Khi nào được nổ súng không cần cảnh báo?

08/11/2016 - 06:42
Trong Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định những trường hợp được nổ súng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, bàn thảo chiều nay 7/11, đặc biệt là trường hợp nổ súng của người được giao sử dụng vũ khí.
su-dung-sung.jpg
 Vũ khí bị cơ quan chức năng thu giữ (Ảnh minh họa)

Trong Điều 21, Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liêu nổ, công cụ hỗ trợ, quy định về nguyên tắc nổ súng: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng. Đặc biệt, không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Cũng trong Điều 21 dự thảo Luật này quy định chi tiết những trường hợp “được nổ súng sau khi đã cảnh báo”. Áp dụng với đối tượng “đang sử dụng vũ khí, vật liêu nổ, vũ lực”; gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị giam gữi, áp giải…

Những trường hợp nổ súng “không cần cảnh báo”, có tính chất “trực tiếp” như đối tượng “đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội” khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; uy hiếp trực tiếp an toàn công trình an ninh quốc gia; trực tiếp cướp súng người thi hành công vụ…

Bên cạnh đó, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Trường hợp nổ súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hoặc lạm dụng phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

dai-bieu-nguyen-huu-cau-nghe-an.jpg
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng: Một số nội dung tại Điều 21 dự thảo luật “chưa thực sự hợp lý, nhất là khái niệm nổ súng còn có cách hiểu khác nhau”. Cụ thể, trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo. Bắn chỉ thiên có phải là nổ súng?

Theo đại biểu Cầu, luật này chỉ quy định chung về nổ súng, “khó có thể quy định việc nổ súng cho từng lĩnh vực chuyên ngành”. Để quy định chặt chẽ, hiệu quả trong thực tế, đại biểu này đề nghị tách Điều 21 thành 6 điều luật quy định về: Khái niệm nổ súng và cảnh báo; nguyên tắc nổ súng; quy định về nổ súng sau khi đã cảnh báo; nổ sung trong trường hợp không cần cảnh báo; quy định nổ súng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp và quy định về hậu quả pháp lý của việc nổ súng.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn ĐBQH Hà Nội, quy định trường hợp được nổ súng là vấn đề rất nhạy cảm, phải được quy định chặt chẽ và cụ thể, nếu không “rất dễ bị lạm quyền” và người được phép sử dụng vũ khí sẽ vô tình bị phạm tội do vượt quá giới hạn cho phép.

Theo đại biểu Chính, việc liệt kê các tình huống được phép nổ súng, đối tượng mà người thi hành công vụ được phép nổ súng còn “bộc lộ nhiều bất cập, còn thiếu. Có nội dung còn trừu tượng, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn”. Đại biểu lấy ví dụ, “Điểm đ, Khoản 2 quy định trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do nổ súng gây ra. Đây là quy định rất khó hiểu”.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Quy định về nổ súng (Điều 21) trong dự thảo luật liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm phù hợp với các bộ luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có 75 điều, quy định chi tiết về quản lý, sử dụng vũ khí; vật liệu nổ; tiền chất nổ; công cụ hỗ trợ; thu gom, phân loại, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Dự án luật này, dự kiến Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm