Vừa bước chân đến cổng HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, tôi không khỏi ấn tượng bởi những tiếng kẽo kẹt của thoi đưa nhịp nhàng. Thấy chúng tôi chị Vì Thị Oanh – Phó chủ nhiệm HTX, đồng thời là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình tạm ngưng công việc bên khung cửi, dẫn lên trên nhà sàn – nơi tiếp khách, trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Chị cho biết, với mục tiêu "Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn tỉnh Hòa Bình", ngày 7/8/2009, HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu ra đời dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình và tổ chức JICA (Nhật Bản). Đây được xem là mô hình điểm của toàn tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển, bảo tồn nghề dệt truyền thống trên địa bàn.
HTX Chiềng Châu |
Hợp tác xã (HTX) có 30 thành viên, chủ yếu là nữ. Hướng đến sự chuyên nghiệp hoá, HTX đã xây dựng dây chuyền sản xuất, mỗi nhóm đảm nhận một công đoạn riêng. Thường cứ khoảng 10 chị em lập thành một nhóm, đảm nhận từng phần việc gồm may, dệt và thêu. Tất cả làm việc trong nhà xưởng, đảm bảo về cơ sở máy móc, trang thiết bị. Nếu như trước đây, sản phẩm thổ cẩm chỉ bó gọn trong các sản phẩm may mặc như chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì bây giờ, do nhu cầu của khách, HTX đã có thêm những sản phẩm mới như túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ. Hiện nay, tại HTX đã có nhiều công nhân tay nghề cao, tự thiết kế ra những sản phẩm mẫu mã đẹp đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong sáng tạo sản phẩm, HTX chủ trương kế thừa, phát huy những tinh túy trong hoa văn thổ cẩm truyền thống. Nổi bật trong nghề dệt thổ cẩm ở Chiềng Châu là những mẫu hàng vẫn được làm từ sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm mầu đến dệt vải, đòi hỏi sự kỳ công, máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Dệt thổ cẩm tại HTX |
Thời gian mới thành lập do khó khăn về đầu ra của sản phẩm cùng với việc chưa quen với hình thức làm việc tập trung, theo công đoạn của xã viên nên doanh thu chưa cao. Nhưng với tinh thần học hỏi không ngừng luôn đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu thổ cẩm Hòa Bình cùng với sự giúp đỡ về đầu ra của Liên minh Hợp tác xã, Hội Phụ nữ các cấp đã tìm thêm nhiều mối hàng mới ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khuyến khích sự sáng tạo của chị em, sản xuất những sản phẩm khó theo đơn đặt hàng của khách, ngoài ra còn tham gia nhiều triển lãm sản phẩm hàng thủ công, mỹ nghệ, xây dựng lô gô, mở rộng thị trường tiêu thụ... từ đó giúp cho sản phẩm ngày càng tăng về chất lượng và số lượng, doanh thu tăng lên từng năm, hiện nay doanh thu đạt hơn 2 tỉ/năm; thu nhập của xã viên ổn định, đạt 3 – 3.5 triệu đồng/người/tháng. Từ khi thành lập HTX đến nay đã giải quyết việc làm cho 30 xã viên và 20 phụ nữ trên địa bàn xã không phải là xã viên lúc nông nhàn. Năm 2013, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Điều đó đã đánh dấu một bước quan trọng cho thổ cẩm Mai Châu nói riêng và thổ cẩm Hòa Bình nói chung.
Khu khách đến tham quan gian hàng của HTX |
Tiễn chúng tôi ra về, chị Oanh chia sẻ: “Vải thổ cẩm trên thị trường có rất nhiều loại nhưng mỏng, hoa văn không đẹp. Vải dệt truyền thống dày hơn, hoa văn, họa tiết tinh xảo hơn. Dệt thổ cẩm truyền thống không lãi nhiều vì mất nhiều công sức, nhưng vui vì giữ được nghề truyền thống”.
Trong xu thế phát triển hiện nay, cũng như người Thái ở Mai Châu đã nỗ lực kiên định với mục tiêu giữ nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Phát triển làng nghề truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc vừa nâng cao đời sống của cư dân nông thôn. Tuy nhiên, để nghề thổ cẩm Mai Châu đứng vững trong thời kỳ hội nhập hiện nay, làng nghề cần được hỗ trợ để duy trì và mở rộng sản xuất, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề khác.