Là thế hệ sau, tôi nghiệm sinh rằng, đó là phẩm chất nghề nghiệp căn cơ nhất trong sự nghiệp báo chí của cả cuộc đời ông, với hàng nửa thế kỷ miệt mài, cần mẫn viết báo và nhất định chỉ làm một nghề: Nghề báo.
Trong phong cách viết của ông, phẩm chất này không khi nào chịu ngưng nghỉ. Tuổi càng cao, các bài báo mang phẩm chất đối thoại này càng náo động, càng trở nên độc sáng. Ông quả là đại diện tiêu biểu cho thế hệ tiền phong của báo chí Cách mạng Việt Nam, đã vượt lên cái hữu hạn “thời gian của người”, càng “về chiều” càng chín, như “gừng càng già càng cay”.
Vì vậy, ông gọi “trúng chóc” tinh thần triết học vốn có trong lối viết độc đáo của mình, khi đặt tên cuốn sách của ông “Đối thoại”. Và đặc biệt, tất cả các bài báo được tập hợp trong cuốn “Đối thoại” đều là bài viết mang đúng tinh thần “đối thoại” của ông, cho dù ông ở vị trí nhân vật được/bị các nhà báo phỏng vấn. Và ông đã trả lời, trong tư thế và trên tinh thần đối thoại sòng phẳng, minh bạch và dũng cảm.
Tôi nghĩ sở dĩ Hữu Thọ đạt đến nghệ thuật thông tin độc đáo ấy, là bởi ông đã sử dụng rất chuyên nghiệp phương pháp đối thoại, trên một tinh thần triết học khỏe mạnh về báo chí, khi thiết lập mối quan hệ giữa mình và công chúng truyền thông, thông qua cách đặt những vấn đề xã hội “nóng” trong tác phẩm của mình.
Là nhà báo chuyên nghiệp, Hữu Thọ biết chắc rằng nhà báo chỉ có thể đối thoại với xã hội bằng cách thông tin về những vấn đề thời sự “nóng”, đang được cả xã hội đương đại quan tâm, trăn trở nghĩ suy, tìm cách tháo gỡ để phát triển hài hòa, vững chắc.
Ông tự nghiệm sinh rằng, muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh thật nhanh nhạy những vấn đề xã hội, luôn nảy sinh hằng ngày trong đời sống dân chúng. Nhưng muốn “biết” như thế, rất cần một điểm tựa nghề nghiệp đặc thù: “Phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Dù ở vị trí nhân vật được/bị các nhà báo phỏng vấn, ông đã trả lời trong tư thế đối thoại sòng phẳng, minh bạch và dũng cảm. |
Hơn hết, phải xuất phát từ tinh thần dân chủ, phải thông tin vì quyền lợi dân chúng, phải đại diện cho công chúng báo chí (với quyền được nhận thông tin), nhất là khi cần đối thoại với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội... của đất nước.
Có lẽ vì thế, Hữu Thọ sẵn lòng nhận biệt danh “người hay cãi” - cũng là tên một cuốn sách của ông. Không ngẫu nhiên, Hữu Thọ nằm lòng lời Bác Hồ dặn báo chí: “Mỗi chữ viết, mỗi lời nói phải thể hiện một tư tưởng, một ước ao của nhân dân”.
Bởi vậy, càng không tình cờ mà ông lấy tín niệm cho nghề báo của mình, cái “di ngôn” sâu sắc của nhân vật lịch sử Đào Duy Từ: “Ước Tôi hay gián, Ước Chúa hay nghe” (Mong rằng bề tôi hay can gián, mong rằng những người lãnh đạo biết nghe).
Vì vậy, càng không ngẫu nhiên khi cánh báo chí đặt tên các bài phỏng vấn Hữu Thọ trong cuốn sách “Đối thoại”, đều xuất phát từ sự hiểu biết tính cách báo chí đặc biệt của ông: “Làm thế nào để nghe được tiếng nói thật của dân?”, “Ngăn chặn bệnh “chạy” phải bịt các cửa “chạy”!, “Người tài phải biết tự bảo vệ mình”, “Không ai hội nhập bình đẳng với cái bóng của mình”, “Nông dân chưa được hưởng thụ bình đẳng những thành quả của đổi mới”, “Cần có tư duy mới và tầm nhìn xa trong vấn đề “tam nông”, “Không thở dài trước tham nhũng”, “Báo chí là một thế lực cần được tôn trọng”, “Trong nghề buôn đừng đi buôn chữ”...
Càng không ngẫu nhiên, họ biết rõ: Khi viết, Hữu Thọ luôn trăn trở giữa cái nhanh và cái đúng trong cái nghề mà ông gọi là “nghề bút mực đầy gian khó” này. Ông từng tâm sự: “Nhanh mà phải đúng”. “Công chúng muốn có tin nhanh nhưng quan trọng là phải tin đúng” (…).
Vì chỉ nhà báo luôn thông tin nhanh và đúng mới là nhà báo, một tờ báo luôn thông tin nhanh và đúng mới trở thành tờ báo được công chúng tin cậy, vì trên sự đời này không ai muốn trở thành người bị lừa. “Tin cậy” luôn là sự đánh giá cao nhất của công chúng với một tờ báo, một nhà báo”.
Tâm sự nghề nghiệp này giải thích tính hiệu quả nhãn tiền của các bài báo do Hữu Thọ viết. Nhanh và đúng về thông tin, thì nhà báo mới đối thoại được với công chúng, bởi chỉ nhanh không thôi, có thể rơi vào bi kịch “nhanh nhảu đoảng”, gây thiệt hại lớn cho xã hội”.
Nhớ về nhà báo của đối thoại Hữu Thọ, đọc cuốn sách “Đối thoại” của ông, tôi bỗng nhớ một câu ông nói nhẹ như không: “Có những lúc phải biết nhu, giữ thế, nhưng làm báo thì phải dấn thân, mình có yêu cái sự kiện, nhân vật đó mười lần thì mới hy vọng làm độc giả yêu một lần”…