'Kẻ giấu mặt' trong thế giới ảo

20/09/2015 - 09:45
Sự xuất hiện và lan truyền nhanh chóng của những mạng xã hội nặc danh đã làm dấy lên mối lo ngại về một bóng đen mới xuất hiện, có khả năng sẽ ngự trị lâu dài trong thế giới ảo
KẺ GIẤU MẶT
Mọi kẻ giấu mặt đều đáng sợ. Song, những kẻ giấu mặt trong thế giới ảo lại càng đáng sợ hơn. Vì ở đó hoàn toàn không có khái niệm “chính danh”, những “kẻ giấu mặt” có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn, bất kể những điều này gây hại cho cộng đồng đến mức nào.
Chính vì thế, khi một số trang mạng xã hội nặc danh như YikYak, Whisper, Confide, Secret… xuất hiện, ngay lập tức đã có những phản ứng dữ dội từ giới công nghệ. Những phản ứng này chủ yếu nhắm tới các ứng dụng cho phép người dùng “chia sẻ tất cả”. Có nghĩa, những chủ nhân nặc danh đó hoàn toàn có thể tự do đưa ra các tin đồn độc hại, những lời chỉ trích cay nghiệt hay chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện riêng tư của bất kỳ ai mà không phải chịu trách nhiệm.
Được biết, ban đầu những mạng xã hội này được xây dựng như các dự án khởi nghiệp của một số cá nhân hoặc nhóm khởi nghiệp, theo đường hướng “truyền thống” của các mạng xã hội định danh đang phổ biến hiện thời. Tuy nhiên, do nó được nuôi dưỡng bởi những người có “ý thức kỳ dị” hoặc “có vấn đề về nhân cách”, nên không lâu sau, chúng bị “biến tướng” theo một con đường khác. Ví dụ ứng dụng của Bader-Wechseler (người Mỹ, 30 tuổi), ban đầu chỉ nhằm kết nối với các liên lạc trong điện thoại di động, để chủ nhân biết những gì chia sẻ có phải là từ bạn bè hay không. Tuy nhiên, sau đó thì anh ta quyết định “hạ tiêu chuẩn xuống, để bạn bè có thể chỉ trích lẫn nhau”. 

YikYak từng bị 2 thiếu niên sử dụng để đưa ra các đe dọa khủng bố 

Ở các nước tiên tiến, hồ sơ trên mạng của một cá nhân có vai trò rất quan trọng. Một khi cá nhân nào đó làm điều gì “bậy bạ” ngay cả trong thế giới ảo, thì danh tính cùng hành vi của người đó sẽ bị lưu trữ và có thể bị đưa vào “sổ đen”. Với việc sử dụng mạng xã hội nặc danh, nỗi lo sợ bị đưa vào “sổ đen” không còn nữa, thế là những người sử dụng trang mạng này tha hồ phát tán những “liều độc dược” ra khắp cộng đồng mà không sợ bị trừng phạt.
Một khi đã “giấu mặt”, không phải chịu áp lực từ dư luận, người ta hoàn toàn có thể tự cho phép mình hành xử vô đạo đức và nói năng bạt mạng! Nhận định đó của nhiều chuyên gia công nghệ đã sớm được chứng minh bằng thực tế: Trang YikYak từng bị 2 thiếu niên sử dụng để đưa ra các đe dọa khủng bố, rằng họ sẽ xả súng ở trường học của mình. Sau đó, 2 trường học ở Alabama đã phải sơ tán học sinh, nhiều trường trung học cũng rơi vào tình cảnh hỗn loạn vì lo sợ khủng bố. Hiện giờ, nhiều trường trung học và đại học ở Mỹ đã “cấm cửa” mạng xã hội nặc danh này.
Mới ra mắt từ tháng 11/2013 nhưng số vụ điều tra chính thức và truy tố những người tung tin thất thiệt, đe dọa và quấy rối người khác trên YikYak đã lên tới hàng chục.
SẼ LÀ “CƠN SỐT” NGUY HIỂM?
Thật ra, ngay cả Facebook hay Twitter cũng có tính “nặc danh” ở chừng mực nào đó, ví dụ người dùng chỉ “hiển hiện” bằng hình ảnh đại diện và nickname - không nhất thiết phải sử dụng hình ảnh thật và tên thật (theo giấy khai sinh/chứng minh thư) của mình. Với các chuyên gia công nghệ hay nhà chức trách thì việc truy tìm ra chủ nhân của những trang cá nhân trên mạng xã hội định danh vẫn là điều khá đơn giản. Nhưng với mạng xã hội nặc danh thì khác hoàn toàn. Những thông tin lan truyền trên đó có thể biến bất cứ ai trở thành nạn nhân, buộc người đó trở nên khiếp nhược, yếu đuối, dễ bị bắt nạt trên mạng mà không có khả năng chống đỡ.

 Các thông tin lan truyền có thể biến bất cứ ai thành nạn nhân

“Bất cứ một ứng dụng nào đi kèm với sự nặc danh sẽ gây ra cảm giác về một không gian vô chính phủ, nơi các hành động và cách cư xử không để lại bất kỳ hậu quả gì”, nhà tâm lý học Elias Aboujaoude của ĐH Stanford (Mỹ) nhận định.
Điều đáng lo ngại là những dự án mạng xã hội nặc danh lại đang nhận được các khoản tài trợ rất lớn từ một số nhà đầu tư mạo hiểm. Bởi họ nhìn thấy ở đấy những khoản lợi nhuận khổng lồ. Bên cạnh đó, mặc dù gần đây có một số mạng xã hội nặc danh tuyên bố sẽ siết chặt kiểm duyệt đối với các bình luận phỉ báng và nhạy cảm, nhưng lại muốn biến người dùng trở thành “người đưa tin” đầu tiên - đồng nghĩa với một kiểu báo chí nặc danh. Nếu điều này diễn ra theo đúng “kịch bản” thì mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Từng có những thông tin lan truyền trên mạng “mang tính báo chí” như vậy, nhưng hoàn toàn là “tin vịt” và gây tổn thất nặng nề cho một số người nổi tiếng.
Mặc dù đã sớm bị cộng đồng tẩy chay nhưng nguy cơ mạng xã hội nặc danh sẽ tạo nên một “cơn sốt” trong giới trẻ dễ bị lôi kéo bởi “đám đông”, vốn đầy tò mò, hiếu kỳ không phải là không có. Thế giới internet, vì thế, đang phải đứng trước một thách thức lớn, để làm sao chống chọi với “bóng đen” đang ngày một lớn dần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm