pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á -Thái Bình dương 2024
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bên phải) trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị.
Đây là lần thứ 2, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam. Lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2018. Hội nghị lần này với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong khoa học và công nghệ vì một tương lai bền vững" thu hút sự tham gia của 60 đại biểu quốc tế đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 200 hội viên nữ trí thức, những nhà khoa học, báo cáo viên đến từ 8 Hội thành viên, 35 Chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, Hội nghị lần này không chỉ là một diễn đàn để chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn, nơi mà phụ nữ được trao quyền và đóng góp hết mình vào sự phát triển của cộng đồng. Theo đó, Hội nghị tập trung vào việc đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những thách thức mà các tổ chức khoa học và kỹ sư nữ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt.
Hai phiên họp chuyên đề về sức khỏe, môi trường, và về giới, kỹ thuật và toán học sẽ mang đến những góc nhìn sâu sắc về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ đưa ra những giải pháp khả thi. Mặt khác, Hội nghị cũng sẽ đưa ra được những kiến nghị đích đáng đóng góp vào việc mở rộng mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nữ trong khu vực.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: Thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Điều này đặt ra những thách thức to lớn, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Đáng chú ý là phụ nữ và trẻ em gái bị tác động tiêu cực hơn so với nam giới bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, sống dựa vào thiên nhiên trong khi đó họ lại thiếu kiến thức và kỹ năng. Các nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng việc lồng ghép giới trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ để bảo đảm quyền con người và bình đẳng giới mà còn giúp nâng cao hiệu quả công tác này.
Lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu nhân lực, là trụ cột quan trọng cho sự phát triển. Trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng tài năng, với những nghiên cứu và đóng góp làm thay đổi lịch sử nhân loại. Giải Nobel năm 2023 trong lĩnh vực Y học và Vật lý đã xướng tên 2 nhà khoa học nữ với những đóng góp trong việc tạo ra vaccine hiệu quả phòng chống COVID-19 và nghiên cứu động lực học điện tử trong vật chất.
Tại Việt Nam, dù còn phải đối mặt với định kiến giới trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, phụ nữ vẫn khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đội ngũ các nhà khoa học nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng có những công trình ứng dụng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và đất nước. Nhiều nhà khoa học, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á...
Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, khẳng định về vai trò của đội ngũ nữ trí thức: Sự có mặt của các chị đã lấp dần những khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Chúng ta tự hào vì trong số gần 6.000 hội viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam, nhiều chị được vinh danh xứng đáng tại các giải thưởng khoa học uy tín trong nước và quốc tế như Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Vifotex, giải thưởng Kovalevskaia, L'Oreal-UNESCO và nhiều giải quốc tế khác.
Hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để các nữ trí thức Việt Nam lắng nghe và học hỏi từ các nước trong khu vực mà còn là dịp để các nhà khoa học nữ, từ mọi quốc gia, có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nhằm tạo ra những sáng kiến đột phá thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Bên cạnh phiên khai mạc trọng thể, buổi chiều Hội nghị sẽ diễn ra 2 hội thảo chuyên đề: "Giới và STEM" và "Sức khỏe và Môi trường". Hội nghị thường niên INWES APNN 2024 tập trung vào các nội dung như: Báo cáo hoạt động của các quốc gia, bàn thảo chiến lược hoạt động của APNN cho các năm tiếp theo, thông qua Chương trình hành động và họp Ban lãnh đạo Mạng lưới quốc tế INWES và Mạng lưới khu vực APNN.
- 2 hội viên xuất sắc của Hội được phong danh hiệu Anh hùng Lao động là GS. TS. TTND. Huỳnh Thị Phương Liên và PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm.
- 60 đại biểu quốc tế đến từ 11 quốc gia vùng lãnh thổ gồm: Philippnes, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Myanma, Nepal, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc) và Vương quốc Anh.
- Đoàn quốc tế có số lượng đại biểu đông nhất là Philippines: 16 đại biểu; Đài Loan (Trung Quốc): 15 đại biểu; Nhật Bản: 10 đại biểu.
- Tại Hội nghị, các quốc gia tham báo cáo, gồm: Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
- Ngoài các hoạt động chuyên môn, Hội nghị còn tổ chức nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như: Triển lãm tranh của các họa sĩ nữ; Triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học nữ; Gala Diner; Biểu diễn nghệ thuật.
- Mỗi quốc gia tham dự Hội nghị được dành một gian trưng bày tại không gian triển lãm để trưng bày sản phẩm của các nhà khoa học, kỹ sư nữ nước mình. Dự kiến có khoảng 20 gian hàng tham gia triển lãm.