pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng dẫn cha mẹ chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm
- 1. Phòng chống tình trạng mất nước khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm
- 2. Cho trẻ ăn đúng cách khi bị ngộ độc thực phẩm
- 3. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc để điều trị ngộ độc thực phẩm cho trẻ
- 4. Nghỉ ngơi nhiều tốt cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm
- 5. Phòng chống lây bệnh từ trẻ sang cho người lành
- 6. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu cần thiết
Khi ngộ độc thực phẩm xảy ra, trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn và dễ tổn thương hơn so với người lớn. Điều này cũng khiến ngộ độc thực phẩm ở trẻ em dễ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, vấn đề chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm đúng cách lại càng phải được quan tâm nhiều hơn để đảm bảo an toàn và bình phục nhanh chóng hơn. Vậy làm thế nào để chăm sóc trẻ bị ngộ độc đúng cách?
1. Phòng chống tình trạng mất nước khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Chúng ta cần biết, nôn mửa và tiêu chảy là những nguyên nhân chính gây nên mất nước và thất thoát điện giải ở người bị ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, trẻ em (đặc biệt là trẻ càng nhỏ tuổi) có tỷ lệ nước ở trong cơ thể lại càng cao. Vì thế, nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trẻ em thì mất nước và điện giải dễ dàng hơn rất nhiều so với người lớn.
Tình trạng mất nước ở trẻ có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau chẳng hạn như trẻ khát nước, háo nước, bú nhiều hơn bình thường, đi tiểu ít, đi tiểu sẫm màu...
Do đó, khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm cần phải đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu mất nước và điện giải để có thể tiến hành bù nước, điện giải đúng cách.
Đối với các trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé bú nhiều lần hơn trong một ngày để giúp bù nước cho trẻ. Còn đối với các trẻ lớn đã có khả năng uống hiệu quả thì nên cho trẻ uống bổ sung các loại chất lỏng (nước lọc thông thường, nước hoa quả pha loãng, nước dừa, nước gạo rang...), hoặc các thực phẩm có chứa nhiều nước (cháo, súp, nước canh...) để bổ sung nước và điện giải cho trẻ. Nếu cần thiết thì có thể sử dụng dung dịch bù nước và điện giải Oresol cho trẻ.
* Một số lưu ý khi sử dụng dung dịch Oresol khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm:
- Pha dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng, chỉ pha bằng nước nước lọc với đúng thể tích khuyến cáo, không chia nhỏ gói Oresol thành nhiều lần pha...
- Dung dịch Oresol chỉ nên dùng trong vòng 24h sau khi pha, nếu sau 24 mà không sử dụng hết thì cần đổ bỏ và pha mới.
- Cho trẻ uống Oresol theo đúng liều mà bác sĩ đã khuyến cáo.
- Nếu trẻ bị nôn khi uống Oresol thì nên chờ khoảng 2-3 phút sau đó mới cho trẻ uống lại. Hoặc nếu trẻ không thể uống được, luôn nôn sau khi uống thì cần nhanh chóng lựa chọn sử dụng các loại nước khác để giúp trẻ bù nước.
- Đối với trẻ nhỏ, sử dụng thìa hoặc bơm tiêm có thể giúp cha mẹ cho trẻ uống Oresol dễ dàng hơn.
2. Cho trẻ ăn đúng cách khi bị ngộ độc thực phẩm
Trong chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm, vấn đề cho trẻ ăn đúng cách cũng là một vấn đề quan trọng mà các bậc cha mẹ cần biết. Nếu như trước kia, nhiều lời khuyên cho rằng trẻ sau ngộ độc thực phẩm cần nhịn ăn thì hiện nay quan điểm này đã trở nên lạc hậu và không còn là đúng đắn. Một chế độ dinh dưỡng gần mức bình thường nhất nếu có thể được sử dụng sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho trẻ. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm thì các bậc cha mẹ nên:
- Duy trì cữ bú cho trẻ đang bú mẹ để vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vừa giúp bổ sung nước và điện giải cho trẻ.
- Các loại thực phẩm sử dụng cho trẻ phải là các loại thức ăn dễ tiêu, nhẹ nhàng, dễ hấp thu... Đồng thời nên bổ sung các món ăn chứa nhiều nước hơn trong thực đơn của trẻ.
- Vài giờ đầu ngay sau khi ngộ độc xảy ra, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể khiến trẻ không muốn ăn. Vì vậy, nếu trẻ không muốn ăn ngay, cha mẹ cũng không nên cố ép trẻ ăn mà có thể chờ đến khi các triệu chứng thuyên giảm và trẻ thèm ăn trở lại thì mới cho trẻ ăn.
3. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc để điều trị ngộ độc thực phẩm cho trẻ
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ cần lưu ý rằng tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị cho trẻ khi chưa có các chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng các loại thuốc (thuốc trị tiêu chảy, thuốc chống nôn mửa,...) có thể ngăn chặn sự làm sạch tự nhiên của cơ thể, khiến ngộ độc thực phẩm trở nên nặng nề hơn.
Các loại men vi sinh có thể được sử dụng nhưng vẫn cần có các nghiên cứu sâu hơn để khẳng định lại hiệu quả mà chúng mang lại cho trẻ khi bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, dường như chúng có hiệu quả tốt đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm do nguyên nhân vi sinh vật.
4. Nghỉ ngơi nhiều tốt cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường gây cảm giác mệt mỏi cho trẻ. Do đó, một lời khuyên dành cho các vị phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm chính là nên để trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Trẻ nên được cha mẹ khuyến khích tạm thời giảm bớt các hoạt động như vui chơi, chạy nhảy... cho đến khi các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm được kiểm soát tốt. Điều này sẽ giúp trẻ giảm tiêu hao năng lượng, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm dễ cải thiện hơn và trẻ nhanh bình phục hơn.
5. Phòng chống lây bệnh từ trẻ sang cho người lành
Với các trường hợp ngộ độc thực phẩm do nguyên nhân vi sinh vật, những tác nhân gây bệnh có thể lây lan rất dễ dàng từ trẻ bị ngộ độc sang cho người lành thông qua nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nên vấn đề dự phòng lây nhiễm khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm cũng rất quan trọng.
- Bạn nên rửa tay thật sạch sau khi làm vệ sinh, chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm với xà phòng. Trước khi chế biến thức ăn cũng cần phải rửa tay thật sạch.
- Không sử dụng chung các vật dung cá nhân với trẻ bị ngộ độc thực phẩm như khăn tắm, ga trải giường...
- Các bề mặt dễ bị bám dính vi khuẩn gây bệnh như tay nắm cửa, bệ ngồi toilet vòi nhà tắm, nhà vệ sinh... cần phải được vệ sinh thường xuyên bằng các chất diệt khuẩn.
- Nếu trẻ đã đến tuổi đi học thì cha mẹ nên tạm thời cho trẻ nghỉ học ít nhất trong vòng 2 ngày trước khi đến trường trở lại.
- Bơi lội là hoạt động thể thao không được khuyến khích khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, các vi sinh vật gây bệnh có thể lây nhiễm ra nguồn nước khi trẻ bơi và gây bệnh cho người khác.
- Các chất thải của trẻ cần phải được xử lý đúng cách để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh ra môi trường.
6. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu cần thiết
Đối với các trường hợp trẻ chỉ bị ngộ độc nhẹ, việc điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện có thể là không cần thiết và trẻ sẽ được cho về nhà để chăm sóc và điều trị tại nhà. Chính vì thế, việc phát hiện sớm được các dấu hiệu diễn tiến bất thường khi điều trị, chăm sóc trẻ ngộ độc thực phẩm tại nhà để đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức là cực kỳ cần thiết.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu sau:
- Có các dấu hiệu của sự mất nước, điện giải: Trẻ bị khát nước quá mức, bị kích thích hoặc trong trường hợp nặng có thể li bì, mắt trũng sâu, không đi tiểu hoặc đi tiểu rất ít với nước tiểu sẫm màu, thóp trẻ bị lõm...
- Ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
- Tiêu chảy nhiều lần, kéo dài, có thể kèm theo hoặc không có đau bụng dữ dội.
- Nôn mửa liên tục khiến trẻ không thể ăn uống được gì trong vòng 12 giờ liên tục.
Có thể thấy rằng, chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự bình phục và an toàn của trẻ khi ngộ độc thực phẩm xảy ra. Vì vậy, cha mẹ cần tham khảo kỹ hướng dẫn của bác sĩ về các thắc mắc trong quá trình chăm sóc trẻ ngộ độc thực phẩm để được giải đáp cụ thể, chính xác nhất.
Nguồn tham khảo: https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/food-poisoning-in-children-what-to-know#1
https://patient.info/childrens-health/acute-diarrhoea-in-children/food-poisoning-in-children