pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khảo sát, đánh giá thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Kon Tum
Đoàn Khảo sát, đánh giá thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (giai đoạn 2017 – 2025) thăm, làm việc tại Doanh nghiệp đạt giải trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2021.
Công ty TNHH thảo dược Tây Nguyên và Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững" đã có dịp đón đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam và các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp. Đây là hoạt động nằm trong chương trình khảo sát, đánh giá cụ thể hơn về tình hình triển khai thực hiện dự án đạt giải thưởng trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2021. Đồng thời, qua đó tìm hiểu về các định hướng chiến lược cụ thể trong thời gian tới, lắng nghe những khó khăn vướng mắc cần hỗ trợ và những kế hoạch cụ thể để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả hơn.
Những hỗ trợ thiết thực
Chia sẻ về những nỗ lực trong thời gian qua, chị Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên, (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, năm 2021, chị đã được trao giải nhì cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức, với Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững" (Dự án).
Từ số vốn hỗ trợ từ Cuộc thi cộng với số tiền đối ứng, chị Mỹ Huệ và doanh nghiệp đã dùng để đầu tư thêm trang thiết bị máy móc và nghiên cứu, sản xuất thêm các sản phẩm mới từ dược liệu như trà gừng nhân sâm...
Chị còn được tham dự các khóa đào tạo nâng cao năng lực như: Xây dựng Kế hoạch kinh doanh (khóa đào tạo do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức); khóa đào tạo Nữ Doanh nhân với Kế hoạch kinh doanh thành công (do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức); khóa nâng cao kỹ năng về truy xuất nguồn gốc (do Sở KHCN & Sở Kế hoạch Đầu tư tổ chức); hay tham gia các chương trình đào tạo cho Doanh nghiệp tạo tác động xã hội do Ofxam và SCIP thực hiện. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình mới, chị Lương Thị Mỹ Huệ cũng tham gia chương trình đào tạo Kinh doanh sàn Thương mại điện tử của Hội LHPN Việt Nam.
Từ khi thực hiện dự án và tham gia các chương trình đào tạo, hỗ trợ dành cho Phụ nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân, doanh nghiệp đã tạo việc làm cho công nhân lao động và bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, dược liệu và các sản phẩm được chế biến từ dược liệu cũng được duy trì thông qua các hoạt động chuyển đổi cây trồng từ các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp ảnh hưởng do dịch bệnh sang loài cây dược liệu đang có nhu cầu cao do tình hình dịch bệnh.
Từ đó, công ty tạo ra 16 sản phẩm từ các dược liệu đặc trưng Kon Tum. Trong đó có 3 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và có 2 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 5 sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Lương Thị Mỹ Huệ đánh giá: Về cơ bản, mục tiêu, kế hoạch đề ra của Dự án khởi nghiệp đã đạt được như: Tạo sinh kế và thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; Tăng giá trị cây dược liệu tại địa phương, nâng cao đời sống vật chật và tinh thần cho nông dân; mở rộng thị trường tiêu thị sản phẩm tới 40 tỉnh và thành phố.
Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai dự án và sử dụng nguồn hỗ trợ từ giải thưởng của Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2021, Dự án vẫn còn gặp một số khó khăn như: Nguồn vốn để phát triển dự án, hỗ trợ giống cho chị em phụ nữ tham gia dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân còn gặp nhiều khó khăn, đa số làm theo tập tục canh tác cũ, chưa tiếp cận được với hướng trồng, canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để bảo bảo an toàn cho sức khỏe cho người tiêu dùng và cả người nông dân.
Mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội LHPN
Để Dự án triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, chị Lương Thị Mỹ Huệ bày tỏ: Dự án hy vọng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, các nguồn hỗ trợ khác để tập trung phát triển vùng nguyên liệu ổn định và lớn mạnh cho công ty như xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy móc thiết bị, mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó tạo ra sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao được giá trị cây dược liệu tại địa phương, giúp chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Chị cũng hy vọng Hội LHPN các cấp phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn trong thay đổi cơ cấu cây trồng mới nhằm hướng đến một nền nông nghiệp an toàn và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con; tiếp tục hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả và hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước.
Những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp khi triển khai thực hiện đề án được đoàn công tác ghi nhận, từ đó nghiên cứu để có những giải pháp đồng hành hỗ trợ dự án, tạo thêm nhiều sinh kế ổn định và bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia tăng giá trị dược liệu tại địa phương.