Khắc khoải chờ vaccine tiêm chủng mở rộng

Anh Đào
29/01/2024 - 21:04
Khắc khoải chờ vaccine tiêm chủng mở rộng

Nhiều trạm y tế vùng sâu vùng xa đã triển khai tiêm vét, tiêm bù cho trẻ ngay khi nhận được vaccine

Ngay sau khi được cán bộ y tế thôn, bản thông báo lịch tiêm chủng, chị Thò Thị Say (29 tuổi, ở thôn Hầu Lùng Sán, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã mang con đến trạm y tế xã để tiêm phòng vaccine “5 trong 1”. Vì không có điều kiện cho con tiêm dịch vụ nên chị Say chỉ biết chờ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chưa đủ đáp ứng nhu cầu

Theo chị Hoàng Thị Đình, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Phùng, việc thiếu vaccine đã ảnh hưởng nhiều đến công tác vận động tiêm chủng trên địa bàn. Từ đầu tháng 1 năm 2024, Trạm đã được cung cấp thêm một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng như "5 trong 1", vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), vaccine sởi-rubella. 

Tuy nhiên, số lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên địa bàn xã. "Hiện vaccine mỗi loại vẫn thiếu một ít. Có thông tin vaccine đang được phân bổ xuống, chúng tôi đang mong chờ từng ngày", chị Đình bày tỏ.

Không riêng ở Hà Giang, tình trạng thiếu vaccine đang xảy ra cục bộ tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, Trung tâm Y tế huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tuy vaccine đã được bổ sung nhưng vẫn chưa đủ cho số trẻ cần tiêm trên địa bàn. 

"Ngay khi vaccine về, Trung tâm đã triển khai xuống các trạm y tế khẩn trương tổ chức tiêm chủng cho trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thống kê số lượng trẻ đang nhỡ mũi tiêm để bổ sung ngay sau khi vaccine về. Một số phụ huynh không đợi được vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã cho con ra ngoài tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện cho con tiêm dịch vụ mà đành chờ", bác sĩ Vinh cho hay.

Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, ước tính với từng loại vaccine trong chương trình, trung bình hàng năm có 100.000-200.000 trẻ không được tiêm đủ các mũi vaccine. Việc tích luỹ gia tăng số trẻ không có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi qua các năm là yếu tố quan trọng gây dịch nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Khắc khoải chờ vaccine tiêm chủng mở rộng- Ảnh 1.

Cán bộ y tế xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đến tận nơi tiêm chủng cho trẻ tại một số bản xa, điều kiện đi lại khó khăn

Cuối năm 2023, Bộ Y tế, Bộ Tài chính duyệt giá vaccine sản xuất trong nước. Ngay sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã ký hợp đồng mua 10/10 loại vaccine sản xuất trong nước. Cụ thể, 1,55 triệu liều vaccine phòng Lao (BCG), 1 triệu liều vaccine viêm gan B, 4,98 triệu liều vaccine bại liệt uống (OPV), 1,9 triệu liều vaccine sởi, 1,7 triệu liều vaccine sởi-rubella, 1,4 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản, 1,531 triệu liều vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), hơn 1,4 triệu liều vaccine uốn ván, 1,377 triệu liều vaccine uốn ván - bạch hầu (Td).

Riêng 549.164 liều vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp, là vaccine lần đầu được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi, dự kiến sẽ được triển khai từ Quý II năm nay.

Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, việc tập trung giải quyết tình trạng thiếu vaccine là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình tiêm chủng mở rộng trong quý 1 năm 2024. 

"Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có số lượng vaccine nhất định để giao ngay cho viện khi hoàn tất các thủ tục tài chính. Các loại vaccine này sẽ được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận về kho vaccine Quốc gia, nhanh chóng phân bổ và chuyển đến các địa phương ngay khi tiếp nhận. 

Một số địa phương còn thiếu vaccine cục bộ là do đang trong quá trình phân bổ", bà Hồng lý giải về nguyên nhân một số địa phương vẫn đang thiếu vaccine.

Cần dự trù tốt hơn nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng quyền chăm sóc y tế 100% miễn phí. Chương trình tiêm chủng mở rộng nằm trong quyền đó. 

Đấu thầu cũng có nhiều lỗ hổng, thời gian thì lâu, cho nên dẫn đến việc chưa mua sắm kịp, so với nhu cầu của người dân. Đó vẫn là một nguyên nhân cần phải được giải quyết triệt để, tránh tái diễn câu chuyện thiếu vaccine như trong năm qua.

Theo chuyên gia, hiện nay, đa số vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã sản xuất được trong nước, chỉ có vaccine "5 trong 1" phải nhập khẩu. Việc cung ứng vaccine cần phải chủ động hơn trước. Chuyển sang tiêm vaccine dịch vụ không phải là giải pháp mà là tình thế bắt buộc. 

Nếu không cung ứng được vaccine sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc y tế. "Để tránh tái diễn tình trạng thiếu vaccine như trong thời gian qua, khi đấu thầu tập trung quốc gia, chúng ta cần phải dự trù nhu cầu tốt hơn nữa", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh.

Trước những lo lắng về đảm bảo chuỗi cung ứng vaccine lâu dài, Bộ Y tế cho biết, đã có kế hoạch không chỉ đảm bảo kinh phí để mua vaccine trong năm 2024, mà đối với các vaccine trong nước sản xuất cũng sẽ được đảm bảo nguồn cung, với vaccine nhập khẩu thì thực hiện đấu thầu. Để tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu vaccine, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sửa đổi các văn bản quy định, đảm bảo quy trình cung ứng vaccine một cách đồng bộ trên toàn quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm