Hương xuân trong gian bếp 'homestay'

09/02/2016 - 15:02
Mặc cái giá lạnh nơi rẻo cao Hòa Bình, Thanh Hóa, những gian bếp của người phụ nữ Mường, Thái làm du lịch homestay vẫn đang làm ấm từng bước chân du khách.
Căn nhà sàn mái lá 2 gian, 2 trái của gia đình chị Bùi Thị Út nằm ở đầu xóm Mường Cú, cách trung tâm xã Tử Nê (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) chừng 3 cây số. Nhà không rộng lắm nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Trước nhà có vườn mía rộng, có chỗ nuôi ong. Chủ nhà hiền lành, thân thiện. Khoảng 8, 9 năm trước, có người từ Hà Nội lên khảo sát làm du lịch cộng đồng rồi ngỏ ý muốn chọn gia đình chị Út làm nơi đón khách du lịch đến lưu trú tại nhà (homestay).

Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị đón khoảng 5 đến 6 đoàn khách đến theo kiểu “3 cùng”: cùng ngồi mâm, ăn các món ăn của người Mường; cùng trải chăn, đệm ngủ dưới sàn nhà theo tục ngủ của người Mường; cùng làm nương, rẫy, nhặt cỏ mía, quay mật ong với chủ nhà… Đặc biệt, năm 2012, đã 26 tháng Chạp rồi mà vẫn có 5 người nước ngoài đến.
homestay3.jpg
 Bà chủ homestay nhen lửa chuẩn bị làm cơm đãi khách
Năm ấy, gian bếp nhà chị rộn ràng, tấp nập hơn. Lá dong, lá chuối mới lấy từ rừng về, được rửa sạch, xếp gọn. Những ô cửa sổ đều được cắm những cây nêu làm từ cành lau. Cành đào rộ hoa được chặt từ ngoài vườn, mang vào bày từ sớm. Vài bao thóc nếp ở vách bếp được ngả ra, đổ vào thúng, đặt vào quang gánh, quảy đi xay xát. Bên góc này, chậu hạt đậu ngâm trong nước nóng để làm nhân bánh đang nở mọng, ươm vàng. Dưới sàn bếp, chủ và khách ngồi quây quần gói 60 cái bánh chưng to, 40 bánh chưng nhỏ, rồi cùng làm bánh nếp. Bếp lửa luôn được chị Út nhen lên, bập bùng cháy…

Đến bữa, ông bà nội, ngoại, anh em, chú bác trong đại gia đình lần lượt được mời đến dự cùng. Mâm cơm bày ngay gần nơi đặt bếp. Chủ nhà luôn được cử làm đại diện để ngồi cùng mâm với khách, để ghé chén rượu gạo, rượu ngô (tự nấu) từ trong chum ra, để nâng cốc đầu tiên, để nói lời chúc Tết, để mong khách cảm nhận những gì gọi là tấm lòng bình dị, thân thương…
homestay1.jpg
 Những mâm cỗ truyền thống của người Mường ngày lễ
Với gia đình nhà chị Quách Thị Thức ở bản Khướng, xã Tự Do (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) thì có chút khác. Nhà chị nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, cách tỉnh lộ chỉ hơn 20 cây số. Cung đường ấy rất gập ghềnh, uốn lượn, nhấp nhô. Mùa lạnh đến, đường vào bản nhà chị càng mờ sương, heo hút. Dọc hai bên đường, chỉ thấy núi và cây. Tuy nhiên, với du khách quốc tế và trong nước thích du lịch bụi, thích phượt, thích du lịch khám phá, nghỉ dưỡng thì lại rất ưa đến đây. Nhà chị Thức mới làm homestay từ 2009 nhưng có nhiều người biết, tìm đến. Có năm gia đình chị đón tới 300 lượt người. Riêng dịp Tết, hầu như năm nào cũng có khách!

Ai cũng bảo ngày Tết là ngày để sum họp gia đình, ngày của tình thân. Vì vậy, chị Thức nghĩ, khách dù là người Việt hay người nước ngoài, khi đã tìm đến nhà mình ngày Tết là họ cần sự ấm cúng, muốn có cảm giác y như “về quê, về nhà”. Khi chị giết lợn, gói bánh, khách cũng được xem và phụ giúp cùng. Chủ nhà tranh thủ, ngày giáp Tết vẫn cố đánh bò lên nương, rẫy để làm cho kịp thời vụ, khách cũng được đi theo, học cách cày, bừa, cấy lúa…
homestay2.jpg
 Đường lên bản Hiêu nhà chị Tâm lãng mạn như tranh
Từ phía huyện Lạc Sơn, nếu đi bộ vắt qua đỉnh Pù Luông, sẽ sang đến bản Hiêu - bản xa xôi nhất thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Gia đình chị Trương Thị Tâm cũng đang làm homestay. Nhà chị nằm cheo leo trên triền đồi cao. Để lên đến nhà, phải vượt qua suối, leo dốc hàng cây số. Mùa xuân phong cảnh càng nên thơ, hùng vĩ. Phía trước con đường lên, từng dãy núi xanh lơ, nhấp nhô quyện đầy mây phủ. Những thửa ruộng bậc thang điệp trùng. Căn nhà sàn của gia đình chị Tâm được ví như điểm nhấn quyến rũ nhất. Nhà gỗ, xây dựng theo đúng phong cách kiến trúc cổ của người Thái. Nhà rộng, đẹp, chứa được cả 100 người.

Tiêu chí làm dịch vụ của gia đình chị Tâm cũng rất rõ ràng, đó là “cổ truyền và chuyên nghiệp”. Có lẽ thế nên từ khi bắt đầu, năm 2010 đến nay, tháng nào khách cũng tìm đến ở. Còn dịp Tết, năm nào nhà cũng rộn rã tiếng cười vui. Có Tết, nhà đón tới 21 vị khách. Những ngày ấy, vai trò của chị Tâm và mẹ chồng là quan trọng nhất. Họ đón khách, tiếp khách, chuyện trò với khách rồi truyền thông điệp tình yêu gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua những bữa ăn ngày Tết. Họ giúp du khách được thưởng thức những món gà xào măng chua, chả lá lốt, ngọn măng luộc, thịt Thái nướng, thịt Thái rán, khoai môn hầm, canh uôi cổ truyền cực ngon của người Thái…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm