pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khám phá bảng cầu cơ của phương Tây dưới góc nhìn khoa học
Bảng cầu cơ Ouija từ lâu được coi là một phương tiện phổ biến để giao tiếp với thế giới linh hồn. Bảng cầu cơ ở phương Tây thường là một miếng gỗ lớn với các bảng chữ cái cùng hai từ “Yes” và “No”.
Đi kèm với đó là miếng gỗ nhỏ hình trái tim khoét lỗ để đặt ngón tay vào. Ở Việt Nam, người chơi cầu cơ thường sử dụng một bảng cầu cơ “cây nhà lá vườn” hơn, đó là tấm giấy được viết chữ lên, miếng gỗ trái tim được thay bằng chén nhỏ hoặc đồng xu.
Trong suốt hơn 130 năm kể từ khi xuất hiện, bảng cầu cơ Ouija đã làm nhiều người khiếp sợ vì chúng chứa những bí ẩn dường như nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Nhưng gần đây, các nhà tâm lý học đã tìm ra nhiều lý giải khoa học đằng sau bảng cầu cơ.
Một phong trào kỳ bí
Chris French, giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Goldsmiths, London, đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu trải nghiệm siêu nhiên liên quan đến bảng cầu cơ Ouija. Lần đầu tiên ông sử dụng bảng Ouija là khi còn học đại học.
“Chơi cầu cơ từng là hoạt động giải trí thường xuyên vào mỗi tối thứ Sáu của tôi”, ông nhớ lại. Chris cùng bạn bè đã thiết kế bảng cầu cơ riêng bằng cách viết lên mảnh giấy và dùng ly rượu làm vật dẫn. “Có lẽ không ai thực sự tin rằng mình đang giao tiếp với các linh hồn, nhưng mọi người đều thấy vui”. Chris nhớ lại cảm giác thấy ly rượu như đang tự di chuyển, cảm giác đó rất thật và sống động.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông phát hiện những gì mình từng trải qua chỉ đơn giản là hiệu ứng Ideomotor (chuyển động vật lý vô thức).
Về cơ bản, hiệu ứng Ideomotor là những chuyển động trong tiềm thức, không chủ đích và không tự nguyện. Hiệu ứng xảy ra do những kỳ vọng hoặc định kiến trước đó của một người. Hãy hình dung thế này, nếu bạn nghĩ đến việc hôn người yêu mình, bạn có xu hướng hơi nghiêng người về phía người đó mà không thực sự nghĩ đến chuyển động này. Đây cũng chính là thế lực ngầm di chuyển bàn cầu cơ, người tham dự mong mỏi vật dẫn sẽ di chuyển, nên họ vô thức dịch chuyển tay.
Lặp lại những gì đã biết
Bí ẩn về sự chuyển động của miếng gỗ nhỏ đã được giải đáp, vậy còn những thông điệp cụ thể mà nó đưa ra thì sao? Thì ra, tiềm thức cũng có một phần “trách nhiệm” liên quan.
Chris French phát hiện, khi bạn đã có manh mối về ký tự đầu tiên, não của bạn sẽ liên kết với những ký tự tiếp theo để phỏng đoán và cho ra kết quả khả thi, dù bạn không cố tình làm vậy. Cụ thể, nếu hỏi về một cái tên và bạn có dữ kiện là hai chữ cái đầu “P” và “E”, tiếp theo bạn sẽ tự động nghĩ đến tên “PENNY” hoặc “PETER”.
Giáo sư Marc Andersen của Đại học Aarhus, Đan Mạch từng xuất bản một nghiên cứu liên quan đến tính phỏng đoán vô thức. Ông chia người tham gia thí nghiệm thành hai nhóm. Trong nhóm một, Andersen yêu cầu họ đeo kính có gắn camera theo dõi chuyển động mắt.
Khi được yêu cầu đánh vần từ “Baltimore” bằng cách di chuyển miếng gỗ, mắt của họ đã sắp xếp từ này theo một quỹ đạo gọn gàng để đẩy miếng gỗ đến vị trí tương ứng. Người ở nhóm 1 được cho trước một từ và nhiệm vụ của họ chỉ là tìm vị trí của từ đó trên bảng cầu cơ.
Với nhóm 2, người tham gia không được cho trước từ nào và phải sử dụng bảng cầu cơ như bình thường. Andersen nhận thấy, khi chơi một mình, người ở nhóm 2 không giỏi dự đoán chữ cái tiếp theo, nhưng chỉ cần chơi cùng một người khác, cả hai sẽ dự đoán được chữ nhanh hơn và có cùng một chuyển động mắt tương đương nhóm . Như vậy, nếu chơi theo nhóm, khả năng dự đoán sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, người tham gia đều nói rằng họ thấy mất sự tự chủ, tức là không có cảm giác như mình đang chuyển động miếng gỗ trên bàn cầu cơ. Andersen nhận định, khi bạn có thể dự đoán kết quả của hành động thì bạn mới cảm nhận được sự kiểm soát. Những người chơi một mình không có khả năng dự đoán do thiếu tác động từ người chơi khác, vì vậy họ cảm giác một thế lực bên ngoài đang nắm quyền.
Tâm trí “thây ma”
Một số người chơi khẳng định bảng cầu cơ đã tiết lộ những thông tin mật, những sự kiện mà chính họ cũng không nhớ mình từng trải qua. Nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy trí nhớ tiềm thức đã tác động đến câu trả lời. Hiểu đơn giản, não của bạn đã vô thức gợi lại ký ức, hình ảnh trong quá khứ khi đặt câu hỏi.
Để kiểm chứng, nhóm nghiên cứu mời người tham gia trả lời các câu hỏi “Có” hoặc “Không” trên bảng cầu cơ nhưng phải bịt mắt. Người chơi cùng nhóm sẽ lén bỏ tay ra khỏi miếng gỗ và để họ tự mình trả lời câu hỏi một cách vô thức. Sau đó, họ tháo bịt mắt và trả lời các câu hỏi về bản thân một cách có ý thức. Kết quả, khi bị bịt mắt họ có xu hướng trả lời đúng hơn so với khi tỉnh táo.
Ronald Rensink, Phó Giáo sư tâm lý học và khoa học máy tính tại Đại học British Columbia, cũng là người tham gia thí nghiệm năm 2012, nhận định não người có hai hệ thống điều khiển chính, một hệ thống có ý thức và một hệ thống không có ý thức, đôi khi được gọi là tâm trí “thây ma”. Những lúc dùng bảng Ouija, bạn có cảm giác mất kiểm soát, tâm trí tỉnh táo lùi lại, nhường chỗ cho năng lượng tiềm thức. Do đó, bạn tìm lại được những sự kiện mà tưởng như đã chôn vùi trong quên lãng.
Bảng cầu cơ hé lộ sự thật gì về tâm trí con người?
Qua bảng cầu cơ, ta phần nào hiểu về cách bộ não vô thức hoạt động. Thực tế, trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm mà chế độ “thây ma” của chúng ta tự động bật và chiếm ưu thế. Trước khi nghiên cứu về bảng Ouija, Ronald cũng nghiên cứu và phân tích bộ não của người lái xe. Khi lái xe đường dài, có nhiều thời điểm ta rơi vào chế độ “tự động lái” (autopilot), nghĩa là bạn lái xe và vẫn tránh được chướng ngại vật, nhưng tâm trí bạn thì đang lang thang ở nơi khác.
Loạt nghiên cứu về chế độ tự lái đã được thực hiện từ những năm 1990, củng cố nhận định rằng não vẫn hoạt động hiệu quả kể cả khi ta không thực sự làm việc. Chế độ tự lái được điều khiển bởi một mạng lưới có tên là “chế độ mặc định”.
Sự phổ biến của bảng cầu cơ cũng phần nào giải thích về những nỗi sợ của con người và cách chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng, niềm tin vào một điều gì đó, dẫn đến việc bị trục lợi. Ví dụ nhiều kẻ đã lợi dụng hiệu ứng ideomotor để đánh vào tâm lý của người nhà bệnh nhân mắc bệnh tự kỷ hoặc bại não, họ giới thiệu các phương pháp trị liệu giúp bệnh nhân cải thiện khả năng giao tiếp thông qua cử động ngón tay.
Cụ thể, kẻ lừa đảo sẽ cầm tay của người khuyết tật và đặt lên một bàn phím. Khi được đặt câu hỏi, người khuyết tật sẽ gõ câu trả lời trên bàn phím, thông qua sự trợ giúp của “người chữa bệnh”. Thực tế, chính “người chữa bệnh” mạo danh này mới là người đang viết câu trả lời.