Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Ước vọng ấm no của người Xê Đăng từ lời hát ru

29/10/2021 06:38
Thiếu nữ Xê Đăng

Thiếu nữ Xê Đăng

Không chỉ là lời ru dịu êm, bài dân ca "Ru em" của người Xê Đăng ở Tây Nguyên còn gửi gắm ước vọng về một cuộc sống ấm no giữa núi rừng gian khó.

Người Xê Đăng là một trong những chủ nhân của đại ngàn Tây Nguyên. Nhắc đến người Xê Đăng, người ta thường nhớ về những điệu múa bốc lửa. Múa đón khách hay múa giữa rẫy đã trở thành "đặc sản" của người Xê Đăng ở Kon Tum. Đôi khi người ta nghĩ đến câu chuyện về ông Duông (Sử thi Đăm Duông) trong những đêm dài.

Đó là những bản sắc của người Xê Đăng vốn đậm chất "văn minh lúa rẫy". Thế nhưng đôi khi chúng ta quên rằng, cộng đồng với khoảng 200 nghìn người này còn rất nổi tiếng với bài dân ca Ru em. Bài dân ca này đã dịch ra tiếng Việt và được thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ gạo cội, trong đó có NSND Thanh Hoa, NSƯT Thanh Hòa. Ngoài ra, còn nhiều ca sĩ như Xuân Mai, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng thể hiện thành công khúc hát ru của núi rừng Tây Nguyên này.

Bản tiếng Việt bài Ru em có 10 câu mở ra một bức tranh sinh hoạt đặc trưng của người miền núi. Người mẹ đi chặt cây chuối rừng, cha đi hái măng. Còn người chị ở nhà giữ em và hát ru bé ngủ. Khung cảnh thật êm dịu. Một nét trầm bên những nhộn nhịp của các vũ điệu bốc lửa. Người chị ru rằng: Em ơi em, em ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi chặt cây chuối nơi xa. Em bé có thể đang quấy khóc đòi mẹ. Bé khát sữa, đói hoặc đơn giản chỉ là nhớ mẹ. Còn người chị cũng tỏ ra dịu dàng lắm. Chị vỗ về và "khuyên" em hãy chìm vào giấc ngủ. Mẹ đang ở "nơi xa", chẳng biết bao giờ thì lại nhà. Còn người cha, cũng đang đi "hái cái măng non".

NSND Thanh Hoa - giọng ca thể hiện thành công bài hát "Ru em" của người Xê Đăng

NSND Thanh Hoa - giọng ca thể hiện thành công bài hát "Ru em" của người Xê Đăng

Điệu hát mở ra một không gian khác, đó là cuộc sống săn bắt hái lượm, vốn dĩ là nền kinh tế tự nhiên truyền thống của nhiều cộng đồng thiểu số, trong đó những người bản địa Tây Nguyên. Sau mùa nương rẫy hay vào mùa mưa, người dân lại lên rừng hái măng, kiếm rau. Cuộc sống như thế không thể nói là nhàn tản dư giả. Họ luôn phải đối mặt với những mối nguy nơi rừng sâu đầy rẫy bất trắc và mối lo thường trực nhất chính là trở về với cái giỏ trống không. Không kiếm được gì nghĩa là cả nhà có thể phải đối mặt với cái đói.

Chính vì thế mà em bé hát rằng: Mong cho mẹ tìm được nhiều ngọn rau non/ Đừng khóc nữa, em ơi. Câu hát cuối ngân lên và nỗi lo âu dường như truyền sang cả những tâm hồn con trẻ. Nhưng kỳ thực đó là "mối lo" của người hát ru.

Hát ru bao giờ cũng vậy, nó đi với những tâm sự dịu êm của người hát truyền đến người nghe là đứa trẻ đang trên tay, đang nằm trong nôi. Chúng ta vẫn nghe điệu à ơi ngọt ngào dễ nghe, dễ ngủ. Và giai điệu của bài dân ca của người Xê Đăng này cũng vậy. Nó ngân lên dịu ngọt. Nhưng ở đó cũng có những điều trắc ẩn mà dĩ nhiên trẻ nhỏ chưa thể thấm nhuần. Chỉ khi lớn lên, trưởng thành hơn rồi mang những câu hát này ru thế hệ sau, người ta mới thấm thía ý nghĩa nhân sinh của ca khúc. Ước vọng về một cuộc sống no đủ được gửi gắm qua bài ru hát du dương, êm dịu. Ước mơ bình dị thôi và cũng gian nan đấy.

Ngày nay, cuộc sống đã đổi thay. Tây Nguyên đã trở nên trù phú hơn với những đồi cà phê, cao su, đường sá thuận tiện khiến người ta có thể dễ dàng bắt một chuyến xe đến tận Thái Lan. Và bài hát có thể cũng đang mang một hàm ý vui tươi hơn, là một khúc hát ru thân thuộc của chị dành cho em lúc cha mẹ vắng nhà. Nhưng nó vẫn nhắc nhở mỗi người không quên đi quá khứ nhọc nhằn vốn chưa phải xa xưa gì.

Dân tộc Xê Đăng có khoảng 200.000 người, cư trú nhiều nhất ở Kon Tum (hơn 100.000 người), tiếp theo là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Người Xê Đăng thường sống quây quần thành từng bản quy tụ quanh nhà rông. Theo truyền thống, phụ nữ Xê Đăng mặc váy có tấm choàng. Đàn ông ưa đóng khố. Người Xê Đăng có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Bà con thích kể sử thi về Duông, một vị thần của cộng đồng. Họ thích vỗ đàn Clông Pút, đánh cồng chiêng và múa hát trong các lễ hội như đâm trâu, mừng nhà rông, lúa mới, mừng giọt nước…


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.