Kẻ giết người thầm lặng tìm đến người trẻ

04/08/2015 - 09:59
Gần đây, căn bệnh cao huyết áp (THA) được ví như kẻ giết người thầm lặng. Điều đáng nói hơn nữa là căn bệnh này không chỉ lấy đi tính mạng của người già mà ngày càng tham lam và trẻ hóa "đối tượng nạn nhân" hơn

30% người trưởng thành bị THA

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, tại Việt Nam, nếu như những năm 1970, cả nước chỉ có khoảng 2% người lớn bị THA thì những năm 1990 tỷ lệ này là 11% và hiện nay, con số này là khoảng 30%. Tại Viện Tim mạch Quốc gia, từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị biến chứng của THA mới 25 tuổi, thậm chí có bệnh nhân mới 21 tuổi đã có huyết áp cao hoặc 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, dẫn đến đột quỵ. Trong khi đó, trước đây, căn bệnh này thường chỉ gặp ở nhóm người cao tuổi (50-60 tuổi hoặc cao hơn). Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ người cao huyết áp tăng chóng mặt và trẻ hóa ở nước ta hiện nay do áp lực cuộc sống và công việc; ăn quá nhiều thịt và mỡ động vật nhưng lại ít rèn luyện thể lực; làm việc thiếu khoa học; nghỉ ngơi không hợp lý; sử dụng rất ít rau xanh, hoa quả... Bên cạnh đó, nhiều người trẻ mắc bệnh THA do uống nhiều bia, rượu, hút thuốc lá...

 

Huyết áp cao đã dần tấn mạnh công sang đối tượng người trẻ

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, hiện nhiều người Việt Nam ăn khá mặn. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng tối đa 5g muối/ngày thì trung bình mỗi người Việt dùng tới 10g-15g muối/ngày (gấp 2-3 lần mức khuyến cáo). Đây là một trong những nguyên nhân khiến số người bị huyết áp cao gia tăng. Sở dĩ ăn mặn là một trong những nguyên nhân THA do ăn mặn sẽ khiến khối lượng tuần hoàn gia tăng, làm tăng áp lực lên các thành mạch. Còn hút thuốc lá, thuốc lào, dễ khiến viêm nội mạc máu, xơ vữa mạch, gây nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, khiến nhiều người bị béo phì, thừa cân, cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh THA.

 Dễ đột quỵ

Cũng theo GS Nguyễn Lân Việt, THA dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là đột quy. Ngoài ra, căn bệnh này còn dễ biến chứng lên mắt, tim, não và mạch máu. Nếu THA biến chứng lên mắt thì có nguy cơ cao bị mù vĩnh viễn, không thể điều trị bằng thay thủy tinh thể như bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nguy hiểm nhưng bệnh lại diễn tiến âm thầm nên nhiều chuyên gia y tế gọi THA là “kẻ giết người thầm lặng”. Vì thế, rất ít người dân biết mình bị cao huyết áp, chỉ khi có biến chứng, mới biết mình mắc bệnh. Bên cạnh đó, không ít người còn chủ quan với căn bệnh này.

Trong số những người bị cao huyết áp ở nước ta, có tới 52% không biết mình bị mắc bệnh, 30% số người biết bị bệnh nhưng không điều trị

Biểu hiện ban đầu của THA là người bệnh xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai... Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường bỏ qua những biểu hiện này, không đi khám, vì cho là do mệt mỏi gây nên. Có người đi khám, được chỉ định dùng thuốc và thấy đỡ đã tự ý dừng uống thuốc. Không ít trường hợp trong số này đã bị đột quy khi bệnh tái phát. Vì thế, các chuyên gia y tế cho rằng, nếu bị THA, cần thực hiện quá trình điều trị; ăn uống, tập luyện theo chỉ dẫn để bệnh không trở nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Ðể phòng bệnh THA, người dân cần có chế độ ăn, uống ít đường, ít mỡ, ăn nhiều rau xanh, trái cây; không ăn mặn; nên sử dụng thức ăn chứa kali (có trong chuối, nước dừa, đậu trắng); canxi (sữa, tôm, cua); magiê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định; tăng cường chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt lợn, bò, gà... và hạn chế uống nhiều rượu, bia. Bên cạnh đó, cần tập thể dục mỗi ngày khoảng 30-45 phút; đo huyết áp thường xuyên hằng tuần, kể cả người trẻ tuổi, dù không có triệu chứng bệnh nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, nếu bị THA.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm