oanh sống dặt dẹo khắp nơi, riêng việc tìm trường học cho con gái cũng đã là một hành trình đáng ngưỡng mộ của người mẹ này. Hàng ngày, bà đi nhặt rác, thu mua đồng nát, tối về hai mẹ con lại vạ vật trong căn phòng trọ cũ kĩ ở xóm nghèo.

Đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, bàn tay chai sạn bởi cả chục năm cầm chổi quét đường, thế nhưng khi kể về cơ duyên đến với nghề quét rác đêm, bà Oanh lại toát lên niềm vui. Bởi có lẽ, nghề quét rác đêm là cứu cánh duy nhất để 2 mẹ con bà bám trụ lại thành phố, nhen nhóm những hy vọng đòi lại được tài sản mà lẽ ra vốn thuộc về mẹ con bà. Bà kể, thấy thương hoàn cảnh của bà, nhiều công nhân vệ sinh giới thiệu bà vào làm thuê quét rác đêm. “Ngày trước quét cả đoạn đường dài cũng chỉ được có 10 nghìn đồng. Còn giờ thì cao hơn rồi. Cô đi quét từ 4h chiều tới 4h sáng được 250 nghìn đồng”, bà Oanh nói.

anh-5.jpg
Chiếc mũ bảo hộ cũ kỹ và cái chổi tre - hai thứ đã nuôi mẹ con bà suốt nhiều năm nay.

 Có lẽ chính vì bám đường, quét rác nên sau 10 năm ở Hà Nội, bà Oanh từ một phụ nữ quê tận miền Tây xa xôi giờ đã thông thuộc mọi ngóc ngách, những con phố nhỏ Hà Nội như trong lòng bàn tay.

Bà kể, mỗi lần đi quét rác đêm bà đành phải khóa ngoài cửa phòng trọ và để con gái nhỏ ngủ một mình trong đó. “Ngày đó, cháu còn quá bé, 4h sáng cô về gọi cửa mãi mà nó cứ ngủ và không biết mẹ về. Gọi to thì sợ phiền hàng xóm, thế nên cô cứ khóa cửa ngoài cho an toàn và chủ động. Thương nó, suốt bao nhiêu năm gần như chả có hơi ấm của mẹ. Mẹ đi làm khi con đi học chưa về, còn khi mẹ về thì con lại chuẩn bị dậy đi học ngày mới”, bà Oanh gạt nước mắt nói.

“Tết năm nay cô có về quê không?” – Tôi hỏi.

“Không chỉ Tết này mà cả chục năm nay mẹ con cô làm gì có Tết. Tiền đâu mà về quê hả cháu. Tiền ăn hàng ngày, tiền học của con bé đã là quá sức lắm rồi. Những năm trước, Tết cô đi quét rác như bình thường. Đêm giao thừa toàn 3-4h sáng mới về. Tết năm nay đau chân nên đi làm thêm ở tiệm phở đầu phố Đội Cấn. Cũng may, ngày Tết họ trả tiền công gấp đôi ngày thường nên còn có cái dành dụm cho em nó đi học…”, bà Oanh nói.

anh-3.jpg
"Mẹ con cô làm gì có Tết" - bà Oanh nghẹn ngào nói khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà.

 Kể về chuyện học của con, bà Oanh chia sẻ, thấy hoàn cảnh của Ý đặc biệt nên các cô giáo ở trường hỗ trợ hết sức. Từ tiền học phí đến các chi phí khác của cháu ở trường đều được các thầy cô giáo ở trường hỗ trợ, miễn giảm.

Chiều mùa đông càng thêm lạnh khi gió mùa đang về, khi mọi người kết thúc một ngày làm việc để về nhà thì bà Oanh lại tất bật chuẩn bị cho công việc quét rác của mình. Người phụ nữ nghèo khó vớ lấy chiếc mũ bảo hộ cũ kỹ, cầm chiếc chổi tre và lên đường khi trời nhá nhem tối và gió rít từng cơn.

Lại thêm một cái Tết nữa, mẹ con bà Oanh vẫn lang bạt ở nơi xa xứ để hy vọng và chờ đợi.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm