Khi chồng mất việc

04/08/2015 - 01:23
Chồng bị mất việc là điều mà cả bạn và chàng đều không mong muốn, thế nhưng lúc này bạn cần mạnh mẽ, bình tĩnh để cùng chàng vượt qua khó khăn.

Nên cảm thông, chia sẻ và động viên khi chồng bị mất việc (Ảnh minh họa)

Thắt chặt chi tiêu

Dù “anh xã” trước đó có một công việc với thu nhập cao hay thấp thì việc anh ấy bị mất việc cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu trong gia đình. Đây là khoảng thời gian bạn cần phải tính toán chi li ngân quỹ, đặt kế hoạch chi tiêu rõ ràng, kiên quyết không chi tiền cho những món đồ xa xỉ và từ bỏ thói quen tiêu tiền tùy hứng. Tiền bạc là vấn đề rất nhạy cảm, bạn có thể bàn bạc với chàng về kế hoạch chi tiêu nhưng đừng nên ngày nào cũng “ca bài” tiền nong, như vậy sẽ tạo sức ép tâm lý cho cả 2 vợ chồng.

Tìm sự giúp đỡ

Hãy chia sẻ khó khăn của chồng bạn cũng như của gia đình bạn với bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Khi “anh xã” mất việc, gia đình mất đi một khoản thu nhập nhất định. 2 bạn cần nhận được sự giúp đỡ từ họ. Có thể thông qua những “cầu nối” này sẽ giúp anh ấy có được cơ hội tìm việc làm mới, rút ngắn khoảng thời gian thất nghiệp và nhận được những lời khuyên hữu ích. Việc giấu diếm, thiếu cởi mở khi gặp tình trạng khó khăn càng khiến anh ấy rơi vào bế tắc hơn, luôn phải “đóng kịch” và tình trạng khó khăn của gia đình bạn không thể có hồi kết.

Đồng cảm, chia sẻ

Sự cảm thông, động viên và tôn trọng của bạn dành cho chồng ngay cả khi anh ấy rơi vào trạng thái tồi tệ này sẽ tiếp thêm cho chàng sức mạnh và động lực để bước tiếp thay vì gục ngã. Sự nóng vội hoặc những lời chỉ trích, chê bai sẽ khiến anh ấy bị tổn thương, bị xúc phạm, từ đó dễ sinh ra phản ứng tiêu cực. Chàng chẳng những không có hứng thú để tiếp tục tìm việc làm mà còn có thể vướng vào tệ nạn xã hội, hạnh phúc hôn nhân gia đình bạn cũng có thể từ đây mà rạn nứt. Hãy cùng anh ấy tìm, bàn bạc và nghĩ cách để có cơ hội  việc làm nhanh hơn.

Cùng chàng giải tỏa stress

Khi bị mất việc, chàng sẽ căng thẳng và mệt mỏi. Lúc này, bạn nên cùng chàng khống chế stress trước khi để nó “thống trị” anh ấy. Cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, chăm con hoặc tham gia một hoạt động ngoại khóa, 1 lớp học chuyên môn nào đó sẽ giúp anh ấy thoải mái hơn về mặt tư tưởng, cảm nhận thêm sự ấm áp từ tình yêu thương của vợ con, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, tránh những “cuộc chiến” theo kiểu “giận cá chém thớt”.

Khuyến khích, động viên

Những lời chỉ trích sẽ chỉ càng làm anh ấy mặc cảm, chìm sâu vào tuyệt vọng mà thôi. Khi “anh xã” mất việc, bạn hãy cư xử khéo léo, tế nhị. Bằng cách này hay cách khác để chàng hiểu rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn vẫn luôn sát cánh bên anh ấy và việc bạn chọn chàng để làm người bạn đời không bao giờ là sự lựa chọn sai lầm. Hãy coi đây là giai đoạn thử thách để 2 vợ chồng thêm hiểu nhau, thương nhau hơn. Cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, tình cảm vợ chồng, hạnh phúc hôn nhân sẽ càng trở nên bền chặt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm