Hủy hoại đất nông nghiệp ở Hải Dương: Những ai phải chịu trách nhiệm?

Linh Trần
13/01/2022 - 09:07
Hủy hoại đất nông nghiệp ở Hải Dương: Những ai phải chịu trách nhiệm?

Vị trí ông Phạm Văn Thủy đứng chính là mảnh đất nông nghiệp của mình có diện tích 216m2. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, thửa đất này đã bị kẻ xấu đổ đất đá san lấp.

"Để san lấp hàng trăm m2 đất nông nghiệp phải huy động nhiều xe ben để chở đất, đá... không khác gì công trường. Tuy nhiên, tại sao những vi phạm này không được ngăn chặn từ đầu, hay chăng chính quyền cố tình "làm ngơ", luật sư Diệp Năng Bình nói.

Việc tày trời

Liên quan đến thông tin nhiều thửa ruộng của người dân ở thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) bị xấu hủy hoại, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Nông thôn mới, cho biết, những thông tin người dân phản ánh nếu đúng thì đây là vụ việc rất kinh khủng. Theo ông Thủy, ruộng đất của dân đang canh tác mà bị đổ vật liệu lên thì đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ở đây có 2 khả năng xảy ra, đó là vi phạm có động cơ hoặc vi phạm không có động cơ.

Ông Thủy phân tích: Vi phạm có động cơ là người khác đổ nguyên vật liệu gồm đất, đá xuống ruộng để người nông dân không thể sản xuất được. Mục đích của những người này là nhằm xâm chiếm, mua đất, cưỡng đoạt, lâu dần để chuyển đổi mục đích sử dụng. Với hành vi như vậy, đây là hành động của những kẻ du côn cần phải xử lý.

Bài 2: Xử lý người đứng đầu ? - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp ở thị trấn Kẻ Sặt đã được phân lô, bán nền

Trường hợp vi phạm không có động cơ, thì họ đổ đất, đá lên ruộng nhưng không nhẳm mục đích gì cả. Việc xử lý căn cứ vào thiệt hại hoa màu trên thửa ruộng đó. Nếu là ruộng không có hoa màu, thì tính trung bình thu hoạch trong năm để bồi thường. "Xã Tráng Liệt, nay là thị trấn Kẻ Sặt cũng gần UBND huyện Bình Giang. Tuy nhiên, không hiểu tại sao lại để xảy ra sự việc tày trời như thế này", chuyên gia Hoàng Trọng Thủy thốt lên.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Thủy cho rằng, UBND xã/thị trấn phải chịu trách nhiệm rất lớn. Trước hết, là trách nhiệm quản lý. Pháp luật giao cho UBND cấp xã/phường/thị trấn quản lý, gồm địa bàn, nhân khẩu, an toàn và trật tự xã hội. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc như vậy và trong thời gian dài, với nhiều hộ thì UBND xã/thị trấn đã làm không tốt nhiệm vụ của mình.

Không chỉ chính quyền, các tổ chức, đoàn thể của địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. "Các tổ chức này đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, khi tài sản là đất đai của người dân bị xâm phạm, các tổ chức này lại không lên tiếng, không bảo vệ là không chấp nhận được. Đảng ủy địa phương cũng không lên tiếng, không kiểm tra Đảng viên thực hiện trách nhiệm nhà nước thì cũng cần phải làm rõ", ông Thủy nêu quan điểm.

Có việc buông lỏng quản lý?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), cho rằng, việc nhiều gia đình bị hủy hoại đất nông nghiệp đã ảnh rất lớn đến an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người dân.

Theo luật sư Bình, đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng,… Là tư liệu sản xuất chủ yếu vừa là tư liệu lao động vừa là đối tượng lao động. Cần lưu ý là tư liệu sản xuất không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên, thửa đất của người dân lại bị các đối tượng xấu lén san lấp nhằm mục đích riêng. Đây là hành vi nghiêm trọng.

Bài 2: Xử lý người đứng đầu ? - Ảnh 2.

LS. Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

 Hành vi san lấp đất nông nghiệp được hiểu là hành vi thay đổi cấu tạo của đất, thay đổi giá trị, công dụng của đất nên có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Trong khi đó, nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Theo quy định của Luật đất đai 2013, hủy hoại đất là hành vi bị cấm, nên sẽ bị xử phạt. Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi hủy hoại đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nếu có gây ra. Do đó, trong trường hợp này, người dân cần làm đơn tố cáo đến chính quyền địa phương, cơ quan công an để được giải quyết.

Về trách nhiệm của Chính quyền địa phương, luật sư Diệp Năng Bình cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp của người dân có một phần trách nhiệm của chính quyền các cấp địa phương, thể hiện sự buông lỏng quản lý.

Bài 2: Xử lý người đứng đầu ? - Ảnh 3.

Một khu vực đất nông nghiệp đã biến thành ao

Theo quy định tại Điều 208, Luật Đất đai năm 2013: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Thông thường, để san lấp hàng trăm m2 đất nông nghiệp sẽ phải huy động nhiều xe ben để chở đất, đá. Địa điểm san lấp sẽ không khác gì một công trường. Sau đó, một số thửa đất đã được san lấp mọc lên nhà xưởng, công trình kiên cố,…nhưng tại sao phần lớn những vi phạm này đều không được ngăn chặn ngay từ ban đầu. Phải chăng chính quyền địa phương không hay biết, hay cố tình "làm ngơ", luật sư Bình nói.

Chính quyền nói gì?

Về vấn đề trên, ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, cho biết, những thửa đất nông nghiệp của người dân bị san lấp, hủy hoại nằm trên địa phận xã Tráng Liệt trước đây. Đến cuối năm 2019, xã Tráng Liệt được sáp nhập vào thị trấn Kẻ Sặt. Trước thời điểm sát nhập, ông là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt nên không nắm được những vi phạm đất đai của xã Tráng Liệt.

Sau khi sát nhập địa giới hành chính, ông cũng nhận được thông tin về việc người dân phản ánh tình trạng cưỡng ép bán đất nông nghiệp hoặc san lấp, hủy hoại đất. UBND thị trấn cũng thường xuyên theo dõi tình hình này. Khoảng 2 tháng gần đây, UBND thị trấn cũng đã phát hiện ra 2 vụ việc san lấp nông nghiệp trái phép. UBND thị trấn đã huy động lực lượng, phương tiện để múc phần đất đá đã đổ xuống ruộng. Đến ngày 07/01, UBND thị trấn đã múc được một phần đất san lấp ruộng trái phép. 

Liên quan đến quản lý đất đai tại Hải Dương, ngày 15/12/2021, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo Quyết định số 659/QĐ-TTCP ngày 3/12/2021 của Tổng Thanh tra, đoàn sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên). Thời hạn thanh tra 70 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố, không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, cho biết, cách đây 1-2 năm, UBND huyện đã nhận được thông tin người dân phản ánh tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt. UBND huyện đã yêu cầu UBND thị trấn báo cáo nội dung trên. Tuy nhiên, khi đó báo cáo chưa ổn, nên năm 2021 UBND huyện đã thành lập thanh tra đột xuất thanh tra việc sử dụng đất ở thị trấn Kẻ Sặt. Đoàn thanh tra tiến hành xác minh các cá nhân chủ sử dụng đất hiện tại, người được giao đất là ai; đồng thời, làm rõ việc đổ đất nông nghiệp của người dân là có không? Nếu có xử lý như thế nào? Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sát nhập địa giới hành chính, Đại hội Đảng các cấp, rồi dịch Covid-19 nên đến nay việc thanh tra chưa hoàn tất.  

Theo ông Kiên, đối với đất 03 khu vực Mả Vường, nếu kết quả thanh tra xác định có việc lén sán lấp đất nông nghiệp và xây dựng trái phép thì địa phương phải trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng phải làm từng bước. Ví như ban đầu là thống kê từng trường hợp cụ thể, tuyên truyền chủ sử dụng đất tự tháo dỡ và trả lại hiện trạng. Nếu chủ sử dụng đất không thực hiện thì sẽ chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế tháo dỡ, thậm chí UBND huyện sẽ ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đất. "Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người dân và họ phải sử dụng đúng mục đích. Nếu UBND huyện kiểm tra, phát hiện người dân sử dụng không đúng mục đích, có việc chuyển nhượng, xây dựng trái phép thì có thể sẽ ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đất", ông Kiên khẳng định. 

Ông Kiên cũng cho biết, Chủ tịch UBND xã/thị trấn là người trực tiếp quản lý, phát hiện vi phạm và xử lý theo đúng thẩm quyền. Sau khi thanh tra, nếu có việc mua bán, chuyển nhượng, hủy hoại đất nông nghiệp, UBND huyện sẽ xác định thời điểm đó lãnh đạo địa phương là ai, có biện pháp ngăn chặn hay không. Nếu địa phương có biện pháp ngăn chặn  thì buông lỏng công tác quản lý, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và nhà nước. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm