Kết nối, tiêu thụ đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên

Vân Anh
22/11/2024 - 17:05
Kết nối, tiêu thụ đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên

Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên được giới thiệu tới người tiêu dùng

Chị Nguyễn Thị Bình (tỉnh Thái Nguyên) là một trong những phụ nữ tiên phong kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản Thái Nguyên lên các nền tảng số, trang thông tin, thu hút hàng triệu lượt xem. Qua đó kết nối đã tiêu thụ được nhiều sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương, đặc biệt là nông sản của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đưa "đặc sản vàng" trong lòng đất thành sản phẩm tiêu biểu của Thái Nguyên

Năm 2018, được biết đến và kiểm chứng công dụng của sâm bố chính, một loại dược liệu quý của Việt Nam, chị Nguyễn Thị Bình đã nhận thấy tiềm năng lớn từ nguồn nguyên liệu quý này và quyết định đi đến với việc thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Hợp tác xã là mái nhà chung để chị em phụ nữ đoàn kết, giúp đỡ nhau và cùng phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chị Bình cho biết: HTX có 15 thành viên chính thức cùng 40 thành viên tổ hợp tác, trong đó có nhiều chị em là phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt. Tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng 35ha trồng ba kích, sâm Bố chính và các loại cây dược liệu khác. Tất cả đều được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Các loại dược liệu đang được HTX xuất bán cho các công ty dược liệu tại Hà Nội, sản lượng đạt 3-4 tấn/năm. 

Ngoài dược liệu, HTX liên kết với các hộ dân nuôi gà H'Mông đen để kết hợp các sản phẩm sâm với ẩm thực. Cuối năm 2022, món lẩu sâm, cốt phở sâm, gà hầm sâm kết hợp sản phẩm sâm Bố Chính với gà đã được thị trường đón nhận. Tiếp nối thành công đó, món súp sâm Đồng Hỷ đã xuất hiện trên "bàn tiệc OCOP" với thông điệp: "Nâng niu nông sản Việt, nâng niu giá trị Việt".

Kết nối, tiêu thụ đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên - Ảnh 1.

HTX của chị Nguyễn Thị Bình chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ sâm Bố chính.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phục vụ cho các đám lễ, tiệc, các cửa hàng thực phẩm sạch… Trong quá trình khai thác, sản xuất, nhận thấy nguồn dược liệu cạn dần do khai thác mà không bảo tồn, chị Nguyễn Thị Bình đã xây dựng, phục hồi vùng trồng dược liệu và nghiên cứu, kết hợp với một số thầy thuốc tại địa phương phục hồi và bảo tồn những loài cây quý tại địa phương. 

Sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, hiện đại, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, những món ăn từ sâm bố chính được ví như "vàng trong đất" đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phục vụ số lượng lớn cho các đám lễ, tiệc ở khách sạn, cũng như đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch. HTX vinh dự là 1 trong số các đơn vị được ký kết hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp và du lịch nông thôn với Hàn Quốc.

Kết nối, tiêu thụ đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Bình mong muốn gây dựng, phục hồi vùng dược liệu quê hương, lan tỏa giá trị sản phẩm từ dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó nổi bật là sâm Bố chính.

Lan tỏa các giá trị sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên

Chị Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Để tìm đầu ra cho một sản phẩm mới không dễ dàng gì. Chị đã dành 2 năm để nghiên cứu và tìm thị trường, đi khắp các tỉnh, thành phố tham gia hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm từ sâm của HTX. 

Để kết nối tiêu thụ sản phẩm và mong muốn lan tỏa các giá trị sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên, chị Bình đã xây dựng kênh Tiktok riêng và đứng ra kết nối các chủ thể HTX, hot tiktoker, streamer (những cá nhân hoặc nhóm người người thực hiện công việc livestream trên các nền tảng như Tiktok, Facebook...) để thành lập nhóm Đặc sản nông sản Thái Nguyên với 20 thành viên. 

Kết nối, tiêu thụ đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên - Ảnh 3.

Nhóm Đặc sản nông sản Thái Nguyên livetream quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh.

Nhóm đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức được 20 phiên livetream quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh. Tiêu biểu như: Phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại xã La Hiên (Võ Nhai); Lễ hội trà Đại Từ; Miến dong Việt Cường, Gà đồi Phú Bình...

Mỗi chương trình được phát trên nhiều nền tảng, trang thông tin, thu hút hàng triệu lượt xem, qua đó kết nối, tiêu thụ được nhiều sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương, đặc biệt là nông sản của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. 

Chị Nguyễn Thị Bình chia sẻ thêm, thời gian tới, HTX sẽ xây dựng thành một điểm du lịch cộng đồng, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh để thu hút giới người tiêu dùng, các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, lan tỏa sản phẩm của HTX cũng như nông sản Thái Nguyên ra các thj trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển thương mại tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm