Khi cha mẹ và con mất kết nối

Thanh Nga
24/12/2021 - 06:15
Khi cha mẹ và con mất kết nối

Mất kết nối với con khiến nhiều cha mẹ áp dụng những "hàng rào" kiểm soát vô lý với con và đương nhiên, càng đẩy mối quan hệ cha mẹ-con cái ra xa hơn.

Mất kết nối với con khiến nhiều cha mẹ áp dụng những "hàng rào" kiểm soát vô lý với con và đương nhiên, càng đẩy mối quan hệ cha mẹ-con cái ra xa hơn.

 Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, điều này được ví như "wifi kết nối trong nhà mạnh hơn kết nối cha mẹ- con cái". Việc mất kết nối được thể hiện bắt đầu bằng những lời từ chối đi chung với cha mẹ. Đó là khi "mạng kết nối" của con đã được mở rộng. Có thể chỉ là chiếc tivi với những chương trình hấp dẫn, nơi có thần tượng của con đang xuất hiện. Có khi là chiếc smartphone, nơi trẻ kết nối với thế giới bên ngoài. Có khi là bạn bè. Ở chiều ngược lại, nhiều cha mẹ đã bị cảm giác "cho ra rìa" khiến họ sợ hãi mà áp đặt thiết quân luật "ghen tuông" với chiếc tivi, với thần tượng của con, với điện thoại, với chính bạn bè của con. Nhiều người trong số họ "vẽ ra" đủ thứ nguy cơ như thần tượng gây ảnh hưởng xấu đến con, điện thoại dùng nhiều hại thân, các mối nguy hại đầy rẫy trên mạng, những người bạn xấu… Con tìm đủ mọi cách bảo vệ thần tượng, lén lút lên mạng, tìm đến những người bạn bí mật càng nguy hại hơn. Nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết, việc mất kết nối ngay trong những bữa cơm gia đình. Khi con cái ru rú trong phòng chúng, thế giới riêng của chúng. Khi lời cha mẹ không lọt vào đầu trẻ. Đó là khi những lá thư tâm sự: "Cha mẹ chẳng bao giờ chịu hiểu cho con", hay với cha mẹ thì "Nói thế nào nó cũng không chịu hiểu". Sự mất kết nối là khi cả 2 phía không chịu hiểu nhau. Đó là khi chỉ thấy những ĐỂ Ý nhiều hơn ĐỂ TÂM. Để ý bằng mắt mà không phải để tâm- bằng tim, bằng tin khiến chúng ta chỉ nhìn thấy thứ không đúng ý mình, bực dọc với những thứ không theo ý mình mà không tin, không quan tâm đến đối phương. Để cha mẹ và con cái không mất kết nối, theo nhà báo Hoàng Anh Tú, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy tạo sự kết nối vững chắc bằng việc chọn cách lớn theo con. Cha mẹ giúp trẻ có thói quen chia sẻ mọi điều với mình. "Tăng cường kết nối bằng việc lắng nghe con nhiều hơn. Là lắng nghe chứ không phải chỉ là nói với con. Lắng nghe bằng những câu hỏi mở. Lắng nghe bằng trái tim mở. Lắng nghe bằng ham muốn lớn lên cùng con. Đừng tìm cách điều khiển, hãy chọn cách điều hướng, điều chỉnh. Điều khiển có nghĩa là áp đặt. Điều hướng là dẫn lối, tạo lối. Điều chỉnh là căn theo con, điều chỉnh chính bản thân mình", nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết. Khi con bước vào tuổi teen, cha mẹ hãy dùng sự hiểu con để đi cùng con. Nhiều cha mẹ áp đặt và kiểm soát con vì không hiểu con. Muốn hiểu con thì cần lắng nghe, đặt mình vào vị trí của con. Hãy thành "đồng bọn" của con, cha mẹ cũng nên thử sai theo con để cùng con tìm ra cái đúng. Chúng ta sẽ không bao giờ lý giải được việc làm của con nếu như ngay từ đầu chúng ta đã khăng khăng quả quyết là con đang sai. Và nếu cha mẹ đã lỡ mất kết nối với con lâu ngày rồi muốn kết nối trở lại thì chính cha mẹ phải là người thay đổi "cấu hình" để phù hợp với "cấu hình" của con. "Nếu lựa chọn kỷ luật, hãy đảm bảo rằng đó là thứ luật lệ đặt ra nhằm mục đích khuyến khích đối phương chọn làm theo luật chứ không phải để phạt nhau. Luật đưa ra phải giúp cuộc sống dễ thở hơn chứ không phải khiến chúng khó thở. Và luật phải áp dụng công bằng với cả chính bạn nữa. Nếu lựa chọn đối thoại thì phải học lắng nghe và học đối xử để đừng thành đối phó- đối đầu- đối nghịch", nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm