pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi con cái là... "thời tiết xấu" của hôn nhân
Ảnh minh họa
Mệt vì phải vào vai mẹ ác
Rất nhiều phụ nữ nói với tôi về việc họ phải vào vai mẹ ác chỉ vì họ có một ông chồng vô tâm, vô lo, vô nghĩ, thậm chí vô cảm với con cái. "Nào ai muốn làm mẹ ác kia chứ? Nhưng con cái đang tuổi lớn, quá nhiều bẫy rình rập ngoài kia. Bố lại chả lo lắng gì, mặc kệ việc nuôi dạy con cho vợ nên mẹ phải vào vai mẹ ác".
Nhiều phụ nữ ghen tỵ với những người mẹ thảnh thơi vì có chồng thay họ vào vai bố dữ, bố nghiêm. Con cái không nghe lời chỉ cần lôi bố ra hù là con cái răm rắp. Nên ngược lại, khi vợ phải vào vai mẹ ác, đa phần đều lỗi vì lấy phải ông chồng không ra gì.
Tôi đồng ý! Chẳng mẹ nào muốn thành mẹ ác cả. Nhưng khi tôi nghe những ông bố tâm sự thì nó lại là một nỗi niềm rất khác.
Nhiều ông bố nói với tôi rằng: "Bọn trẻ nhà em khổ lắm. Mẹ nó lúc nào cũng gào thét chúng nó. Nào là học hành tại sao điểm kém? Nào là suốt ngày dán mắt vào điện thoại. Nào là không phụ giúp đỡ đần cho mẹ… Nhiều khi em cũng thấy vợ em vô lý quá. Nói ra lần nào hai vợ chồng cũng cãi nhau. Em chán chả buồn nói nữa thì lại bảo em thờ ơ, bỏ mặc con cái. Đến khổ!".
Tôi biết chứ! Mẹ nào mà chẳng yêu con. Càng yêu nên càng hay kỳ vọng. Chẳng phải thế sao khi viên kim cương (là con) phải lấp lánh và vừa vặn với chiếc nhẫn (là cha mẹ). Nên nhiều mẹ ra sức chà xát, đẽo gọt. Càng yêu con thì càng kỳ vọng vào con. Kỳ vọng khi không đạt được sẽ thành thất vọng.
Và đương nhiên đến lúc đó lại là điệp khúc: Nuôi dạy con nên người cần cả hai vợ chồng. Đổ lỗi cho chồng không cùng mình nuôi dạy con nhưng lại không chấp nhận được những quan điểm giáo dục khác mình của chồng. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến hôn nhân rơi vào trạng thái "thời tiết xấu" rất nhanh.
Bất đồng trong cách giáo dục con cái khiến nhiều cặp vợ chồng "cơm không lành canh không ngọt". Từ bất đồng thành bất động, ôm hết về mình, không cần chồng nữa, thành bất bình nên cãi nhau liên miên trong việc dạy con.
Bi kịch mẹ ác là vậy, biến "thời tiết" của hôn nhân xấu đi mỗi ngày. Biến người vợ tinh tươm hôm cưới thành người mẹ nhăn nhó hôm nay. "Con mèo bé nhỏ của anh" hôm nào thành "con sư tử dữ dằn" của cả bố lẫn con hôm nay.
Anh ta là cha đứa trẻ dù vẫn là một đứa trẻ
Hôm trước, một người mẹ rất bức xúc nói với tôi: "Em không chịu nổi nữa rồi! Chồng em không giúp em dạy con học thì thôi lại suốt ngày chơi game với con. Một đứa trẻ thôi đã đủ mệt, giờ em đang phải trông coi 2 đứa trẻ. Con em có bố chơi game cùng nên giờ nó chả chịu học hành luôn.
Em nói rát cổ họng rồi mà anh ta vẫn cãi rằng phải cho con trải nghiệm, phải cho con giải trí. Điểm số của con ngày một thụt lùi và mắt đã có triệu chứng vì chơi game. Suốt ngày 2 bố con ôm máy hò hét chơi game với nhau khiến em tức điên lên".
Hôm đó là trong khuôn khổ một cuộc trò chuyện làm sao để cải thiện điểm số, giúp con tập trung và chủ động trong việc học hành. Nên tôi không tiện nói về việc cải thiện hôn nhân, giúp vợ chồng hạnh phúc. Nhưng tình huống, câu chuyện như người mẹ ấy, tôi quả thực gặp rất nhiều rồi.
Nhiều người vợ nói với tôi về ông chồng trẻ con của họ. Trong khi vợ thì lo lắng chuyện con cái chơi game, bỏ bê học hành thì chồng lại tiếp tay với con, thậm chí mua máy tính cấu hình mạnh hơn để chơi game mượt hơn. Con thì đương nhiên "Bố là nhất" mà bất tuân lệnh của mẹ.
Người phụ nữ ấy đối diện với nỗi lo con cái lại chồng thêm nỗi bức xúc vì chồng trẻ con, ham chơi. Đau lòng khi con nói: "Bố là nhất! Yêu bố nhất nhà" trong khi mình dốc lòng dứt ruột thế kia mà?
Nhiều phụ nữ tôi biết còn đau khổ hơn nữa mỗi khi cơ quan trao thưởng cho con cái của cán bộ, công nhân viên đạt thành tích tốt trong học tập mỗi dịp 1/6. Nhiều phụ nữ bảo họ thấy xấu hổ khi cơ quan đòi bằng khen học sinh giỏi.
Thậm chí số tiền thưởng cho học sinh giỏi cao hơn rất nhiều học sinh tiên tiến và nếu con không có thành tích gì thì lại xấu hổ vô cùng. Hay những lần ngồi "buôn" chuyện giữa phụ nữ với nhau, nghe chị này khoe con IELTS 7.0, tự hào vì con đã tự lập thế nào, người lớn ra sao thì lại lo sốt vó con mình.
Mai sau nó có thành công hay không, người ta đều chỉ trích người mẹ. Mẹ tốt là con phải giỏi giang, thành đạt. "Con hư tại mẹ" đấy thôi. Có ai nói con hư tại bố đâu?
Chị em ạ, chồng có thể giống như là đứa trẻ nhưng anh ta vẫn là cha đứa trẻ. Việc giáo dục con vốn không phải mình bạn một tay che trời được đâu. Đứa trẻ vẫn học từ bố và học từ mẹ.
Thế nên, một người bố nghiện hút, bạo lực, tội phạm thì đương nhiên là sẽ làm hỏng con mình. Còn khi anh ta vẫn là một ông bố tốt với con, vẫn dành nhiều thời gian cho con thì hãy ghi nhận và khuyến khích điều đó.
Mỗi người đều có một cách giáo dục con nhưng đừng chỉ thấy cách của mình tốt hơn cách của chồng. Như câu chuyện người mẹ có chồng con mê game, tôi đã nói với cô ấy rằng: Game của bố hấp dẫn thì game của mẹ càng phải hấp dẫn hơn.
Thay vì loại bỏ đối thủ, sao không bắt tay cùng đối thủ để cùng win-win. Con mê game thì mẹ cũng có thể tạo game, rủ chồng tạo game cùng mình, hỗ trợ mình cách hiểu thứ con thích. Kiểu bố là gián điệp giúp mẹ hiểu con hơn qua game con thích. Là giáo dục của bố và giáo dục của mẹ hỗ trợ cho nhau thành giáo dục con tốt hơn, đa nhiệm hơn, nhiều năng lượng hơn.
Đừng gạt phăng đi người bố. "Dụng nhân như dụng mộc" mà, nhớ không, cong, thẳng, ngắn, dài, giòn, mềm, dai tùy tay thợ khéo. Chồng trẻ con thì dễ đi vào lòng con hơn, dễ uốn con theo mình hơn. Sợ nhất là chồng trẻ con nhưng không thích chơi với trẻ con thôi.
Đôi khi, tương tác trong việc giáo dục con cũng lại thành "hâm nóng" hôn nhân, giúp vợ hiểu chồng, giúp chồng yêu vợ hơn đấy.
Cùng nhau hạnh phúc
Tôi vẫn nói với các cha mẹ về việc chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ đều sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình chỉ để con cái được hạnh phúc. Nhưng như thế vẫn chưa đúng đâu các mẹ ạ! Hạnh phúc phải được tạo dựng từ cả hai phía. Ta làm sao hạnh phúc nổi nếu con không hạnh phúc. Và ngược lại, con sẽ không hạnh phúc đâu nếu cha mẹ chúng không hạnh phúc.
Thế nên cách đúng phải là cùng nhau hạnh phúc. Là cha mẹ phải hạnh phúc trước đã. Và sau đó, hãy giúp con tạo ra hạnh phúc cho cả cha mẹ. Là con góp phần vào hạnh phúc của cha mẹ, của cuộc hôn nhân này. Là trao quyền tạo ra hạnh phúc cho con. Là hai vợ chồng nắm lấy tay nhau để đón nhận hạnh phúc từ con. Hầu hết mọi đứa trẻ hạnh phúc là bởi chúng thấy cha mẹ yêu thương nhau thế nào mà.
Những bất đồng trong giáo dục con cái sẽ dần dần được hóa giải khi chúng ta ngồi lại bên nhau, tôn trọng nhau và lắng nghe nhau nhiều hơn. Là "chồng ơi, cảm ơn anh đã cùng em tạo ra một đứa trẻ hạnh phúc".
Là "con ạ, cảm ơn con đã là niềm hạnh phúc của bố mẹ". Là "cả nhà mình hãy cùng nhau hạnh phúc được không? Bằng những giải pháp thế này, mọi người cùng góp vào nhé". Là mẹ sẽ làm thế này. Là bố sẽ phụ trách thứ kia. Là con sẽ tham gia làm cái nọ. Chúng ta là một gia đình mà, đúng không?