Hội thảo nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp/chính sách/chương trình của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam trong năm 2017.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Với trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Luật Bình đẳng giới và kinh nghiệm thực hiện hoạt động lồng ghép giới, Hội LHPN Việt Nam có thế mạnh về đội ngũ cán bộ và mạng lưới chuyên gia về giới. Hội đề xuất một số nội dung hoạt động mà Hội có khả năng đầu mối tổ chức và phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy quá trình lồng ghép giới trong xây dựng chương trình phổ thông và viết sách giáo khoa phổ thông như: Tham gia các Hội đồng tư vấn, tham vấn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình và sách giáo khoa phổ thông; Phối hợp xây dựng và vận hành mô hình tư vấn học đường tại trường học, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh; Biên soạn và cung cấp tài liệu tăng cường kết nối giữa cha mẹ và con cái, kết nối giữa gia đình và nhà trường, trong đó có nội dung giáo dục về giới và bình đẳng giới...
Mục đích của hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, sáng kiến, giải pháp lồng ghép vấn đề giới trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hướng tới biên soạn SGK có lồng ghép giới và nội dung giáo dục về giới, giới tính ở cấp học phù hợp.
Hội thảo cũng tham vấn ý kiến phản biện về vấn đề giới trong Chương trình GDPT tổng thể và viết sách giáo khoa phổ thông.
Đẩy mạnh bình đẳng giới trong chương trình phổ thông tổng thể và bộ SGK mới sau 2018 là nội dung được Bộ GD&ĐT cùng nhiều tổ chức đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh việc sẽ chỉnh sửa hình ảnh, kiến thức bất bình đẳng giới trong một số cuốn SGK, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát chương trình, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới, định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ giáo viên.
Đồng thời, cần đánh giá cả trong quá trình tổ chức thực hiện khi dạy học trên lớp, triển khai trong toàn ngành, phát huy hết tiềm năng mạnh nhất của cả hai giới và tiềm năng mạnh nhất của mỗi cá nhân.
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo này.
Theo báo cáo nghiên cứu, rà soát của Bộ GD&ĐT và UNESCO, vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam cho thấy còn nhiều nội dung, hình ảnh mang định kiến giới. Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh. Trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới (ví dụ: đứa trẻ, học sinh, phụ huynh…). Về hình ảnh, trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính. Những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam. |