Hồn tôi bến quê neo đậu

18/09/2015 - 14:29
Bài hát ‘Neo đậu bến quê’ như một thước phim của hồi tưởng, ở đó có bãi ngô xanh ngát, gió chiều dịu mát, đàn trâu ngoài đê, con đò, dòng sông… Đó là thước phim được giấu tận sâu nơi đáy lòng của những người con xa quê như một vật báu.

Chị và tôi cách nhau 5 tuổi. Thuở nhỏ, tôi và chị suốt ngày cãi nhau chí chóe, đụng đến chuyện gì cũng có thể cãi nhau được. Thường xuyên dẫn đến cãi vã nhất là chuyện 'xâm phạm' bài hát của nhau. Cứ mỗi lần chị tôi hát, như một phản xạ tự nhiên, tôi lại hát theo; ngược lại, khi tôi hát, chị tôi cũng hát theo. Vậy là thành cãi nhau.

Ngày đó, chị tôi thường hay hát bài Neo đậu bến quê. Giọng chị trong veo, da diết. Sau này lớn lên, biết tác giả, nhạc sĩ An Thuyên cũng là người cùng quê xứ Nghệ với mình thì tự nhiên tôi có cảm giác yêu quý Neo đậu bến quê nhiều hơn. Tôi mặc nhiên gán ghép tình cảm mà ông gửi gắm trong bài hát, cũng chính là tình cảm của mình.

Ngày còn nhỏ, nghe chị tôi hát Neo đậu bến quê, ấn tượng với tôi lúc đó chỉ là những cuộc cãi nhau “nảy lửa” giữa hai chị em. Còn bây giờ, giữa đất khách quê người, khi đắm mình vào mỗi ca từ của Neo đậu bến quê, trong tôi không chỉ gợi nhắc kỷ niệm về người chị gái, mà lớn hơn cả là nỗi nhớ quê cồn cào…

'Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người', một nhà thơ đã viết vậy. Đó như một chân lý đã được khẳng định; bởi lẽ, khi được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng lúa gạo, ngô khoai, tôm cá…, thì làm sao có thể quên được khi những thứ đó đã thấm vào máu. Chủ thể trữ tình trong bài hát Neo đậu bến quê cũng mang tâm trạng vậy. Nhạc sĩ quả thật tài tình khi không đặc tả cụ thể về một người nào đó nhưng qua những ca từ của ông, trong tâm trí người nghe vẫn hiện lên bóng hình của 'người xưa' với công việc đưa đò cần mẫn.

Bài hát mang âm hưởng dân ca của vùng xứ Nghệ từ chất liệu đến giọng điệu, đều được vận dụng một cách nhuần nhuyễn. 'Cây đến thì trổ hoa. Chuyến đò đầy rời bến. Em hát rằng đến duyên. Em lấy chồng năm ấy'.

Không nhớ không thương sao được khi nơi đó, ta có tuổi thơ, có điệu buồn và điệu thương trong lời ru của mẹ, có người em của những cảm xúc chớm yêu ngày đầu… Tất cả đã tạo nên dư âm dư ba trong lòng ta, để dù có đi bốn phương trời, dù có trải qua những trong đục, nhục vinh của dòng đời thì niềm nhớ thương quê vẫn luôn còn đó: 'Lang thang đi bốn phương trời. Nay về sông quê tắm mát. Sông Lam biết khi mô cho cạn. Ðục trong, đục trong nhục vinh hỡi người'.

Những câu cuối trong bài hát, như một lời khẳng định về tình cảm với quê hương: Bao giờ nước sông Lam cạn thì lúc đó, “tình quê hương trong tôi” mới hết. Vì vậy 'tình quê hương trong tôi' vẫn luôn đầy ắp: 'Sông Lam biết khi mô cho cạn. Như tình quê hương trong tôi'.

Neo đậu bến quê của An Thuyên ăm ắp tình quê, tình người. Cảm ơn nhạc sĩ đã sáng tác một bài hát, cũng chính là những lời tri ân tới quê hương; tiếng lòng đó là tiếng lòng chung cho những đứa con vì một lý do nào đó mà không thể gắn bó với quê. Mặc ai chọn neo đậu ở một bến nào đó thì tôi vẫn chọn bến quê làm nơi neo đậu.

Nhạc sĩ An Thuyên (1949-2015) sinh tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ca khúc Neo đậu bến quê được ra đời năm 1993 sau nhiều năm tháng nhạc sĩ An Thuyên đã nếm trải những cay đắng của cuộc đời và chỉ có mong ước nhỏ nhoi được trở về 'neo đậu bến quê'. Ca khúc này từng được rất nhiều tên tuổi lớn của làng nhạc thể hiện như Thu Hiền, Vân Khánh, Quang Linh, Quang Lê. Bên cạnh Neo đậu bến quê, nhạc sĩ An Thuyên còn có nhiều bài hát ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc như Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương, Huế thương, Em chọn lối này, Thơ tình của núi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm