Hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai trong dịch zika

07/04/2016 - 11:07
Phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus zika cần được siêu âm để xác định thai nhi có bị hội chứng đầu nhỏ hay không, sau đó cần sự hỗ trợ, tư vấn để có quyết định đúng.

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus zika có nguy cơ lây lan nhanh.

Theo hướng dẫn, thời gian ủ bệnh của loại virus zika từ 3 đến 12 ngày, trong đó 80% không có biểu hiện lâm sàng. Ở những trường hợp có biểu hiện, bệnh nhân thường có triệu chứng sốt nhẹ 37,5 độ C; ban dát sần trên da; đau đầu, đau mỏi cơ khớp; viêm kết mạc mắt. 

- Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu đang sinh sống tại vùng dịch: Nếu có chồng hoặc bạn tình dương tính với virus zika và bản thân có dấu hiệu sốt, phát ban hoặc đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt thì nên đi xét nghiệm virus zika.

- Với phụ nữ mang thai đang sinh sống tại vùng dịch: Thực hiện khám thai, quản lý thai theo quy định, ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ (tốt nhất trong 3 tháng đầu, lần 2 trong 3 tháng giữa, lần 3 và 4 trong 3 tháng cuối), để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng nhằmk phát hiện thai đầu nhỏ.

zika-sti.jpg
Trẻ bị bệnh đầu nhỏ do liên quan đến virus zika

- Đối với phụ nữ mang thai, nhưng xét nghiệm âm tính virus zika: Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thai đầu nhỏ hoặc bất thường về não cần chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh. Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, cơ sở y tế sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho thai phụi và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cần tiếp tục chăm sóc thai phụ, tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình.

- Đối với phụ nữ mang xét nghiệm thai dương tính với virus zika: Nếu không thấy dấu hiệu nghi ngờ thai nhi đầu nhỏ hoặc bất thường về não, cần tiếp tục theo dõi và hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng.
Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, nhân viên y tế tiếp tục hỗ trợ thai phụ chăm sóc thai nghén; tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cũng như chuẩn bị kế hoạch chăm sóc bé sơ sinh. 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng); người đi/đến/về từ vùng có dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị; người đang sinh sống ở vùng có dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục trong 28 ngày để phòng lây truyền virus zika qua đường tình dục.

Đối với phụ nữ mang thai:

- Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus zika và khám thai định kỳ.

- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus zika.

- Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.

- Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus zika.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm