Kế hoạch tiêm phòng của Hà Nội thế nào để tránh tình trạng chọn lựa vaccine Covid-19?

Hải Yến
21/07/2021 - 23:48
Kế hoạch tiêm phòng của Hà Nội thế nào để tránh tình trạng chọn lựa vaccine Covid-19?

Trong trường hợp nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ theo thứ tự ưu tiên: cho khu vực có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, cửa ngõ giao thông. Ảnh minh hoạ

Nguyên tắc tiêm vaccine Covid-19 của Hà Nội nhấn mạnh vào việc ưu tiên các nhóm đối tượng cần thiết và tạo sự công bằng, tránh tình trạng chọn lựa loại vaccine.

Tối muộn 21/7, UNBD thành phố Hà Nội thông báo phương án triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu đặt ra là có thể tiêm tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.

Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng (theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ), theo thứ tự ưu tiên, gồm: Lực lượng tuyến đầu, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ các cơ quan đã tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, người mắc bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sống ở khu vực có dịch...

Kế hoạch tiêm phòng của Hà Nội thế nào để tránh tình trạng chọn lựa vaccine Covid-19? - Ảnh 1.

Nguồn: TTXVN

Thành phố sẽ phân bố chỉ 1 loại vaccine tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine này mới chuyển sang loại vaccine khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng loại cho 1 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng 1 thời điểm để tránh tình trạng chọn lựa loại vaccine.

Kế hoạch cũng đề cập nguyên tắc tiêm mũi 1 bằng loại vaccine nào thì tiêm trả mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1. Vaccine có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước.

UBND thành phố Hà Nội cho biết thời gian triển khai chiến dịch là ngay khi tiếp nhận vaccine, phụ thuộc vào lượng vaccine được cung ứng. Trong trường hợp nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ theo thứ tự ưu tiên: cho khu vực có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, cửa ngõ giao thông. Khi đủ vaccine sẽ triển khai đồng loạt khắp thành phố.

Được biết, hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine phòng Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm; theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các vaccine này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng vaccine AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chỉ định tiêm cho người 18 – 65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng).

Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua Hà Nội triển khai tiêm ngừa cho người dân bằng vaccine AstraZeneca, tỷ lệ tiêm đạt 70% (có 30% không đến tiêm hoặc có chống chỉ định tiêm).

Mục tiêu 200.000 mũi tiêm/ngày cũng là số mũi tiêm cao nhất mà 1 địa phương đặt ra trong chiến dịch tiêm chủng Covid-19. Ngoài Hà Nội còn TP.HCM cũng có khả năng tiêm 200.000 mũi/ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm